Lại bàn cách 'giải cứu' cảng Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải
Cái Mép - Thị Vải đói hàng còn Cát Lái thì quá tải. Nhưng để điều tiết bên trọng bên khinh giữa hai cảng này nên bằng mệnh lệnh hành chính hay thị trường?
* Giải cứu cảng 2 tỉ USD Cái Mép - Thị Vải như thế nào?
Tàu Yang Ming Wellhead, trọng tải 160.000 tấn, chở được 14.000 TEU cập cảng Tân Cảng Cái Mép Thị Vải vào tháng 4-2017 - Ảnh: ĐÔNG HÀ.
|
Ông Nguyễn Đình Việt, phó Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, cho biết sau bốn năm triển khai đề án nâng cao hiệu quả khai thác các bến cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải, lượng hàng container qua cảng này đã tăng mạnh từ 20-30%/năm.
Tuy nhiên, khối lượng cũng mới chỉ đạt khoảng hơn 2 triệu TEU, (mỗi TEU tương đương với một container tiêu chuẩn), tức chỉ bằng 30% công suất thiết kế.
Trong khi đó, lượng hàng container qua Cát Lái ở TP.HCM đến nay đã đạt xấp xỉ 4 triệu TUE/năm, tiếp tục tạo áp lực lớn cho mạng lưới giao thông, gây ùn tắc giao thông, môi trường đô thị cho TP.HCM.
Thông tin này được ông Việt đưa ra tại hội nghị tổng kết đề án nói trên diễn ra vào ngày 14-11, do Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cảng quốc tế Cái Mép - CMIT (Bà Rịa-Vũng Tàu) đón tàu Millau Bridge tải trọng khoảng 150.000 tấn của Liên minh CKYHE (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan) cập cảng - Ảnh: ĐÔNG HÀ
|
Tại hội nghị này, các chuyên gia đã đề xuất một số ý kiến về chuyện cần phải điều tiết lượng hàng từ Cát Lái về Cái Mép - Thị Vải.
Đại diện một số cảng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, nhất thiết phải có sự điều tiết của nhà nước để tránh lãng phí cho các cảng nước sâu container ở đây đã được đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng.
"Cần có sự điều tiết hàng hóa của trung ương, nếu không có thì sự lãng phí đầu tư sẽ còn kéo dài. Liên kết vùng hiện còn lỏng lẻo đã triệt tiêu lợi thế của địa phương", ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên "ép thị trường bằng mệnh lệnh hành chính" và điều tiết bằng hành chính là "hạ sách".
Nguyên nhân của việc Cái Mép - Thị Vải "đói hàng", theo các chuyên gia, là do thủ tục hành chính còn chậm, chưa có các cơ quan kiểm dịch, kiểm định cũng như chưa có dịch vụ logistics như TP.HCM.
Chính vì thế các doanh nghiệp chọn đã chọn đến Cát Lái ở TP.HCM làm cảng đến và cảng đi.
Đại tá Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn, đề nghị để cảng Cái Mép - Thị Vải thu hút hàng trước mắt cần giảm phí cho xe container qua các trạm BOT trên Quốc lộ 51 vào làm hàng Cái Mép - Thị Vải, đồng thời cảng này phải có quy hoạch căn cơ, tạo thành "làng vận tải".
Ông Vũ Ngọc Thảo kiến nghị phải đầu tư hệ thống giao thông kết nối, rộng rãi, thông thoáng cho Cái Mép - Thị Vải vì "nếu không vài năm nữa sẽ lại xảy ra câu chuyện "giải cứu cảng Cát Lái như báo Tuổi Trẻ Online đã từng viết".
Bốc xếp container tại một cảng ở Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
|
1.200 mét cầu cảng Cái Mép - Thị Vải "ngủ đông"
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết bộ này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ tạm thời không cấp phép cảng container mới ở khu vực TP.HCM và Cái Mép - Thị Vải.
Về điều tiết hàng hóa từ Cát Lái về Cái Mép - Thị Vải, ông Công cho biết sẽ đề xuất giải pháp trên cơ sở thị trường.
Ông Công nhìn nhận, hiện có nhiều cảng ở Cái Mép - Thị Vải đang "ngủ đông" với chiều dài cầu cảng 1.200 mét để không.
Theo tìm hiểu của chúng tôi hiện chỉ có những bến cảng trong cụm Cái Mép - Thị Vải là có hàng container để hoạt động như CMIT, TCIT, TCTT.
Còn lại các cảng như SP-PSA, SITV, SSIT phải chuyển sang làm hàng rời. Đại diện một cảng container nay phải chuyển sang làm hàng rời ở đây cho biết để tồn tại họ phải đầu tư thêm thiết bị bốc hàng rời, nhà kho chứa hàng.
|
Đông Hà
Tuổi trẻ
|