"Bắt" Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam là không khả thi
Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật An ninh mạng.
* Khởi nghiệp sẽ gặp khó với Luật An ninh mạng?
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (Tp.HCM) thảo luận tại tổ.
|
Nhận xét chung thì nhiều ý kiến cho rằng luật này có những chồng chéo đáng kể với Luật An toàn thông tin, từ đối tượng điều chỉnh đến chức năng nhiệm vụ.
Theo đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) thì nhiều quy định tại dự thảo na ná như nghị quyết, nặng về quan điểm chính trị nhiều hơn.
Chỉ ra hàng loạt quy định chồng chéo giữa các luật Viễn thông, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin với Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Tp.HCM nhận xét, dường như do các cơ quan soạn thảo khác nhau nên đã không có sự kế thừa, thống nhất trong quá trình xây dựng luật.
Một trong các vấn đề được đại biểu quan tâm là quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Đại biểu Dũng phát biểu: "Một yêu cầu không thể không chú ý là khi ban hành, luật cần phải đảm bảo cho công dân quyền tự do; quyền sáng tạo. Tôi rất quan tâm đến quy định đặt máy chủ ở Việt Nam. Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm "nhà cung cấp mạng xã hội" với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet.
Theo đại biểu thì quy định "đặt máy chủ" là khó chấp nhận đối với các nhà cung cấp mạng xã hội. Chẳng lẽ khi hoạt động ở 200 thị trường, Facebook lại phải đặt máy chủ ở 200 nước với đội ngũ quản lý và chi phí cực kỳ lớn? Cho nên việc quản lý tập trung là bình thường, bắt họ đặt máy chủ ở Việt Nam là không khả thi. Về mặt kỹ thuật thì không nhất thiết phải đặt máy chủ mới quản lý được các tài khoản ở Việt Nam".
Đồng tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) cho rằng cần rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành để gom lại trong 1-2 luật thôi, cho người dân dễ hiểu và chấp hành, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, quyền bồi dưỡng trí tuệ, giải trí, kinh doanh…
Bây giờ trẻ con 12-13 tuổi cũng dùng mạng thành thạo rồi, quy định quá phức tạp, lẻ mẻ chỗ này quyền, chỗ kia trách nhiệm, chỗ nọ nghĩa vụ quá thì người dân không nắm được, không thực hiện được, ông Nghĩa góp ý.
Theo đại biểu, nhiều điều "cấm" trong luật lại không đi kèm với biện pháp chế tài, không rõ nếu vi phạm xử lý thế nào. "Mà chúng ta muốn quy định về an ninh mạng hay là an ninh quốc gia trên không gian mạng? Tôi hiểu điều chúng ta muốn bảo vệ là an ninh quốc gia trên không gian mạng. Nói rõ như thế mới hình dung đúng về luật và có quy định phù hợp", luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh .
Cũng liên quan đến quy định về quy định đặt cơ quan đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý dự thảo Luật An ninh mạng phân tích: trong cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự.
Như vậy, quy định về việc đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam tại dự thảo là trái với cam kết WTO và EVFTA của Việt Nam, theo VCCI.
Còn băn khoăn về quy định, song ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội thì theo nhiều vị đại biểu là rất cấp thiết.
Đại biểu Ngô Minh Châu (Tp.HCM) thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng trong bối cảnh tội phạm lừa đảo thông qua môi trường mạng đã phát triển với mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.
"Báo cáo tổng quan về kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ cũng đã nói rõ, chỉ riêng Youtube năm qua đã phải gỡ bỏ 3000 thông tin xấu độc, còn Facebook đã khoá 6000 tài khoản giả mạo, nhất là tài khoản của lãnh đạo Đảng Nhà nước. Không lẽ chúng ta chịu bó tay trước tình trạng này"? đại biểu đặt vấn đề.
Nguyên Lê
Vneconomy
|