Thứ Ba, 17/10/2017 13:10

Liệu Ngày Thứ Hai Đen Tối có trở lại?

Đã 30 năm trôi qua kể từ Ngày Thứ Hai Đen Tối (Black Monday) – ngày tồi tệ nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ, và nếu nhà đầu tư vẫn còn ám ảnh với câu hỏi “liệu Phố Wall có nhận được bài học nào từ cơn địa chấn ngày 19/10/1987” thì hãy cảm thông với họ.

Vào ngày 19/10/1987, chỉ số Dow Jones tụt dốc 508 điểm (tương đương 23%) trước làn sóng bán tháo hỗn loạn và kéo dài cả ngày hôm đó. Trong khi đó, S&P 500 “bốc hơi” hơn 20%. Xét trong thị trường ngày nay, một mức giảm 23% của Dow Jones sẽ tương đương với 5,200 điểm.

* Di sản của vụ sụp đổ năm 1987: Quỹ ETF

Sự vụn vỡ trên thị trường chứng khoán Mỹ khi đó được cho là xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là tính phức tạp ngày càng gia tăng của thị trường dường như khiến các thành phần tham gia choáng ngợp và “góp phần” dẫn tới sự kiện trên. Hoạt động giao dịch được điều khiển bằng máy tính (computerized trading) cùng với các chiến lược phòng ngừa mới – vốn sử dụng các hợp đồng tương lai chỉ số tương đối mới lạ ở thời điểm đó – đều là một phần của bức tranh ngày 19/10/1987.  

Kể từ đó, thị trường tài chính dần chuyển biến theo thời gian khi có sự thay đổi về công nghệ và về phương diện pháp lý.

“Hiện nay hệ thống trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với thời điểm 1987. Điều này không có nghĩa là nó sẽ tốt hơn hay tồi tệ hơn, nhưng chắc chắn là sẽ phức tạp hơn”, Nicholas Colas, nhà đồng sáng lập của DataTrek Research, cho hay.

Trong số những thay đổi đáng chú ý nhất, thị trường chứng khoán Mỹ bị phân mảnh nhiều hơn.

Trong năm 1987, Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), cùng với Nasdaq, chiếm ưu thế trên thị trường. Các chuyên gia từng đóng vai trò trung tâm trong mọi hoạt động giao dịch thì nay lại được thay thế bởi thuật toán và máy tính. Hoạt động mua và bán cổ phiếu diễn ra trên khắp hệ sinh thái rộng lớn bao gồm nhiều sàn giao dịch, hàng chục nơi giao dịch bí mật (dark pools) – nơi giao dịch không được công chúng biết tới – và một vài mạng lưới truyền thông điện tử (ECN).

“Điều này nên được xem là tích cực vì nó cho phép tính toán tốt hơn và cũng ít nhạy cảm khi mọi thứ tập trung vào một địa điểm và một thị trường. Không phải lúc nào hệ thống cũng hoạt động như thế, nhưng đó là ý tưởng chung”, ông Colas cho biết.

Phân mảnh là một sự phát triển tương đối mới, do cơ quan Điều lệ Hệ thống Thị trường Quốc gia (Reg NMS) thuộc Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) khởi xướng trong năm 2007. Những người ủng hộ cho rằng quy định trên đã làm giảm chi phí giao dịch bằng cách gia tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng điều luật trên đã dẫn tới một thị trường rời rạc hơn và là mầm mống làm nảy sinh những rắc rối.

30 năm về trước, các chuyên gia trên sàn NYSE và những nhà tạo lập thị trường trên sàn Nasdaq đã bị chỉ trích nặng nề sau khi họ bị choáng ngợp bởi hàng đống lệnh yêu cầu từ nhà đầu tư. Và sau đó, sự xuất hiện của thị trường điện tử và hoạt động giao dịch tần suất cao cũng không thể xóa tan nỗi lo rằng thị trường có thể trải qua một cuộc khủng hoảng khác.

Joseph Saluzzi, nhà đồng sáng lập và là người phụ trách Bộ phận Giao dịch tại Themis Trading cho hay, dựa trên hệ thống hiện nay, nhiều nhà tạo lập thị trường không có nghĩa vụ với khách hàng – một điều có thể làm trầm trọng thêm xu hướng sụt giảm trên thị trường.

Thiếu đi những nghĩa vụ với khách hàng, nhiều khả năng họ sẽ biến mất khi tình hình trở nên bất ổn, ông Saluzzi cho hay. Còn nhớ, trong đợt sụt giảm chớp nhoáng (flash crash) hồi năm 2010, khi các chỉ số chính sụt giảm và rồi phục hồi chỉ sau vài phút, nguyên nhân dẫn tới đà lao dốc trên một phần là do các nhà tạo lập thị trường. Chính họ đã thúc đẩy làn sóng bán tháo điên cuồng, qua đó đẩy giá chứng khoán tụt dốc không phanh trong vài phút ngắn ngủi đó, ông cho biết.

