HAR bất ngờ muốn thâu tóm tối thiểu 35% vốn Xà bông Cô Ba, vì đâu?
CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR) vừa công bố quyết định mua lại ít nhất 35% vốn CTCP Sản xuất Thương mại Phương Đông, tiền thân của thương hiệu nổi tiếng một thời Xà bông Cô Ba.
HAR bất ngờ muốn thâu tóm tối thiểu 35% vốn Xà bông Cô Ba, vì đâu?
|
Cụ thể, HAR cho biết sẽ đầu tư ít nhất 35% cổ phần và được quyền mua thêm 20% cổ phần của Sản xuất Thương mại Phương Đông. Tổng Giám đốc Nguyễn Nhân Bảo sẽ đại diện Công ty tham gia điều hành tại doanh nghiệp này.
Trước đó, HAR đã hoàn tất thương vụ sở hữu dự án Nha Trang Coral Beach với quy mô 13.5 ha từ việc mua lại 100% cổ phần tại CTCP Khu du dịch Đảo San Hô. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã hoàn tất việc mua 51% vốn tại CTCP Cơ khí Ngân hàng – một doanh nghiệp độc quyền được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước để xây kho chứa tiền, dịch vụ chở tiền và đặc biệt có nhiều quỹ đất lớn. Nhắc về định hướng hoạt động, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của HAR, tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Gia Bảo có nhấn mạnh sẽ tập trung các nguồn lực để tiến hành gia tăng quỹ đất thông qua M&A và phát triển dự án thương mại. Như vậy, hai động thái trên của HAR thể hiện rõ định hướng M&A theo chiến lược dài hạn của Công ty.
* HAR sẽ hưởng lợi khi Cơ khí Ngân hàng thoái 51% vốn DBT?
Còn đối với động thái mua lại vốn thương hiệu Xà bông Cô Ba, mục tiêu HAR hướng đến là gì trong khi HAR cũng có định hướng tinh gọn những lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành nhằm tối đa hóa lợi nhuận Công ty?
Trên thị trường, cổ phiếu HAR đã trải qua hai đợt sóng tăng tương đối mạnh. Đến phiên 11/10, cổ phiếu bất giờ kịch trần trở lại tại mức 13,600 đồng/cp.
Biến động cổ phiếu HAR một năm qua
Xà bông Cô Ba có gì thu hút đại gia bất động sản HAR?
Được biết, Sản xuất và Thương mại Phương Đông tiền thân là Công ty Sản xuất Xà bông Cô Ba nổi tiếng một thời tại miền Nam, thành lập trước năm 1975. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại các loại hóa chất như chất tẩy rửa, nước hoa, mỹ phẩm và hoạt động dịch vụ cho thuê mặt bằng.
Đáng chú ý về tài sản, Sản xuất và Thương mại Phương Đông đang sở hữu mảnh đất 2 mặt tiền Kim Biên – Gò Công tại trung tâm khu chợ Kim Biên với diện tích gần 10,000 m2 đã được UBND quận 5, TPHCM cấp phép thực hiện trung tâm thương mại tại khu đất này.
* Lượng đăng ký mua đấu giá Phương Đông gấp 13 lần
* Nhờ đâu cổ phiếu Sản xuất và Thương mại Phương Đông có giá 360,000 đồng/cp?
Được biết, vào cuối năm 2014, khi Vinachem thoái 50% vốn tại Phương Đông với giá khởi điểm 133,000 đồng/cp, Sản xuất và Thương mại Phương Đông đã thu hút 13 nhà đầu tư đăng ký tham gia. Trong đó, 10 cá nhân và 3 tổ chức trong nước với tổng số lượng đăng ký là 1,325,857 cp, gấp 13 lần so với lượng chào bán.
Trước đó, hồi năm 2013 Vinachem cũng chào bán 101,989 cp Sản xuất và Thương mại Phương Đông với giá khởi điểm 136,400 đồng/cp.
Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2011-6T2014 lợi nhuận sau thuế của Sản xuất và Thương mại Phương Đông ghi nhận đi lùi. Tuy nhiên, xét đến sức khỏe tài chính tính đến 30/06/2014, Phương Đông đang có một cơ cấu vốn khá an toàn, tổng nợ chỉ 13.8 tỷ đồng, bằng 37% tổng nguồn vốn mà chủ yếu là phải trả phải nộp ngắn hạn khác, trong khi vay nợ không đáng kể khi chỉ có khoản vay dài hạn Ngân hàng ACB.
Hiếu Nguyễn
FiLi
|