SSI và VNDirect đã vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ như thế nào?
Các tài khoản của nhà đầu tư vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh tại SSI và VND xảy ra do biến động giá quá mạnh khi kết phiên ATC. Tình huống này khiến nhà đầu tư và thành viên bù trừ đều bị động để xử lý và cơ chế chưa lường trước được những hoàn cảnh như vậy!
* SSI và VNDirect bị khiển trách do vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ
Mới đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa có quyết định về việc khiển trách CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) và CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) do đã có 5-6 lần vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ trên tài khoản nhà đầu tư khi thực hiện các giao dịch chứng khoán phái sinh trong tháng 10/2017.
Trả lời phỏng vấn, đại diện của SSI và VND cho biết, việc vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ trên tài khoản nhà đầu tư này là do biến động giá quá mạnh khi chốt phiên ngày 11/10/2017.
Cụ thể, SSI cho biết trường hợp vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ của 6 tài khoản tại SSI cùng lúc xảy ra khi phiên ATC của ngày 11/10/2017 kết thúc với giá đóng cửa có sự biến động rất lớn với ba mã hợp đồng tương lai (HĐTL) tháng 11, tháng 12 và tháng 3/2018 so với mức giá khớp gần nhất trước đó. Trong đó, VN30F1711 tăng từ 803.4 lên 828.2 điểm, VN30F1712 tăng từ 802 lên 848 điểm và VN30F1803 tăng từ 806.6 lên 860 điểm.
SSI cho biết thêm, trước khi thị trường chốt ở mức giá đóng cửa này, 6 tài khoản đều đang ở trạng thái dưới mức 85%, và với mức cảnh báo này thì nhà đầu tư không bắt buộc phải đóng vị thế ngay trong phiên và SSI cũng không phải xử lý tài khoản ngay trong phiên.
Tuy nhiên, khi kết thúc phiên ATC với giá đóng cửa biến động quá mạnh dẫn đến tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ của 6 tài khoản trên bất ngờ vọt lên trên 100%.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại VND. Phía VND cho biết, kết phiên ATC ngày 11/10/2017, giá một số mã HĐTL biến động quá mạnh và tài khoản của nhà đầu tư vượt ngưỡng quy định. VND cũng trần tình rằng, vi phạm của Công ty không phải do không có năng lực xử lý mà là không thể xử lý được do cơ chế chưa lường trước được những trường hợp như vậy. Và chiếu theo quy định khi rơi vào trường hợp này thì CTCK sẽ bị khiển trách.
Về việc xử lý vi phạm trên, SSI cho biết ngay khi hết phiên ngày 11/10/2017, toàn bộ 6 khách hàng đã nộp tiền bổ sung ngay. Theo SSI, nhà đầu tư đã tuân thủ đúng quy định của Công ty đặt ra, nhân viên nghiệp vụ của SSI cũng xử lý đúng quy trình là đã gọi khách hàng bổ sung ngay khi tài khoản vi phạm. SSI khẳng định điều này không gây tổn thất cho Công ty và VSD.
Trong tình huống này, SSI cho biết thêm, nếu 6 khách hàng của Công ty không nộp bổ sung tiền ngay khi hết phiên thì đến phiên ngày 12/10/2017 SSI cũng sẽ buộc các tài khoản này phải đóng vị thế. Bên cạnh đó, giá trị ký quỹ đang sẵn có của khách hàng cũng dư để thanh toán đủ các nghĩa vụ với Công ty và thị trường.
Cơ chế vướng, xử lý sao?
Mặc dù 6 nhà đầu tư của SSI đã bổ sung tiền ký quỹ ở mức an toàn ngay trong ngày 11/10/2017, nhưng xét theo quy chế của VSD thì SSI vẫn bị nhận quyết định khiển trách, mặc dù SSI cho rằng tình huống này không gây rủi ro cho VSD cũng như cho toàn thị trường.
Về phía SSI, đơn vị này cũng đề xuất VSD xem xét, trình phương án đến UBCKNN điều chỉnh quy định tại Điều 7 của Quy chế Thành viên Bù trừ (TVBT) về việc xét số lần vi phạm khi có tài khoản vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ. Theo ý kiến của SSI thì VSD cần phân loại rõ việc vi phạm này đến từ nguyên nhân nào. Theo đó, nếu nguyên nhân đến từ biến động giá trên thị trường (nhà đầu tư và TVBT sẽ bị động trong tình huống này và đặc biệt là giá biến động ở chốt phiên ATC) thì sẽ không tính lỗi vi phạm cho TVBT nếu nhà đầu tư và TVBT xử lý bổ sung tài sản ngay trong ngày. Còn nếu vi phạm do TVBT cố tình cho nhà đầu tư mở vị thế khi tài sản ký quỹ không đủ thì sẽ tính lỗi vi phạm cho TVBT.
Minh Hằng
FiLi
|