Thứ Hai, 30/10/2017 09:41

Mỹ đang “ăn” miếng bánh thị phần của OPEC tại châu Á?

Hai loại dầu thô Mars và Poseidon, vốn được sản xuất ở Mỹ, đang cập bến tới châu Á nhiều hơn, qua đó tạo ra một thách thức lớn cho OPEC để cạnh tranh thị phần với các nhà sản xuất ở Mỹ ở khu vực này.

Góp phần làm thay đổi trật tự thị trường hiện nay, các nhà sản xuất dầu thô Mỹ đang xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn đến thị trường châu Á, khi họ nhận thấy chênh lệch giá dầu thô có lợi cho phía mình.

Đây là một thông tin có lợi đối với những người mua dầu thô ở châu Á, họ sẽ hưởng lợi vì sẽ có nhiều lựa chọn hơn về loại dầu thô và cuộc cạnh tranh giữa các nhà cung ứng sẽ làm giảm giá dầu.

“Chúng tôi xem đây là một ‘bàn ăn buffet’ lớn hơn dành cho những công ty lọc dầu châu Á vì sẽ có nhiều lựa chọn hơn về nguồn dầu và người bán”, John Driscoll, Giám đốc của JTD Energy Services ở Singapore và từng là một chuyên viên giao dịch dầu, cho hay.

Ấn Độ đã nhận được lô hàng dầu thô đầu tiên từ Mỹ, bao gồm 1.6 triệu thùng, vào ngày 02/10/2017. Đây cũng là kết quả của chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ hồi tháng 6/2017, khi đó ông đã thương lượng về các hợp đồng cung cấp gần 8 triệu thùng dầu thô cho 3 nhà lọc dầu Ấn Độ.

Kịch bản kinh điển

Tất cả những thay đổi trên đã bắt đầu khi chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 40 năm về hoạt động xuất khẩu dầu nội địa hồi tháng 12/2015.

Và nếu các chuyên gia kinh tế thị trường ủng hộ thì Mỹ sẽ xuất khẩu nhiều dầu thô hơn nữa.

Một trong những yếu tố quyết định dòng chảy dầu thô trên toàn cầu là chênh lệch giá giữa 2 loại dầu tiêu chuẩn quốc tế: Dầu Brent và dầu WTI. Thông thường, nếu chênh lệch giữa dầu Brent và dầu WTI càng cao thì những người mua bên ngoài nước Mỹ sẽ càng cạnh trạnh để mua dầu WTI vì có giá thấp hơn.

Vào đầu tháng 10 này, chênh lệch giữa dầu Brent và dầu WTI ở mức rộng nhất trong 2 năm qua với hơn 6 USD/thùng. Ông Driscoll cho hay chính khoảng chênh lệch lớn này đã thôi thúc mọi người nhảy vào mua dầu WTI. Bên cạnh đó, các chuyên viên giao dịch dầu cũng theo dõi chặt chẽ mức chênh lệch giữa loại dầu Mars và dầu WTI để lấy thông tin nhằm tạo ra các giao dịch kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage). Được biết, dầu thô Mars ngày càng được xem là một loại dầu xuất khẩu quan trọng.

Và xuất khẩu dầu thô dần trở thành một lựa chọn phổ biến ở Mỹ. Cụ thể, lượng dầu thô xuất khẩu của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 1.98 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 29/09.

Michael Wittner, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Dầu tại Societe Generale, cho hay đây là kiểu thị trường dầu kinh điển. Ông nói thêm: “Có quá nhiều dầu thô ở Mỹ, trong khi ở những nơi khác thì lại quá ít. Điều này có nghĩa là giá dầu Mỹ sẽ suy yếu tương đối so với giá dầu toàn cầu, và lượng dầu xuất khẩu sẽ gia tăng để xóa sạch sự mất cân bằng trên thị trường”.

Lời cảnh báo đến OPEC

Chỉ riêng lượng dầu thô xuất khẩu của Mỹ – được khai thác từ mỏ đá phiến – có thể vượt con số 3 triệu thùng/ngày vào năm 2022, trong đó khoảng 1/3 khối lượng sẽ được tiêu thụ bởi châu Á, Ed Rawle, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Wood Mackenzie, cho hay.

Điều này báo hiệu về một sự thay đổi trong trật tự của thế giới năng lượng, khi tầm ảnh hưởng của OPEC dần biến mất. Một số nhà bình luận trong lĩnh vực năng lượng tin rằng sự bùng nổ của hoạt động fracking đã giúp Mỹ giành được danh hiệu là “nhà sản xuất chi phối trên thế giới” từ Ả-rập Xê-út. Có lẽ, Mỹ hiện giờ đã sở hữu khả năng để đối phó với sự biến động của nhu cầu dầu thô trên thị trường.

“Fracking” hay nói cách khác là dùng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy, hay là bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đá phiến sét, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại trong lớp đất đá.

Khi các tàu chở dầu thô Mỹ di chuyển về phía Đông, OPEC chắc chắn sẽ chú ý tới điều này.

“Những nhà cung cấp truyền thống thuộc OPEC sẽ cần phải theo dõi trường hợp này, và cần phải định giá dầu thô của họ một cách cạnh tranh hơn khi gần 50% sự gia tăng của lượng dầu thô xuất khẩu vào châu Á đến từ những nhà sản xuất không thuộc OPEC”, ông Rawle cho hay.

Harry Tchilinguirian, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường hàng hóa toàn cầu tại BNP Paribas, cho hay: “Sự nổi lên của Mỹ như một nhà xuất khẩu quan trọng đối với châu Âu hoặc châu Á sẽ chỉ có tăng thêm và phụ thuộc vào sự gia tăng khả năng xuất khẩu của khu vực Vùng Vịnh Mỹ và khi chênh lệch giá dầu thô vẫn có lợi về phía Mỹ. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu dầu thô vẫn còn cơ hội để khai thác”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Sau khi dán tem cây xăng, thu thuế tăng 80% (30/10/2017)

>   Vọt hơn 4%/tuần, dầu lên cao nhất trong gần 8 tháng (28/10/2017)

>   Thái tử Ả-rập Xê-út ủng hộ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng (27/10/2017)

>   Lo xăng dầu dỏm lọt lưới kiểm tra (27/10/2017)

>   Dầu lên cao nhất từ giữa tháng 4/2017 (27/10/2017)

>   Dầu trái chiều khi nguồn cung tại Mỹ ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần (26/10/2017)

>   Cây xăng Nhật, chất lượng Nhật? (25/10/2017)

>   Siêu dự án 500 tỉ đô của Saudi Arabia (25/10/2017)

>   Dầu WTI vọt lên cao nhất trong 6 tháng (25/10/2017)

>   Dầu WTI tăng nhẹ do e ngại thiếu hụt nguồn cung tại Iraq (24/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật