Chuyển động dòng tiền tuần 25-29/09:
Dòng tiền nóng tại STB, DIG và GMD
Trong tuần giao dịch từ 25-29/09/2017, khi mà thị trường hiện ở tình trạng “đói” thông tin thì những câu chuyện được công bố tại các doanh nghiệp lập tức tạo nên làn sóng mạnh mẽ thu hút dòng tiền.
Thị trường ghi nhận tình trạng diễn biến trái chiều của hai chỉ số. VN-Index kết thúc tuần giảm 0.34% đứng tại 804.42 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng 1.07% đang dừng ở 107.66 điểm. Thanh khoản trên cả hai sàn đều không mấy khả quan khi sụt giảm nhẹ. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 141.9 triệu đơn vị/phiên, sụt giảm 4.93% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 59.3 triệu cổ phiếu/phiên, sụt giảm 8.36%.
Chỉ có 10 mã cổ phiếu có lực tăng thanh khoản lớn hơn 100% trên cả hai sàn, trong đó sàn HOSE nổi bật có DIG, HDG, STB và sàn HNX gồm PIV, ACM là tăng hơn 200%.
Ở nhóm ngân hàng, tâm điểm giao dịch có thể kể đến là STB. Cổ phiếu này đã có một tuần giao dịch sôi động số lượng trung bình tăng gần 220%, từ 1.4 triệu lên gần 4.5 triệu đơn vị/phiên. Phía sau của sự hưng phấn này khả năng là nhờ thông tin tân Chủ tịch Dương Công Minh sẽ ra tay gom hàng 18 triệu cổ phiếu tại nơi mình cầm trịch. Với mức giá khoảng 12,500 đồng/cp, ông Minh dự kiến sẽ phải bỏ ra hơn 220 tỷ đồng để nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên 59.4 triệu cp (3.15%).
Ngoài ra, giao dịch thỏa thuận ở STB tuần qua cũng khá sôi động với tổng khối lượng thỏa thuận hơn 20.7 triệu đơn vị, trong đó phiên ngày 28/09 thỏa thuận khoảng 15.6 triệu cp.
Một diễn biến mới từ STB cũng là nhân tố góp phần tạo thanh khoản cho thị trường là ông Minh sẽ kiện toàn lại nhận sự từ ngày 02/10 đồng thời ký kết hợp tác với VAMC về xử lý nợ xấu và dự kiến sẽ bán nợ theo giá thị trường tối thiểu 1,000 tỷ đồng trong năm 2017.
Trong tuần qua, DIG bất ngờ có 4 phiên giao dịch hơn 1 triệu đơn vị, trong đó riêng phiên đầu tuần đạt 4.2 triệu đơn vị. Như vậy, khối lượng khớp lệnh trung bình khoảng 1.7 triệu cp/phiên, trong khi tuần trước đó ghi nhận được chỉ khoảng 500,000 cp/phiên, gấp 3.8 lần. Xoay quanh DIG không có nhiều câu chuyện, thông tin mới nhất được Công ty công bố liên quan đến dự án Khu Đô thị Du lịch Sinh thái Đại Phước về kế hoạch sẽ thành lập doanh nghiệp liên doanh TNHH hai thành viên nhằm mục đích thực hiện hợp tác đầu tư khu đất 14.39 ha. Tổng giá trị cho thương vụ hợp tác này gần 2.5 triệu USD.
GMD cũng không ngoại lệ, câu chuyện liên quan đến việc thoái toàn bộ hơn 3.35 triệu cp, tương ứng 100% vốn góp tại Gemadept (Malaysia) Sdn Bhd cho Gemadept Shipping Holding nhằm tái cấu trúc Công ty và thông tin về dự định thâu tóm GMD của CJ Logistics đã đẩy thanh khoản của cổ phiếu này với khối lượng khớp lệnh khoảng 490,000 cp lên hơn 1.3 triệu đơn vị/phiên, giá cổ phiếu tăng trưởng cũng ghi nhận gần 4%, hiện giao dịch tại mức giá gần 44,000 đồng/cp.
Trên sàn HNX, ACM cũng đã tạo không ít sóng gió từ khớp lệnh trung bình khoảng 440,000 cp/phiên bỗng tăng hơn 200% lên 1.4 triệu cp/phiên. Đáng nói là, lượng giao dịch có sự chênh lệch lớn, phiên ngày 25/09 giao dịch 3.4 triệu cp với sắc tím kịch trần thì phiên ngày 26/09, ACM giao dịch chỉ vỏn vẹn 290,000 cp đồng thời quay đầu nằm sàn. Nguyên nhận cho cơn sóng thanh khoản bất ổn này khả năng do việc công bố sai thông tin đăng ký giao dịch của nữ lãnh đạo - Tổng Giám đốc Phạm Thị Thúy Hạnh. Cụ thể, bà Hạnh muốn bán 2 triệu cp ACM nhưng thông tin trước đó được phát đi là đăng ký mua.
KLF không vào hàng ngũ tăng trưởng thanh khoản, thực chất vì con số tuyệt đối là khối lượng giao dịch trung bình trong tuần qua vẫn duy trì ở mức cao và tương đương tuần trước đó với gần 17.7 triệu đơn vị. Sau thông tin được công bố phiên ngày 27/09 về việc cả FLC và KLF đồng loạt thông báo thay đổi ngày chốt quyền mới cho việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2017, thì hai phiên cuối tuần khối lượng giao dịch đã bất ngờ đột biến từ 10 triệu lên hơn 20 triệu đơn vị. Dòng tiền cho loạt cổ phiếu đầu cơ cũng diễn biến theo hai chiều hướng, trong khi CCL, FIT, NDF, PVX vẫn được nhà đầu tư ưu ái duy trì động thái giải ngân thì DHM, KSH, CDO, KSK lại giảm thanh khoản từ 50% đến 65%.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
|
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
|
|