Thứ Tư, 25/10/2017 10:12

Chủ tịch UBCKNN: Đủ cơ sở để lạc quan về sự phát triển của TTCK Việt Nam

Chia sẻ tại buổi hội thảo “Gateway to Vietnam 2017”, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bày tỏ niềm lạc quan về sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian tới.

Sau 17 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam được biết đến là một thị trường non trẻ nhất, quy mô khiêm tốn nhất, nhưng là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á. Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 3 lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại là hơn 63% GDP. Nếu vào thời điểm 2006, tính cả hai Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch và có duy nhất một doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD thì cho đến nay trên thị trường đã có trên 700 doanh nghiệp niêm yết, 640 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, trong đó có 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Riêng trong năm 2016 và đầu năm 2017 đã có nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn tham gia TTCK như Sabeco, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Novaland, Petrolimex, VPBank,… và những tên tuổi lớn khác sắp được chào sàn như Vincom Retail, HDBank, Techcombank,…

VN-Index – chỉ số đại diện cho TTCK Việt Nam đã tăng trưởng hơn 16% trong năm 2016. Đến thời điểm này của năm 2017, VN-Index tiếp tục tăng trưởng thêm 24.5% trong khi HNX-Index tăng 36%. Thanh khoản của TTCK đã tăng 50% từ mức 3,000 tỷ đồng/phiên trong năm 2016 lên mức 4,500 tỷ đồng/phiên trong năm 2017.

Theo ông Dũng, bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng đã có những bước phát triển nhanh và mạnh. Nếu năm 2006, dư nợ thị trường trái phiếu mới đạt mức 14% GDP thì đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 40%, trong đó chủ yếu là thị trường trái phiếu Chính phủ (gần 30% GDP) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (xấp xỉ 6% GDP). Thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ đã tăng ngoạn mục từ mức hơn 324 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên mức gần 9,000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng 27 lần và gấp đôi giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường cổ phiếu.

Cách đây 2 tháng, vào ngày 10/08/2017, Việt Nam đã chính thức mở thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) với sản phẩm giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Mặc dù mới có 7/78 số công ty chứng khoán (CTCK) được công nhận làm thành viên giao dịch, nhưng thị trường non trẻ này đã có hơn 10,000 tài khoản giao dịch, giá trị giao dịch bình quân tháng đạt hơn 445 tỷ đồng/phiên và số lượng hợp đồng duy trì ở mức khoảng 24,700 hợp đồng/ngày.

Dù quy mô còn khiêm tốn khoảng 124 tỷ USD và xếp hạng ở thị trường cận biên, nhưng những con số nêu trên là những bằng chứng cho thấy sự phát triển vượt bậc và sức hấp dẫn ngày càng tăng của thị trường vốn – TTCK Việt Nam. Hơn 1,867,000 tài khoản giao dịch đã được mở, trong đó có trên 21 ngàn tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như năm 2016 chứng kiến có sự rút vốn nhẹ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu, thì trong năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khá nhiều trên cả thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đến tháng 10/2017, tăng 47.4% so với cuối năm 2016.

TTCK Việt Nam đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và có cơ cấu ngày càng  vững chắc và hoàn thiện. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đã đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc hơn so với trước đây.

Những cơ sở giúp TTCK tiếp tục phát triển

Câu hỏi lớn đặt ra là hiện thị trường vốn – TTCK Việt Nam có thể tiếp tục đà tăng trưởng và độ sâu trong thời gian tới hay không?

Ông Dũng cho biết, tình hình chính trị trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, và nền kinh tế Việt Nam đang đối phó với không ít khó khăn đến từ thiên tai, hệ quả của quá trình hoạt động kém hiệu quả của nhiều doanh nghiệp Nhà nước trong quá khứ cũng như nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên nhìn tổng thể, vẫn có đủ cơ sở để lạc quan về sự tiếp tục phát triển bền vững của thị trường vốn – TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, về vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6.7% trong năm nay và được dự báo duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo, trong khi lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu, tỷ giá tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất vốn được duy trì ở mức hợp lý. Về quan điểm phát triển của Việt Nam đang có sự chuyển dịch, chính thức coi kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện rất cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của thị trường vốn – TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai, chủ trương và kế hoạch cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian tới của Chính phủ sẽ cung cấp một lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã cổ phần hóa thành công 34/44 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nằm trong kế hoạch. Năm 2018, Chính phủ đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty giấy Việt Nam, Mobifone, và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện,…

Năm 2019, mặc dù kế hoạch của Chính phủ dự kiến cổ phần hóa chỉ 18 doanh nghiệp, nhưng có thể nhìn thấy nhiều tên tuổi lớn, hấp dẫn như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Than và Khoáng sản… Từ nay đến cuối năm một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như PV Oil, PV Power, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam và thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần tại Sabeco và Vinamilk. Như vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm DNNN sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. TTCK chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ ba, một số sản phẩm sắp tới sẽ được đưa vào giao dịch trên TTCK sẽ làm tăng tính hấp dẫn, tăng cơ hội đầu tư. Trong các sản phẩm sắp tới có chứng quyền bảo đảm dự kiến đưa vào giao dịch vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (bond futures) sẽ được đưa vào giao dịch, trong năm 2018. Một số chứng khoán phái sinh khác đang được tiếp tục nghiên cứu để đưa vào giao dịch trong năm 2019 và 2020, đáp ứng nhu cầu đầu tư và nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở.

Thứ tư, khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn – TTCK sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới, trong đó Bộ Tài chính dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm 2019. Cùng với Luật Doanh nghiệp 2015 và các luật liên quan, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu, tạo khung khổ pháp lý cho các sản phẩm mới trên thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát TTCK của các cơ quan quản lý, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và minh bạch.

Khung khổ pháp lý mới, cùng với việc áp dụng hệ thống công nghệ mới đồng bộ tại hai Sở và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) dự kiến từ năm 2019, cùng với những cải tiến gần đây như chuyển thanh toán tiền giao dịch TPCP từ ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước, cung cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài, gỡ bỏ hạn chế sở hữu của nhà đầu tư trong ngành kinh doanh phổ biến, việc tăng cường quản trị công ty theo nghị định 71/2017/NĐ-CP ngày 06/06/2017 của Chính phủ… chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở hơn, công khai minh bạch hơn, được quản lý chặt chẽ hơn và tạo ra cơ hội nhiều hơn, và công bằng hơn cho tất cả các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Mặc dù có nhiều cơ sở để lạc quan về sự phát triển của TTCK Việt Nam, ông Dũng cũng khuyến nghị luôn theo dõi, để phòng ngừa rủi ro, những nhân tố không chắc chắn có thể ảnh hướng đến tốc độ phát triển và cơ hội đầu tư.

Theo đó, không ai có thể đoán trước được diễn biến bất thường và ảnh hưởng của việc đàm phán Brexit, tình hình Triều Tiên, Trung Đông hay nạn khủng bố, khủng hoảng nhập cư… đến phát triển kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên.

Ngoài ra, nợ xấu của ngân hàng chưa thể xử lý một sớm một chiều và nguy cơ lạm phát cao vẫn luôn rình rập. Hệ lụy từ hiệu quả hoạt động thấp của nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước vẫn cần thời gian khắc phục.

Phương Sanh Tín

FiLi

Các tin tức khác

>   Nhịp đập Thị trường 25/10: VN-Index tái chiếm mốc 830 điểm (25/10/2017)

>   Khó như... nuôi heo! (25/10/2017)

>   X20 và HBI bị phạt do vi phạm công bố thông tin (25/10/2017)

>   25/10: Đọc gì trước giờ giao dịch? (25/10/2017)

>   HNG: Cải chính thông tin theo công văn của UBCKNN (24/10/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 25/10 (25/10/2017)

>   CLH: Thư xin ý kiến cổ đông bằng văn bản (24/10/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 24/10: Bứt phá cuối phiên (24/10/2017)

>   VSC: Con đường tăng trưởng liệu có trải đầy “hoa hồng”? (24/10/2017)

>   24/10: Đọc gì trước giờ giao dịch? (24/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật