Đón sóng niêm yết, cổ phiếu HDBank được chào bán với giá gấp đôi đầu năm
Trên thị trường OTC, giá cổ phiếu HDBank đang được mua bán trong khoảng 26,000-32,200 đồng/cp, khá cao so với mặt bằng chung các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết hiện nay và hiện chỉ xếp sau Vietcombank, VPBank, ACB.
Theo thông báo mới đây của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) sẽ thực hiện chào bán gần 1.37 triệu cp của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) với giá khởi điểm 24,000 đồng/cp. Thời gian đấu giá dự kiến vào cuối năm 2017 (28/12).
Nếu so sánh với mức giá mà Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM chào bán cổ phiếu HDBank hồi cuối năm 2016 đầu năm 2017 ở mức 11,300-12,000 đồng/cp, giá chào bán hiện tại đã tăng gấp đôi.
Đợt chào bán này của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cũng nối tiếp buổi đấu giá thành công 18 triệu cp HDBank do một công ty đồng thời thuộc tỉnh Đồng Nai - Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết và Dịch vụ Tổng hợp Đồng Nai nắm giữ diễn ra ngày 21/08 vừa qua. Được biết, cổ phiếu HDBank khá "hút hàng" khi có tới 86 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần với khối lượng hơn 26.7 triệu cp, tăng 48% so với lượng đưa ra đấu giá. Giá trúng thành công bình quân ở mức 15,413 đồng/cp (tăng nhẹ so mức giá khởi điểm 14,912 đồng/cp) và Xổ số Kiến thiết và Dịch vụ Tổng hợp Đồng Nai đã thu về hơn 277 tỷ đồng từ phiên chào bán này.
HDBank dự kiến sẽ thực hiện đăng ký lưu ký trên VSD và niêm yết cổ phiếu lên HOSE trong năm 2017.
|
Sức nóng của cổ phiếu HDBank đến từ đâu?
Trước hết phải nói đến kết quả kinh doanh, từ mức lợi nhuận quý chỉ dừng ở mức vài tỷ đến vài chục tỷ những năm về trước, con số này đã tăng lên đến hàng trăm và cuối cùng vươn lên ngàn tỷ đồng vào quý 3/2017. Đây cũng là quý đầu tiên HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt mốc ngàn tỷ đồng, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1,900 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ (650 tỷ đồng) và vượt 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đóng góp chính vào tăng trưởng lợi nhuận thời gian qua của HDBank đến từ “nồi cơm chính” là lãi từ hoạt động cho vay và nguồn thu gia tăng đáng kể từ mua bán chứng khoán đầu tư. Tính riêng trong quý 3/2017, Ngân hàng đạt 1,864 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng gần 690 tỷ đồng về con số tuyệt đối so với cùng kỳ (tương đương tăng 60%). Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng mang về 343 tỷ đồng trong quý, cùng kỳ chỉ đạt vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng.
HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất cho cả năm 2017 sẽ vào khoảng 2,400 tỷ đồng, đồng thời ước tính lợi nhuận trước thuế của năm 2018 tăng lên mức 3,900 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng dự báo doanh thu tăng 27% trong năm 2018 và đặt mục tiêu đến cuối năm 2018 tăng tổng tài sản thêm 25% so với mức khoảng 180,000 tỷ đồng của năm 2017.
Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 5 năm (2012-2017) của HDBank (Đvt: Tỷ đồng)
Một thông tin hỗ trợ thứ hai là HDBank đang chuẩn bị tổ chức đợt chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong tháng này và dự kiến sẽ bán tới 20% vốn với mục tiêu huy động khoảng 300 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank cho biết thêm Ngân hàng cũng đang cân nhắc bán thêm 15% cổ phần cho một nhà đầu tư nước ngoài chiến lược khác. Theo bà Thảo, các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng đến từ Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tỏ ý quan tâm.
Liên tục trong tháng 10 và 11 vừa qua ĐHĐCĐ HDBank đã thông qua hàng loạt nghị quyết ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục nhằm sẵn sàng cho việc lên sàn của Ngân hàng. HDBank dự kiến sẽ thực hiện đăng ký lưu ký trên VSD và niêm yết cổ phiếu lên HOSE trong năm 2017.
Bên cạnh đó, các cổ đông cũng đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT Ngân hàng quyết định chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại HDBank, chủ động điều chỉnh tỷ lệ theo tình hình thực tế hoặc khi tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài phù hợp.
Mới đây, HDBank đã tăng vốn 9% lên 8,829 tỷ đồng (trong đó phát hành trả cổ tức 2016 tỷ lệ 7% và cổ phiếu thưởng 2%). Tiếp theo, Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ đợt 2/2017 với khối lượng gần 98.1 triệu cp để tăng vốn lên 9,810 tỷ đồng. Sau đợt này, HDBank tiếp tục chào bán 20 triệu cp cho cán bộ nhân viên Ngân hàng với giá chào bán 10,000 đồng/cp để tăng vốn lên gần 10,010 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đợt chào bán này chậm nhất là đến quý 1/2018.
Còn nhớ tại ĐHĐCĐ 2017 của HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có chia sẻ với các cổ đông về vấn đề niêm yết. Bà cho rằng, thông tin giữa ngân hàng và các nhà đầu tư chưa hẳn minh bạch, thị trường chứng khoán bấp bênh; chưa niêm yết chưa hẳn đã bất lợi bởi vì giá trị thực của HDBank sẽ phải do thị trường đánh giá ở giai đoạn Ngân hàng đã khẳng định được vị thế, chiến lược phát triển và các triển vọng trong tương lai. Nếu HDBank niêm yết lên rồi giao dịch dưới mệnh giá như một số ngân hàng đang niêm yết thì điều này không có ý nghĩa.
Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm cũng từng nhận định thêm, các năm trước HDBank đã có ý định niêm yết nhưng giai đoạn 2014-2016 là thời gian tái cơ cấu sau sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn SGVF nên dời lại. Nếu thị trường không tốt, bản thân HDBank chưa chuẩn bị tốt thì việc niêm yết sẽ mang lại nhiều bất lợi.
Tuy nhiên, ở tình hình hiện tại, "thị trường đang đủ tốt" khi VN-Index liên tục lập kỷ lục mới, dòng cổ phiếu ngân hàng cũng bứt phá cả về giá, thanh khoản và nhiều phiên liền là đầu tàu dẫn dắt thị trường; "bản thân HDBank cũng đã chuẩn bị đủ tốt" cả về kết quả kinh doanh và định hướng phát triển như đã đề cập bên trên.
Việc "giao dịch dưới mệnh giá" dường như cũng không còn là nỗi lo của Ban lãnh đạo Ngân hàng vì trên thị trường OTC hiện tại, giá cổ phiếu HDBank đang được mua bán trong khoảng 26,000-32,200 đồng/cp, khá cao so với mặt bằng chung các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết và hiện chỉ xếp sau Vietcombank, VPBank, ACB.
Thu Phong
FiLi
|