Sự lừa dối hào nhoáng trong kinh doanh
Một chiếc khăn lụa có gắn hai nhãn xuất xứ khác nhau đã dẫn đến sự sụp đổ niềm tin vào một thương hiệu lớn. Trong tuần qua, câu chuyện ấy đã được nhiều người bàn luận và nói chung là lên án gay gắt bởi nó đã làm tổn thương cảm xúc, gây nên sự giận dữ của quá nhiều người. Bản án của dư luận có khi còn lớn và nặng nề hơn bản án ở tòa.
Nhìn rộng ra thế giới thì thấy đã có rất nhiều sự lừa dối hào nhoáng, có khi đến từ những tập đoàn năng lượng, tập đoàn xe hơi khổng lồ hay cả những ngân hàng rửa tiền với quy mô cực kỳ lớn. Hậu quả là doanh nghiệp phải thu hồi sản phẩm, nộp phạt hàng tỉ đô la Mỹ và có khi phải đóng cửa, âm thầm tiễn đưa những thương hiệu lừng lẫy một thời.
Cúi đầu xin lỗi chỉ là một động thái tối thiểu phải có. Sự thành tâm phục thiện và sự khôn khéo thể hiện quyết tâm khắc phục sai sót và nhất là tránh nói dối để biện hộ mới là những hành động cần phải có.
Doanh nghiệp bị mất tiền là mất ít nhất. Doanh nghiệp bị mất uy tín vì gian lận có thể sẽ mất tất cả.
Vậy gian lận thương mại là gì? Đâu là nguyên nhân chính của những sự lừa dối trong kinh doanh? Làm sao giữ được sự quang minh chính đại để phát triển bền vững?
Gian lận thương mại
Nếu buôn lậu là những hành vi buôn bán trái phép qua biên giới những loại hàng hóa hoặc những vật phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa, mà Nhà nước cấm xuất khẩu hay nhập khẩu hoặc buôn bán hàng hóa nói chung qua biên giới mà trốn thuế và trốn sự kiểm tra của hải quan, thì gian lận thương mại (commercial fraud) là những hành vi dối trá, mánh khóe, lừa lọc trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích thu lợi bất chính, bao gồm luôn cả việc buôn lậu.
Gian lận thương mại tài chính được liệt kê trong Thông tư số 07/2017/TT-BTC, phổ biến ở sáu lĩnh vực như sau: hải quan; thuế, phí và lệ phí; quản lý giá; kế toán; kinh doanh bảo hiểm; và lĩnh vực in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn.
Còn theo tài liệu số 36 623 ngày 28-5-1995 của Hội nghị Quốc tế lần thứ 5 về chống gian lận thương mại mà Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đưa ra trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) thì gian lận thương mại tồn tại dưới 16 hình thức sau đây: (1) Buôn lậu hàng hóa qua biên giới hoặc ra khỏi kho hải quan; (2) Khai báo sai; (3) Khai tăng, giảm giá trị hàng hóa; (4) Lợi dụng chế độ ưu đãi xuất xứ (kể cả chế độ hạn ngạch thuế); (5) Lợi dụng chế độ ưu đãi hàng gia công; (6) Lợi dụng chế độ tạm nhập tái xuất; (7) Lợi dụng yêu cầu về giấy phép xuất nhập khẩu (ví dụ lợi dụng giấy phép nhập hàng dệt cho trang bị quân đội để nhập hàng dệt nói chung...); (8) Lợi dụng chế độ quá cảnh (mang hàng hóa quá cảnh để tiêu dùng ở nước mà hàng đi qua); (9) Khai sai về số lượng, trọng lượng, chất lượng hàng hóa; (10) Lợi dụng chế độ mục đích sử dụng, kể cả buôn bán trái phép hàng được ưu đãi thuế (lợi dụng sự ưu đãi của Chính phủ về thuế xuất khẩu dành cho những đối tượng sử dụng nhất định); (11) Vi phạm đạo luật về diễn giải thương mại hoặc quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (12) Sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng ăn cắp mẫu mã; (13) Hàng giao dịch buôn bán không có sổ sách; (14) Yêu cầu giả, khống việc hoàn hoặc truy hoàn thuế hải quan (kể cả làm chứng từ giả về hàng đã xuất khẩu); (15) Kinh doanh “ma”, đăng ký kinh doanh nhằm hưởng tín dụng trái phép; (16)- Thanh lý có chủ đích (nghĩa là thành lập công ty kinh doanh một thời gian ngắn, để nợ thuế, khi số tiền nợ thuế lên cao thì tuyên bố thanh lý để tránh nộp thuế, giám đốc công ty đó thành lập công ty mới ngay sau đó với cùng ý định. Loại gian lận này còn được gọi là “Hội chứng phượng hoàng”).
Ngoài ra, gian lận thương mại còn biểu hiện trong việc chuyển tải hàng hóa. Đó là việc thông qua một nước thứ ba để che giấu nguồn gốc thực sự của hàng hóa nhằm che mắt hải quan nước nhập khẩu. Trong trường hợp này, nước thứ ba là nước cung cấp tài liệu giả hoặc dùng các thủ đoạn thay đổi nguồn gốc hàng từ nước xuất khẩu sang nước quá cảnh. Theo cách này, hàng hóa vào được nước nhập khẩu sẽ tránh được các quy định hạn chế mà quốc gia này đưa ra như hạn ngạch, chế độ ưu đãi, bản quyền sản xuất (*).
Để tránh làm “dê tế thần”
Trong kinh doanh, nếu không cẩn trọng các doanh nghiệp rất dễ bị biến thành “dê tế thần” vì không tuân thủ các quy định xuất nhập khẩu, luật cạnh tranh hay cách hành xử không hướng đến việc phục vụ khách hàng, hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Các doanh nghiệp, theo đó cũng dễ bị rơi vào vùng xoáy nguy hiểm là bị chính trị hóa (làm tổn hại thương hiệu quốc gia, niềm tự hào của dân tộc,...) hay hình sự hóa (lừa gạt chiếm đoạt tài sản, trốn thuế với quy mô lớn, lừa đảo có tổ chức kiểu xã hội đen...). Trong nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Tuy nhiên vấn đề không nằm ở chỗ luật pháp được thực thi như thế nào mà điều đáng lưu ý ở đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền và giáo dục ý thức nơi doanh nghiệp. Nhìn vào 16 hình thức gian lận thương mại và 6 nhóm thường xảy ra gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính như vừa nêu ở trên, một người bình thường có thể nhận ra những biểu hiện gian lận thương mại nhan nhãn khắp nơi. Cho dù chúng ta đã có Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nay được gọi là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhưng việc xử lý tình trạng gian lận thương mại ở ta vẫn chưa đạt được kết quả khả quan như mọi người mong đợi. Cho dù chúng ta đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng liệu hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã đọc và tuân thủ hết các hướng dẫn hay chưa?
Chỉ riêng những điểm rất nhỏ và rất cơ bản như thông tin sản phẩm trên bao bì, giấy C/O chứng nhận xuất xứ, các cam kết trên quảng cáo mà doanh nghiệp cũng vi phạm thì thật là tồi tệ. Chính vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi một đại gia cúi đầu xin lỗi vẫn làm dư luận nổi giận; một giám đốc công ty nhập thuốc chống ung thư kém chất lượng và bán với giá cắt cổ cho dù khóc nức nở tại tòa cũng chẳng làm ai cảm thông; một công ty gian lận hóa đơn trốn thuế phải chịu mất quyền đại lý và chịu cảnh phơi hàng trăm xe hơi xịn ngoài mưa nắng ở cảng là những tình huống rất đáng được các doanh nhân xem xét và rút ra bài học “phòng bệnh”.
Vì sao lại có những việc như vậy? Chung quy cũng chỉ vì có những doanh nhân thiếu hàm lượng đạo đức kinh doanh và cách thức tổ chức thị trường ở ta chưa thực sự hiệu quả trong việc bảo vệ khách hàng.
Xin hãy đừng quên, lý thuyết gia về chiến lược cạnh tranh Michael Porter đã từng nói: “Mọi doanh nghiệp trên thế giới đều chỉ làm ra một thứ, mà không có thứ đó thì doanh nghiệp ấy phá sản, đó là khách hàng” và Mark Zuckerberg, người sáng lập ra Facebook đã nêu bật mối tương quan giữa sự phục vụ và khách hàng với câu: “Đừng xây dựng dịch vụ để chỉ kiếm lợi nhuận cao, mà hãy kiếm lợi nhuận cao để xây dựng dịch vụ ngày càng tốt hơn”.
Thổ Ngọa
Thời báo kinh tế Sài gòn
|