Ngăn chặn tình trạng lợi dụng BOT để "tay không bắt giặc"
Thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/10 tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên chủ quan cho rằng bây giờ 9 tháng đã đạt 6,41% thì đến cuối năm GDP chắc ăn 6,7%.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng lên tiếng về các dự án BOT tai tiếng thời gian qua, dù khẳng định BOT là chủ trương đúng đắn.
Đừng chủ quan
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, Quốc hội cần ghi nhận nỗ lực cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong điều kiện khó khăn nhưng đã thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đạt kết quả.
Chúng ta không thể tin rằng trong điều kiện khó khăn, 6 tháng không bằng cùng kỳ năm trước nhưng 9 tháng có khả năng đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý không được chủ quan, vì để đạt được tăng trưởng cả năm 6,7% thì ngay trong quý này phải có mức tăng trưởng 7,31%. "Không được chủ quan cho rằng bây giờ 9 tháng đã đạt 6,41% thì đến cuối năm chắc ăn 6,7 là không có", bà nói.
Phân tích vai trò của yếu tố đột biến, Chủ tịch Quốc hội nói như quý 3 vừa rồi điện tử tăng 45%, do Samsung có sản phẩm mới S8. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh chủ yếu rơi vào ngành điện tử. Sản xuất kim loại tăng 24,4% nhờ Formosa đi vào hoạt động, dự kiến năm nay sản xuất ra khoảng 1,5 triệu tấn thép thô.
Lưu ý tiếp theo từ Chủ tịch Quốc hội là trong nhóm ngành nghề chế biến chế tạo thì ngoài điện tử, ngành sản xuất kim loại và một số ngành sản xuất khác cho thấy, tăng trưởng cũng nhờ vào một số sản phẩm nhất định, không phải tổng thể nền kinh tế. Nếu tăng vào cái nào nhất định, sản phẩm đó mà hơi yếu yếu một chút là ảnh hưởng đến ngân sách, ảnh hưởng đến tăng trưởng.
"Tôi nhớ, ngày xưa, tỉnh Hải Dương chủ yếu nguồn thu lớn nhất chủ yếu tập trung vào ô tô Ford. Khi ông này hắt hơi, sổ mũi là ngân sách tỉnh có vấn đề liền. Tất nhiên, địa phương nào cũng phải có sản phẩm chủ yếu, nhưng chúng ta phải đa dạng hóa, đừng để bị lệ thuộc vào một sản phẩm.
Sam sung năm trước bị lỗi sản phẩm note 7 là ảnh hưởng ngay tới chỉ tiêu xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh cũng như ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước nói chung. Năm nay lấy được cái S8. Năm tới có thể S9, S10 nhưng rõ ràng phân tích như thế để thấy một số sản phẩm nhất định có tính thời điểm, thiếu tính bền vững, Chủ tịch nói.
Samsung và Formosa cũng là hai cái tên được khá nhiều ý kiến khác nhắc đến với phân tích tăng trưởng về đích chưa hẳn mừng khi còn phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp FDI.
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (Tp.HCM) cho rằng vấn đề nổi lên của 2017 là tăng trưởng nhờ xuất khẩu là chủ yếu, gấp đôi kế hoạch, mà kết quả này phụ thuộc khá lớn vào FDI, nhưng họ cũng nhập nguyên vật liệu từ nước khác rất lớn, rõ nhất là Samsung và Formosa. Doanh nghiệp nhà trong nước chưa tham gia được vào chuỗi giá trị này nhiều, giá trị gia tăng thấp.
Ngăn chặn "tay không bắt giặc"
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng thì năm 2017, các cơ quan chức năng đã tập trung xử lý và có một số quyết sách đối với nhiều vấn đề đã để lâu chưa làm được. Từ xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án thua lỗ đều được đặt lên bàn các cơ quan cao nhất cả.
Ông Vượng cũng đặc biệt nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã được đẩy mạnh, tạo niềm tin cho nhân dân. Điều này cũng là biện pháp làm cho các hoạt động xã hội đi vào nền nếp, cảnh tỉnh, phòng ngừa, răn đe. Nhờ đó mà môi trường sản xuất tốt hơn nên các chỉ số cạnh tranh quốc tế đánh giá Việt Nam có nhiều chỉ số tăng điểm.
Riêng với các dự án giao thông BOT, ông Vượng cho rằng chỉ nói mặt không được làm các nhà đầu tư BOT nản là không ổn. Bởi đây là kênh huy động nguồn lực xã hội rất quan trọng, các nước cũng làm như thế. Tuy nhiên, điều mà theo ông Vượng rất đáng lưu ý cách làm sao cho hiệu quả. "Quan trọng là ngăn chặn được tình trạng lợi dụng BOT để làm không đúng, "tay không bắt giặc", phải thực sự có nguồn vốn của anh mới được làm", Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phát biểu.
Cũng quan tâm đến BOT, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể bày tỏ lo ngại về thu xếp vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản tới đây. Ông Thể phân tích, hiện ngân sách vẫn đang "nặng gánh" với việc chi thường xuyên khi đã nỗ lực trong việc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn mà hiệu quả mang lại chưa cao. Phần chi cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng còn lại rất ít. Trong khi đó, nguồn vốn huy động xã hội giữ vai trò rất lớn cho việc làm hạ tầng thì hiện lại đang bị ảnh hưởng rất nhiều từ câu chuyện BOT giao thông.
"Không có đầu tư hôm nay sẽ ảnh hưởng cho nhiều năm sau đó. Vậy thì cần sử dụng vốn nhà nước một cách tiết kiệm hiệu quả. Còn với vốn tư nhân, cần tập trung trí tuệ để đề ra được giải pháp thu hút vốn trong dân, vốn nhàn rỗi, tạo điều kiện có lợi nhuận cho doanh nghiệp vì nếu không doanh nghiệp dù có tiền cũng không thể đầu tư cho xã hội" – ông Thể nói.
Nguyên Vũ
Vneconomy
|