Thị trường vốn: Góc nhìn người trong cuộc
Chia sẻ tại buổi hội thảo “Gateway to Vietnam 2017”, lãnh đạo ba tập đoàn lớn là Petrolimex (PLX), Vietjet (VJC) và Vinaconex (VCG) đã có những chia sẻ về câu chuyện của chính doanh nghiệp mình về chặng đường đã đi để đạt được thành tựu như hiện tại.
* Chủ tịch UBCKNN: Đủ cơ sở để lạc quan về sự phát triển của TTCK Việt Nam
Tại buổi thảo luận, đại diện các doanh nghiệp đều đồng quan điểm về rào cản hiện nay thu hút dòng vốn đầu tư vào doanh nghiệp Việt đó chính là ngoài hệ thống quản trị minh bạch, công ty tốt thì yếu tố quan trọng là hành lang pháp lý thích đáng.
Từ hệ thống quản trị tốt
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT PLX chia sẻ, Petrolimex hoạt động trong lĩnh vực có nhiều khúc mắc từ phía Nhà nước cho đến khách hàng bởi kinh doanh trong bối cảnh nhiều giai đoạn chuyển giao, có khi không đạt hiệu quả. Do đó, để giải quyết triệt để thì PLX phải minh bạch hóa, thắt chặt việc minh bạch này.
Để đáp ứng đúng theo yêu cầu công bố báo cáo trên thị trường, PLX đã áp dụng hệ thống quản trị CIT từ rất sớm, đạt chuẩn quốc tế, đánh giá thị trường kỹ lưỡng trong một thời gian dài trước khi lên sàn.
Đồng ý quan điểm này, ông Lê Đức Khánh – Giám đốc điều hành VJC cho biết, khi hoạt động, VJC biết chắc chắn sẽ cạnh tranh với các hãng hàng không lớn trên thế giới chứ không chỉ Vietnam Airlines (HVN), do đó, VJC quyết định thuê đơn vị tư vấn hàng đầu để xây dựng hệ thống quản trị. Nhờ vậy hiện VJC đã có thể biết chắc chắn chi phí trên mỗi ghế của tháng này, tuần này của VJC là bao nhiêu. “Sự khác biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân chính là văn hóa doanh nghiệp, theo cá nhân tôi là yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp. Chi phí đối với VJC vô cùng quan trọng, chúng tôi chỉ quản lý 25%, mà không thể kiểm soát được chi phí nhiên liệu, phi công... do đó tiết kiệm được một xu cũng chính là tăng tính cạnh tranh. Tại VJC, phải xây dựng văn hóa tiết kiệm từ người đứng đầu cho đến nhân viên thấp nhất”.
Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT SSI chia sẻ thêm, để thành công, một doanh nghiệp may mắn có được người lãnh đạo có tâm và có tầm nhưng để giữ được thành công cần có hệ thống quản trị đa sở hữu bởi khi xảy ra mâu thuẫn, không một ai có thể giải quyết được.
Dòng tiền đóng vai trò rất quan trọng
Về phía VCG, ông Đỗ Trọng Quỳnh – TGĐ cho biết, VCG là tổng công ty đa ngành, xuất phát từ xuất khẩu. Từ khi Đông Âu có vấn đề, Chính phủ yêu cầu gom nhân viên về Việt Nam. Sau đó lấn sân sang mảng xây lắp trước khi bước thêm vào mảng đầu tư.
Năm 2006-2007, theo chỉ đạo Chính phủ và Bộ Xây dựng, mỗi tổng công ty phải thành lập một công ty xi măng, khi đó VCG thành lập Nhà máy Xi măng Cẩm Phả. Khi xây dựng, vốn tự có ít nhất phải chiếm 1/3 nhưng cơ bản các doanh nghiệp Nhà nước đều hoạt động nhờ vốn vay ngân hàng. Do đó, không chỉ VCG mà tất cả tổng công ty khác đều vay 100% vốn ngân hàng.
Thế nhưng khi tỷ giá biến động thì nhà máy có khi lỗ đến 670 tỷ đồng/năm. Sau đó, VCG được SCIC góp thêm gần 1,500 tỷ đồng trong đợt tăng vốn lên 4,400 tỷ đồng. Cũng chính nhờ dòng tiền này, VCG đã chính thức “sống”, không bị phá sản, bảo toàn được vốn Nhà nước và tiếp tục phát triển.
“Trong 3 năm qua, vốn hóa VCG tăng gấp 2 lần, đạt xấp xỉ 10,000 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền cho doanh nghiệp khi đầu tư đúng thì đóng vai trò vô cùng quan trọng”, ông Quỳnh nói thêm.
Bên cạnh đó, một điểm quan trọng nữa trong quá trình phát triển chính là niềm tin các nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp và ngược lại, phải hiểu nhau, tin nhau mới sống được. Thêm vào đó, trong quá trình phát triển, rất cần một đơn vị tư vấn, một nhà quản trị tốt cùng tham gia vào HĐQT để cùng nhau đồng hành.
Phương Sanh Tín
FiLi
|