Giá đất tăng vọt, nhu cầu thực hay ảo?
Chỉ trong vòng từ năm ngoái đến nay, giá đất tại nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM đã tăng cao đột biến, có nơi tăng gấp đôi, thậm chí hơn.
Liệu giá đất tăng có biến những khu đất bỏ trống làm nơi chăn trâu bò của các dự án có mọc lên những căn hộ có người ở?
|
Để hình dung tốc độ tăng vọt của giá đất thời gian qua, có thể đơn cử một số dự án khu dân cư đã hoặc đang hình thành ở một xã vùng ven thành phố - xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Những nhân viên môi giới thông tin với khách hàng đến tìm hiểu mua đất rằng giá đất nền nhà phố trong các dự án ở đây hiện phải từ 25-30 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Theo các cư dân sống trong khu vực này, cũng những miếng đất mà người môi giới chào bán ấy, hồi giữa năm ngoái chỉ chừng 13-15 triệu đồng/m2. Giá cứ nhích dần và đến nay gấp đôi, chỉ trong vòng một năm.
Thông thường giá đất tại một khu vực có chiều hướng tăng lên theo sự phát triển hạ tầng xung quanh đó. Nhưng như khu vực vừa nêu, thực tế đến thời điểm này vẫn chưa thấy có sự thay đổi lớn nào về mặt hạ tầng so với những năm trước. Vậy mà giá đất vẫn tăng, với tốc độ kinh ngạc.
Một cách lý giải, người mua đất kỳ vọng giá đất không thể xuống, và có lẽ còn tăng thêm nữa trong tương lai, khi các công trình về hạ tầng được triển khai, như mở đường vành đai làm tăng kết nối với các khu vực lân cận; đồng thời khi các dự án khu dân cư hoàn thiện và thu hút thêm đông người mới đổ dồn về đây.
Tương tự, một địa bàn còn xa xôi cách trở hơn nữa là huyện Cần Giờ, từ năm ngoái giá đất nhiều khu vực đã tăng “khủng khiếp” và đến bây giờ vẫn chưa thôi sốt.
Nguyên nhân vẫn vậy, những người săn lùng đất hiện nay nhằm để đón thời cơ trước những thông tin về quy hoạch khu đô thị lấn biển, khu du lịch sinh thái biển…, và nhất là xây cầu Cần Giờ xóa thế ngăn cách giữa huyện đảo này với phần còn lại của thành phố.
Những kỳ vọng như trên đã đẩy giá đất tăng lên trong xu hướng mua để đầu cơ, khiến thị trường có thể rơi vào sốt ảo. Ghi nhận từ người môi giới và từ người tìm mua đất, những mức giá nói trên là giá chào bán, còn thực tế không có nhiều giao dịch. Người muốn mua đất thực sự thì hoặc giá đất đã vượt khả năng, hoặc lo ngại mua nhầm giá ảo. Người có đất thì không muốn bán với giá thấp hơn khi mà thị trường đã đẩy lên mức giá mới. Còn với những nhà đầu cơ vốn lớn, họ gom đất, thổi giá, hoặc sẵn sàng để đó nhiều năm chờ thời.
Giá đất ảo khiến thị trường bất động sản, trong trường hợp này là phân khúc đất nền, rơi vào trạng thái… “bất động”. Có thể thấy nhiều dự án khu dân cư mới đang ở trong tình trạng như vậy: cư dân vẫn thưa thớt, trong khi đất nền trống còn “mênh mông” vì không có giao dịch, vẫn để đó cho cỏ mọc năm này qua năm khác.
Mặt bằng giá đất tăng cũng làm giá căn hộ chung cư tăng theo. Một căn hộ chung cư tại một dự án nhà ở xã hội ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, theo một khách hàng cho biết, hiện có giá từ 16,5-17 triệu đồng/m2. Giá cứ leo thang khiến người có nhu cầu tạo lập nhà ở, dù chỉ là căn hộ, ngày càng khó.
Sự biến động giá có xuất phát từ quy luật cung cầu của thị trường? Liệu giá đất tăng vọt như vừa qua có tạo ra cơn sốt ảo? Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến.
Khải Thư
TBKTSG
|