Nhiều xã miền Tây nợ đầm đìa, rớt chuẩn nông thôn mới
Trên 2.700 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng rà soát lại trên bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020, rất nhiều xã ở khu vực ĐBSCL… rớt chuẩn, trong khi nợ đầm đìa.
Đường Ô Tửng B, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, Trà Vinh được xây dựng để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, nay đã bị rớt chuẩn khi áp bộ tiêu chí mới - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
|
Chính phủ đã ban hành quyết định với mục tiêu đến năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%, nhưng...
Năm 2014, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Long An đón nhận danh hiệu nông thôn mới. "Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi chỉ có 12/19 tiêu chí đạt chuẩn theo tiêu chí mới" - ông Mai Hoàng Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã, nói.
Theo ông Hiếu, có những tiêu chí mới như hộ có nhà tiêu, nhà tắm phải hơn 70%; tỉ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm hơn 100%, trong khi trước đây không có những tiêu chí này.
Tỉ lệ hộ nghèo theo bảng đánh giá mới cũng hạ từ 4% xuống còn 3% mới đạt. Trong khi đó, Hậu Thạnh Đông từ 25 hộ nghèo (4%) năm 2014, giờ đây đã thành 165 hộ nghèo (9,1%)...
Nợ gần 10.000 tỉ đồng
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, đến hết tháng 7-2017, cả nước có 2.776 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên trong đó chỉ có 159 xã được công nhận đạt chuẩn mới giai đoạn 2016-2020.
Trong khi đó, đến hết tháng 1-2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản chương trình xây dựng nông thôn mới của 45/63 tỉnh, thành phố vẫn còn khoảng 9.807 tỉ đồng, dù đã giảm 5.412 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Tình trạng của Hậu Thạnh Đông cũng giống rất nhiều xã tại ĐBSCL.
|
Tại Long An, qua rà soát của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới, 6 tháng đầu năm, hầu hết các xã đạt chuẩn đều giảm về tiêu chí. Tính đến hết tháng 6-2017, toàn tỉnh Long An có 57 xã được công nhận xã nông thôn mới, qua rà soát nay chỉ còn 2 xã đạt.
Tại An Giang, theo báo cáo mới nhất từ Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2017 toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, qua rà soát theo bộ tiêu chí mới, chỉ có 5 xã "tự tin" đạt đủ 19 tiêu chí, còn lại đều "rớt".
Về nguyên nhân của việc "rớt chuẩn" nông thôn mới, ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn An Giang, cho rằng bên cạnh yếu tố tăng chỉ tiêu theo bộ tiêu chuẩn mới, còn có nguyên nhân chủ quan là bệnh thành tích.
Chẳng hạn như tiêu chí bảo hiểm y tế quy định phải đạt tỉ lệ 80% tham gia, thay vì tuyên truyền về chiều sâu cho người dân hiểu thì các xã lại tìm nguồn tiền để mua bảo hiểm y tế tặng cho dân để đạt chỉ tiêu.
"Chính điều này đã làm tiêu chí bảo hiểm y tế không bền vững" - ông Thư nói.
Cũng nguyên nhân phải đạt được thành tích nên nhiều địa phương mời doanh nghiệp thi công theo hình thức "làm trước, dân đóng trả sau".
Điều này dẫn đến những trường hợp như xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, An Giang dù chưa đạt nông thôn mới mà đường đã xuống cấp, nợ đầm đìa. Toàn thị xã Tân Châu, còn 5 xã khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Chỉ riêng một doanh nghiệp chuyên làm đường giao thông số nợ đã lên đến hơn 6 tỉ đồng. Đây là số tiền trong 20% mà người dân phải đối ứng, nên những vụ lúa tới người dân lo ngay ngáy chuyện trả nợ.
Trong giai đoạn mới, việc chống chạy theo thành tích nông thôn mới đang được đặt ra hàng đầu. Tại Long An, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh, đã nhắc đi nhắc lại điều này và khẳng định sẽ kiên quyết rút danh hiệu nông thôn mới đối với những địa phương được công nhận trước đây nhưng hiện tại còn nợ tiêu chí.
"Lỡ làng"
Với những xã đang trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, tình hình còn "đuối" hơn. Nói về quá trình xây dựng nông thôn mới, ông Thạch Vuône - Chủ tịch UBND xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, Trà Vinh - cho biết đã triển khai được 3 năm.
"Theo tiêu chí cũ, chúng tôi đã phấn đấu được 15/19 tiêu chí. Tưởng đã sắp về đích theo kế hoạch thì qua rà soát 6 tháng đầu năm 2017 theo tiêu chí mới, chúng tôi chỉ còn đạt 11 tiêu chí" - ông Thạch Vuône nói.
Một số tiêu chí còn ở vào trạng thái "lỡ làng", như những con đường giao thông nông thôn ở xã Châu Điền, ông Thạch Vuône giải thích trước đây tuyến đường bêtông nông thôn chỉ cần 1,5m là đạt chuẩn, theo tiêu chí mới tối thiểu phải 2m, nếu muốn đủ chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 phải làm lại con đường.
"Nhưng đây là đường Nhà nước và nhân dân cùng làm, trước đây đã từng vận động người dân xây dựng một lần rồi. Người dân giờ thấy con đường đủ để đi, muốn vận động họ bỏ tiền ra thêm để mở rộng rất khó" - ông Thạch Vuône trăn trở.
|
tuổi trẻ
|