Cao tốc Bắc - Nam hơn 118.716 tỉ: Rất lo đội vốn!
Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM bày tỏ lo lắng này khi thảo luận dự án đầu tư một số đoạn đường cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Đại biểu Phạm Phú Quốc - Ảnh: VIỄN SỰ
|
Tại phiên họp Quốc hội chiều 8-11, đại biểu Phạm Phú Quốc khẳng định việc thực hiện dự án này là cần thiết, vì đây là con đường huyết mạch của đất nước.
Tuy nhiên điều ông băn khoăn suất đầu tư cho dự án này khá thấp, chỉ 181,5 tỉ đồng/km, thấp hơn nhiều so với các dự cao tốc đã hoàn thành.
Chuẩn bị phương án nếu đội vốn
Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho biết mức đầu tư này thấp hơn mức do Bộ Xây dựng công bố và thấp hơn nhiều các cao tốc đã xây dựng.
Cụ thể cao tốc Hải Phòng - Hạ Long 650 tỉ đồng/km, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây 479 tỉ đồng/km...
"Tất nhiên cao tốc Bắc - Nam đi qua nhiều nhiều đoạn khác nhau. Nhưng mức đầu tư bình quân thấp nhưng vậy thì cần tính toán dự phòng việc đội vốn để trong trường hợp đội vốn thì phải có các nguồn bổ sung" - đại biểu Phạm Phú Quốc nói.
Ông Quốc cũng cho rằng đây là dự án trọng điểm quốc gia, khi đội vốn thì buộc phải ra Quốc hội để xin điều chỉnh bằng nghị quyết, sẽ rất rườm rà, mất thời gian. Do đó Chính phủ cần có tổng kết việc đầu tư các cao tốc khác để tính toán và có lý giải thuyết phục
Cũng theo ông Quốc, với hơn 55.000 tỉ đồng vốn đối ứng do Nhà nước bỏ ra, chiếm 46% tổng vốn dự án, đây là một dự án hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo được niềm tin để kêu gọi đầu tư.
"Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta cần tránh lặp lại việc chậm giải ngân cho dự án. Đây là vấn đề mà nhiều dự án có vốn đầu tư công đang gặp phải, làm chậm tiến độ" - ông Quốc cảnh báo.
Phải loại được những nhà đầu tư kém
Đánh giá về việc đầu tư theo hình thức BOT vào dự án này, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng chưa chắc việc đầu tư BOT vào cao tốc Bắc - Nam đã hấp dẫn được nhà đầu tư.
Lý do, dư luận đang đặt nhiều vấn đề về BOT và phản ứng nhiều từ người dân thời gian qua làm các nhà đầu tư rất lo ngại.
Tuy nhiên, điều đáng lo hơn, theo đại biểu Quốc, là hiện Việt nam chưa làm tốt việc phê duyệt tổng mức đầu tư BOT cho các dự án.
Ông phân tích thực tế vốn BOT chủ yếu đi vay, và khi đó vốn đầu tư phải chịu 3 lãi suất vì phải đáp ứng được lợi nhuận của người dân gửi tiền vào ngân hàng, của ngân hàng và của chủ đầu tư.
Hiện đa số dự án BOT đều vắng bóng nhà đầu tư nước ngoài, khi họ muốn lợi nhuận 18%. Còn các nhà đầu tư trong nước chấp nhận mức lợi nhuận 14% và tham gia rất đông.
"Nghịch lý này có phần từ việc các nhà đầu tư nước ngoài rất minh bạch rõ ràng, trong khi chúng ta chưa làm tốt việc thẩm định, kiểm soát mức đầu tư..." - ông Quốc nói.
Cuối cùng, việc Chính phủ cho phép đấu thầu rộng rãi với dự án này là điều tốt nhưng cần phải sàng lọc được các nhà đầu tư yếu, không đủ năng lực và tìm được nhà đầu tư có kinh nghiệm.
"Phải loại được các nhà đầu tư làm giữa chừng rồi bỏ, dẫn tới lỗ, và đẩy cho Nhà nước các vấn đề phát sinh như nợ xấu, chậm tiến độ... rất nguy hiểm" - đại biểu Quốc nói.
Trước đó ngày 3-11, trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tổng mức đầu tư dự án dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 khoảng 118.716 tỉ đồng.
Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỉ đồng. |
Viên Sự
Tuổi trẻ
|