Lo ngại ở đây là hệ thống thị trường hiện nay chưa từng trải qua một kịch bản khủng hoảng nào có cùng mức độ với Ngày Thứ Hai Đen Tối, ông Colas cho biết. Hệ thống hoạt động ra sao khi đối mặt với kịch bản đó thì chúng ta vẫn chưa biết được.

“Thị trường hiện nay kém minh bạch hơn trước đây. Trong quá khứ, bạn có thể nhận biết những gì đang xảy ra”, Charles Geisst, Giáo sư Kinh tế và Tài chính tại Manhattan College và là tác giả cuốn sách “Wall Street: A History”, cho hay.

“Với các nền tảng giao dịch xen kẽ hiện nay và nhiều thứ khác, thì sẽ rất khó để nhận biết dạng hiện tượng nào đang diễn ra”, ông cho hay.

Ngoài ra, trong năm 1987, chưa hề tồn tại quỹ ETF. Kể từ khi cho ra đời quỹ ETF trong năm 1993, thì nay chúng đã nắm giữ gần 4.2 ngàn tỷ USD tài sản trên toàn cầu, và chiếm gần 1/3 tổng giá trị giao dịch ở Mỹ trong năm 2016, dựa trên số liệu của Credit Suisse. ETF là các chứng chỉ quỹ theo sát một chỉ số hoặc một rổ chứng khoán khác, cũng tương tự như quỹ tương hổ. Tuy nhiên, khác với quỹ tương hổ – vốn có giá trị tài sản ròng được tính toán vào cuối mỗi ngày, thì chứng chỉ quỹ ETF lại giống như một chứng khoán. Sự phổ biến của quỹ ETF – vốn có chi phí thấp và theo sát một chỉ số – đã gia tăng khi nhà đầu tư dần dần chấp nhận phương pháp đầu tư thụ động (passive investing).

Một số nhà đầu tư lo sợ rằng một làn sóng bán tháo có thể bị khuếch đại vì các chứng chỉ quỹ ETF thường theo sát chỉ số nên khi chỉ số giảm thì chứng chỉ quỹ ETF cũng giảm.

Ông cho biết khi xuất hiện sự hỗn loạn trên thị trường, các nhà quản lý quỹ tương hổ buộc phải bán chứng khoán vì họ dự đoán trước rằng nhà đầu tư sẽ yêu cầu rút vốn. Tuy nhiên, những nhà quản lý quỹ tương hỗ lại không biết chính xác là mình sẽ cần bao nhiêu tiền mặt vì các lệnh rút vốn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào cho đến khi thị trường khép phiên vào lúc 16h (giờ ET). Điều này có thể khiến các nhà quản lý quỹ tương hổ rơi vào trạng thái quá bán. Trong khi đó, quỹ ETF phải trải qua quá trình tạo/rút vốn theo thời gian thực (real-time). Điều này có nghĩa họ chỉ bán chính xác những gì họ cần để đáp ứng nhu cầu.

Phố Wall và các nhà điều hành cũng xây dụng thêm hệ thống ngắt giao dịch tự động (circuit-breaking) dành cho các chỉ số và chứng khoán riêng lẻ. Được biết, hệ thống này được lập ra để làm giảm tốc độ bán tháo bằng cách tạm ngừng hoặc thậm chí là ngừng giao dịch khi khoản thua lỗ lớn gia tăng.

Vậy có khi nào Ngày Thứ Hai Đen Tối lặp lại? Những người phê bình cho rằng chính sự phân mảnh thị trường và những lo ngại về thanh khoản xuất phát từ sự thay đổi cấu trúc thị trường có thể khiến ngày ấy trở lại.

“Chúng tôi không biết khi nào ngày ấy sẽ đến, có thể là ngày mai, hoặc năm tới, hoặc 2-3 năm kế tiếp. Tuy nhiên, khi ngày ấy đến, mọi thứ sẽ trở nên rất, rất tồi tệ”, ông Saluzzi cho hay.

Vũ Hạo (Theo MarketWatch)

FiLi

Các tin tức khác

>   Dow Jones chỉ cách ngưỡng 23,000 gần 50 điểm (17/10/2017)

>   Liên kết giao dịch chứng khoán Đông Nam Á lặng lẽ “biến mất” (14/10/2017)

>   Di sản của vụ sụp đổ năm 1987: Quỹ ETF (14/10/2017)

>   Dow Jones và S&P leo dốc 5 tuần không ngừng nghỉ (14/10/2017)

>   Chứng khoán châu Á chạm đỉnh 10 năm trước số liệu kinh tế Mỹ và Trung Quốc (13/10/2017)

>   Phố Wall rút khỏi mức cao kỷ lục vì nhóm cổ phiếu ngân hàng (13/10/2017)

>   Thị trường con bò trên Phố Wall kéo dài 103 tháng, Tổng thống Trump liên tục "khoe mẽ" (12/10/2017)

>   Phố Wall tiếp tục hành trình lập kỷ lục mới (12/10/2017)

>   Đà leo dốc của cổ phiếu Wal-Mart kích Dow Jones lên mức cao mọi thời đại (11/10/2017)

>   Đà sụt giảm của cổ phiếu y tế kéo Phố Wall rút khỏi các mức cao kỷ lục (10/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật