Chủ Nhật, 26/11/2017 10:23

Dịch vụ giao nhận: Cuộc đua tăng tốc

Dịch vụ giao nhận phục vụ cho thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng sôi động, đặc biệt ở phân khúc giao hàng chặng cuối - từ trung tâm phân phối đến người tiêu dùng. Tham gia thị trường có cả những công ty chuyển phát lớn lẫn các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) với nhiều dịch vụ được tăng cường và mở rộng.

Dịch vụ giao nhận UPS. Ảnh: Quốc Hùng 

Những “ông lớn” từ nước ngoài

Tháng 7 vừa qua, tập đoàn vận chuyển và giao nhận DHL của Đức đã khởi động dịch vụ giao hàng nội địa. Ông Thomas Harris, Giám đốc điều hành của DHL eCommerce Việt Nam, cho biết dịch vụ này của công ty được quản lý và hỗ trợ bởi các trung tâm và kho hàng đặt trên khắp cả nước. Khi sử dụng mạng lưới dịch vụ thông qua cổng trực tuyến Portal của DHL eCommerce, các nhà bán lẻ trực tuyến có thể chỉ định các lô hàng đòi hỏi dịch vụ thu tiền hộ khi nhận hàng (Cash-On-Delivery- COD). Ngoài ra, người mua có thể kiểm tra và trả lại hàng tại thời điểm nhận hàng nhờ vào dịch vụ mở hộp khi giao nhận (Open-Box-Delivery). Dịch vụ này được cho là phù hợp với thói quen mua sắm của người Việt.

Trong khi đó, hãng giao nhận UPS của Mỹ cũng đẩy mạnh phủ sóng dịch vụ tại các tỉnh thành trên cả nước. Theo ông Daryl Tay, Giám đốc điều hành UPS Việt Nam, ngoài lợi thế có những nền tảng và mạng lưới rộng khắp toàn cầu, hãng này có những giải pháp kết nối khách hàng nội địa với các nước. “Chúng tôi đang tích hợp một nền tảng công nghệ để khách hàng ở bất cứ đâu cũng đều có những trải nghiệm tương đồng”, ông Tay nói. Theo đó, khách hàng được hưởng những công cụ, nền tảng giống hệt nhau trong mọi công đoạn như khi chuẩn bị giao hàng, đăng tải hóa đơn điện tử, liên tục theo dõi tiến độ vận chuyển của đơn hàng... Với khách hàng sở hữu một trang web TMĐT, UPS có thể hỗ trợ tích hợp hệ thống logistics ngay trên chính trang web này, cho phép theo dõi và thực hiện đơn hàng tại đây. “Điều này là vô cùng quan trọng bởi theo một nghiên cứu gần đây của UPS, khách mua hàng trực tuyến rất coi trọng quy trình mua hàng trơn tru từ đầu đến cuối. Khách hàng sẽ không muốn đặt hàng ở một cửa hàng trực tuyến, sau đó lại truy cập vào trang web khác của nhà cung cấp dịch vụ logistics để theo dõi đơn hàng”, ông Tay chia sẻ.

Còn với FedEx Trade Networks, sau hơn tám năm có mặt ở Việt Nam, tháng 5 vừa rồi, công ty đã thành lập công ty con nhằm đẩy mạnh dịch vụ ở thị trường trong nước và cho biết quyết định mở rộng đầu tư là do họ nhìn thấy cơ hội phát triển ở Việt Nam vẫn còn lớn.

Trước sự tham gia của các “ông lớn” trong lĩnh vực giao nhận nêu trên, các doanh nghiệp có thị phần lớn của thị trường chuyển phát trong nước như VNPost, ViettelPost... cũng đã có những giải pháp dịch vụ dành riêng cho TMĐT. Bên cạnh hệ thống hoạt động đến tận các phường xã cùng hơn 18.000 bưu tá và nhân viên phát xã, VNPost còn tung giải pháp cho các cửa hàng trực tuyến - từ quảng cáo, chuyển phát, thu tiền đến hậu mãi. Tương tự, Viettel có mạng lưới 713/713 quận, huyện với đội ngũ giao nhận lên đến hàng ngàn người...

Grab, Uber... và các startup

Thị trường giao nhận TMĐT còn có bước chuyển biến với sự tham gia của hàng ngàn người giao hàng hành nghề tự do thông qua các công ty vận tải áp dụng nền tảng chia sẻ như Grab, Uber... Hình thức dịch vụ này cũng đang được xem là có tính cạnh tranh. Từ tháng 7-2017, Uber đã cho thử nghiệm dịch vụ giao hàng tên gọi UberShip (nay đổi thành UberDeliver) tại TPHCM và Hà Nội. Giá cước ở thời điểm này của UberDeliver là 15.000 đồng cho 2 ki lô mét đầu và thêm 5.000 đồng cho mỗi ki lô mét tiếp theo, bằng với giá của dịch vụ giao nhận GrabExpress. Điểm đáng chú ý ở dịch vụ giao hàng UberDeliver là khách hàng có thể thay đổi địa điểm giao hàng. Và cũng tương tự GrabExpress, UberDeliver chỉ giao hàng chứ không mua hàng/nhận thu/gửi tiền hộ.

Tham gia mạnh mẽ vào thị trường còn phải kể đến các startup. Tình hình cho thấy thị trường giao hàng nhanh vốn chỉ có năm, sáu công ty tham gia vào năm 2013, thì đến nay đã có hơn 50 doanh nghiệp lớn, nhỏ. Những doanh nghiệp này cũng đang phát triển nhanh và được đánh giá là linh hoạt trong kinh doanh. Đơn cử như ShipS, chỉ sau khoảng tám tháng hoạt động, đến giữa năm nay đã có hơn 1.000 người giao hàng tại TPHCM và hơn 3.000 người ở Hà Nội. Nổi lên trong các dự án khởi nghiệp đang phát triển khác có Giao Hàng Giá Rẻ, Giao Hàng Nhanh, AhaMove, Tochanh.com, Proship.vn, Shipchung, Giaohangtietkiem...

Cạnh tranh bằng công nghệ, giải pháp...

Theo nhận định của ông Charles Brewer, CEO của DHL eCommerce, “với chi tiêu TMĐT dự kiến tăng 23%/năm từ nay đến năm 2020, các nhà bán lẻ trực tuyến địa phương cần có các giải pháp hậu cần và vận chuyển chất lượng cao để mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động trên toàn quốc”. Ông Brewer cho rằng người mua hàng trực tuyến ngày càng kỳ vọng những lựa chọn tốt hơn, tiện lợi hơn và có sự kiểm soát chặt chẽ hơn với trải nghiệm nhận hàng.

Hiện nay, nhiều công ty nhận giao hàng tại TPHCM, Hà Nội có thể giao hàng trong ngày. Các hệ thống bán lẻ như Thế Giới Di Động, Co.opmart, BigC... có thể giao hàng chỉ trong 30 phút tại những khu vực mà họ có cửa hàng. Điều này đặt ra yêu cầu cạnh tranh hơn về thời gian chuyển hàng. Dịch vụ của DHL eCommerce đang giao hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và một số thành phố khác trong 1-2 ngày; tại các tỉnh từ 3-7 ngày nhưng họ đang nghiên cứu tới khả năng giao hàng trong ngày.

Tương tự, ông Daryl Tay cho biết UPS cũng đang đẩy mạnh mô hình B2C. Ví dụ với dịch vụ UPS My Choice mà UPS mới ra mắt, khách hàng sẽ tự chọn điểm nhận hàng phù hợp và vào bất cứ lúc nào. UPS đang tìm kiếm và hợp tác với nhiều đối tác, cửa hàng, trong đó người tiêu dùng có thể lựa chọn chính xác điểm nhận hàng.

Doanh nghiệp trong nước và các startup thì có khá nhiều các giải pháp linh hoạt, được xem là lợi thế trong kinh doanh. Đáng chú ý trong đó là chính sách ứng trước tiền cho các đơn hàng COD (giao hàng thu tiền)để không chiếm dụng vốn của chủ cửa hàng. Một số nhà vận chuyển như AhaMove, ShipS... đang áp dụng giải pháp này. Phương thức này có độ rủi ro cao, nhưng theo các hãng, nó tiết kiệm được thời gian quay lại trả tiền cho người bán hàng và thúc đẩy tính chuyên nghiệp, thái độ làm việc của nhân viên giao hàng khi làm việc với khách hàng, vì nếu không, đơn hàng có thể bị trả về.

Do quy mô thị trường trong nước còn nhỏ chứ ở một số nước phát triển có quy mô thị trường lớn thì một số hãng giao nhận còn tận dụng cả các chuyến giao hàng bằng máy bay không người lái.

Được xem là yếu tố quyết định sự thành bại của TMĐT, dịch vụ giao nhận còn thu hút cả các nhà bán lẻ tự đầu tư hệ thống giao nhận riêng nhằm củng cố thương hiệu và góp phần giảm chi phí. Giới phân tích nhận định thị trường TMĐT trong nước mới ở những bước đầu tiên, các dịch vụ hậu cần cho TMĐT còn khởi động quá chậm, vì vậy phần thắng sẽ thuộc về những doanh nghiệp đầu tư bài bản, dịch vụ chuyên nghiệp và giá cả cạnh tranh nhất. 

Quốc Hùng

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Bước đi mới của Jack Ma (26/11/2017)

>   Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn lúng túng trong quản trị marketing (26/11/2017)

>   Doanh nghiệp Việt cần trợ lực khi kinh doanh trên Internet (25/11/2017)

>   Người Việt đầu tiên vào top 500 giàu nhất thế giới (25/11/2017)

>   Sau Black Friday, tài sản của sếp Amazon đột phá ngưỡng 100 tỷ USD (25/11/2017)

>   Mức lương hưu "khủng" của cựu Tổng thống Zimbabwe (25/11/2017)

>   Lý Nhã Kỳ hợp tác làm phim cùng chồng cũ Trương Mạn Ngọc (23/11/2017)

>   Gặp gỡ ông vua mới của mạng xã hội: Ma Huateng (22/11/2017)

>   Gia tộc họ Lee của Samsung mất ngôi giàu nhất châu Á (21/11/2017)

>   Con đường xây “Uber Trung Quốc” của cựu nhân viên Alibaba (21/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật