Những công ty nào được hưởng lợi từ thỏa thuận trị giá hơn 250 tỷ USD giữa Mỹ và Trung Quốc?
Hôm thứ Năm vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố những thỏa thuận trị giá hơn 250 tỷ USD giữa hai quốc gia ở nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghệ và hàng không.
Tuy nhiên, cũng như các thỏa thuận không được tiết lộ trong những chuyến viếng thăm cấp nhà nước, dường như không có nhiều thông tin chi tiết được công bố. Và một số thỏa thuận không mang tính ràng buộc, nghĩa là chúng có thể thay đổi hay đổ vỡ trước khi quyết định cuối cùng được ký kết.
Đây là một số thỏa thuận lớn trong số đó:
Năng lượng Mỹ
Trung Quốc có thể rót hơn 100 tỷ USD vào các dự án năng lượng Mỹ trong những năm tới theo hai thỏa thuận giữa hai phía.
Một trong số đó là kế hoạch trị giá 84 tỷ USD từ Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc để đầu tư vào các dự án sản xuất hóa chất và khí đá phiến ở West Virginia. Dù vậy, điều đó đi cùng với một số cảnh báo. Dù đã kéo dài hơn 20 năm, nhưng thỏa thuận này chỉ được xem như một biên bản ghi nhớ hơn là một hợp đồng hoàn tất.
Một kế hoạch khác là nhằm đầu tư khoảng 43 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng của Alaska. China Petroleum & Chemical, hay còn được biết tới là Sinopec, và chính quyền Alaska sẽ cùng nhau phát triển ngành khí hóa lỏng thiên nhiên của bang này. Alaska cho biết thỏa thuận này sẽ tạo ra tới 12,000 việc làm.
Cả hai thỏa thuận trên là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm loại bỏ sự phụ thuộc của họ vào nguồn than đá ô nhiễm và hướng tới các dạng năng lượng tương đối sạch hơn. Hiện họ đã nhập khí thiên nhiên từ một số quốc gia, trong đó có Qatar.
“Nguồn nhập khẩu từ Mỹ có thể giúp bảo đảm rằng Bắc Kinh không bị quá lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào”, Hugo Brennan, Chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Verisk Maplecroft, lên tiếng. Tuy vậy, ông cũng nói thêm rằng các thỏa thuận trên được cấu trúc sao cho Bắc Kinh có thể “yên lặng rút lui” về sau nếu họ cần phải thế.
Máy bay thương mại
Hãng Boeing thông báo họ sẽ bán 300 chiếc máy bay trị giá 37 tỷ USD cho Trung Quốc. Vẫn chưa rõ là trong số đơn đặt hàng đó có bao nhiêu chiếc là mới được ký kết.
“Chúng tôi đang xem xét số liệu này với sự thận trọng”, Greg Waldron, nhà quản lý của ấn phẩm FlightGlobal, cho biết.
Thỏa thuận 300 chiếc máy bay này là được ký kết với một công ty cổ phần của Chính phủ, đơn vị phụ trách việc mua máy bay cho các hãng hàng không quốc doanh như Air China và China Southern Airlines.
Một thỏa thuận tương tự trị giá 38 tỷ USD đã được công bố hồi năm 2015 khi ông Tập đến thăm nhà máy lớn nhất của Boeing ở bang Washington.
Những gì chắc chắn là Trung Quốc hiện đang rất “thèm muốn” máy bay mới. Quốc gia này có thể vượt mặt Mỹ để trở thành thị trường đi lại bằng đường hàng không lớn nhất thế giới trong 5 năm tới và cần một lượng máy bay lớn để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh đó.
Mùa hè vừa qua, đối thủ đến từ châu Âu của Boeing là Airbus đã giành được thỏa thuận trị giá 22 tỷ USD để cung cấp cho Trung Quốc 140 máy bay mới.
Sử dụng con chip của Mỹ cho điện thoại Trung Quốc
Qualcomm, công ty sản xuất con chip của Mỹ, đã ký hợp đồng 12 tỷ USD (trong các thỏa thuận không ràng buộc) để cung cấp linh kiện cho những thương hiệu điện thoại thông minh của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo.
Trung Quốc hiện là một thị trường khổng lồ cho Qualcomm, trong đó phân nửa doanh số của họ đến từ quốc gia này. Tuy nhiên, Qualcomm cũng đã gặp rắc rối ở đây khi hồi năm 2015 khi các nhà điều hành Trung Quốc phạt họ 975 triệu USD vì vi phạm luật chống độc quyền.
Qualcomm hiện là đối tượng của một vụ thôn tính trị giá 130 tỷ USD từ đối thủ Broadcom, một thương vụ có thể tạo ra một gã khổng lồ ở Mỹ.
Một số chuyên gia cho rằng các nhà điều hành Trung Quốc có thể hoãn lại thỏa thuận này vì các kế hoạch của Bắc Kinh để phát triển mạnh mẽ ngành bán dẫn của riêng họ.
Nhã Thanh (Theo CNNMoney)
FiLi
|