Nhịp đập Thị trường 28/09: Sự hưng phấn từ SAB và BHN là chưa đủ
Giao dịch phiên chiều tự dưng chùng xuống, giá cổ phiếu trên sàn HOSE đồng loạt suy giảm sau khi giao dịch chừng 30 phút, tất nhiên trừ SAB và BHN. Sự hưng phấn đến từ 2 đại gia ngành bia có vẻ chưa đủ sức lan tỏa sang các cổ phiếu khác trong phiên chiều, điều đã làm được trong phiên sáng.
Thậm chí có thể nói SAB và BHN chỉ là bình phong, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và đã khiến họ xao nhãng, “mất cảnh giác” trước diễn biến tiêu cực ở các cổ phiếu khác, nhất là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Hai chỉ số phụ cho các nhóm này đã nhanh chóng chuyển sang sắc đỏ.
Sàn HNX sáng nay giao dịch lình xình, không hấp dẫn thú vị như trên sàn HOSE, và đến chiều còn giao dịch tiêu cực hơn nữa. HNX-Index và UPCoM Index đều nhanh chóng chuyển sang sắc đỏ khi VN-Index có dấu hiệu suy giảm. KLF giảm sàn, nhiều mã vốn hóa lớn khác cũng giảm tương đối như VGC, SHB, VND…
Sắc đỏ lan rộng trên nhóm ngân hàng. BID, CTG và SHB đồng loạt quay đầu giảm. STB buổi sáng từng tăng hơn 4.5% thì đến chiều cũng chỉ còn tăng 2.9%. Sự suy giảm còn lan sang cả trụ thứ hai là dầu khí, may thay đến phiên ATC thì sắc xanh đã trở lại ở nhiều mã. Tuy nhiên nhiều nhóm ngành nhỏ hơn thì không gặp may như dầu khí, trong đó có xây dựng, điện, BĐS… HBC, NLG, PDR… đều bất ngờ giảm dù trước đó được kỳ vọng tích cực. Ngạc nhiên là nhóm ngành than lại có nhiều mã bất ngờ tăng trở lại.
Khối ngoại dường như giao dịch tích cực hơn trong phiên chiều, tuy chưa rõ họ là nhân tố khiến giá cổ phiếu giảm, hay là nhân tố hưởng lợi vì giá cổ phiếu giảm. Họ mua ròng trên nhiều mã như STB, VCB, DPM, HPG, HSG, PC1, PVD… hay thậm chí cổ phiếu mới lên sàn UPCoM là KDF, nhưng họ cũng bán ròng ở BID (khiến cổ phiếu này giảm?), MSN, NTP, PVS…
HOSE vừa thông báo rằng nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại KBC từ 5.04% xuống còn 4.94% và không còn là cổ đông lớn từ ngày 25/09/2017. Giá cổ phiếu KBC cũng đã giảm liên tục kể từ đầu tháng 9 đến nay, chưa rõ có phải do lực bán ra từ nhóm này hay không. Điều thú vị là chiều nay giá cổ phiếu KBC tăng 2.5% và khối ngoại mua ròng nhẹ.
Phiên sáng: Gió đến từ SAB, BHN đẩy tung chỉ số
VN-Index tăng mạnh 0.7% sáng nay nhờ SAB (+5%), BHN (+7%) và các mã vốn hóa lớn khác như MSN, VCB, VJC… Thậm chí VN30 tăng 0.83% vì SAB đã được đưa vào rổ chỉ số trong kỳ review gần nhất. PLX giảm 1.1% là yếu tố đi ngược đáng kể nhất trong nhóm vốn hóa lớn sàn HOSE. Các nhóm ngành được coi là hỗ trợ tích cực cho chỉ số là ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, BĐS.
HNX-Index tăng 0.12%, thấp hơn nhiều so với các mức tăng điểm gần đây, tương quan so với chỉ số sàn HOSE. Dường như mối quan tâm lớn nhất của NĐT đang chuyển qua sàn HOSE.
Theo Cục TCDN - Bộ Tài chính, nếu đến 30/09 mà Sabeco và Habeco chưa hoàn tất bản cáo bạch phục vụ cho công tác thoái vốn Nhà nước, thì đề xuất chuyển giao quyền đại diện sở hữu Nhà nước tại 2 doanh nghiệp này từ Bộ Công Thương về SCIC. Hiện nay, cổ phiếu cả 2 doanh nghiệp này có vẻ cao hơn so với định giá của 1 số tổ chức nước ngoài, bao gồm cả các hãng bia lớn quốc tế, lẫn trong nước như các công ty chứng khoán, tuy nhiên cũng có ý kiến e ngại Nhà nước sẽ bán hớ vì “thấp hơn giá thị trường”, tức là giá trên sàn.
Trong nhóm ngân hàng, STB tăng giá mạnh nhất gần 4.5%, và tất nhiên đươc sự hỗ trợ của khối ngoại (mua ròng hơn 850,000 cp). Thông tin hợp tác với VAMC có lẽ là yếu tố hỗ trợ cổ phiếu này.
PC1 tăng giá gần 1.2% sáng nay, có lẽ nhờ khối ngoại. Tương tự, các mã vốn hóa lớn khác tăng giá đi kèm với lực mua ròng khối ngoại là HPG, VCB, VIC…, tuy nhiên MSN tăng giá 1.1% dù khối ngoại bán ròng .
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng giá, nhưng dường như không phải là phản ứng với thông tin HOSE sắp đưa vào giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW). HCM, SSI, VCI… những công ty trong top đầu chỉ tăng nhẹ, cá biệt VDS tăng 5.5% nhưng có lẽ công ty này chưa đủ điều kiện phát hành CW.
Nhóm thủy điện bất ngờ giảm giá sáng nay dù chưa có thông tin tiêu cực về điều kiện thời tiết hay thủy văn.
CVT giảm gần 1% dù có thông tin sắp chuyển sàn từ HNX sang HOSE. Nhiều khả năng đây là hành động chốt lời, tin ra là bán, vì cổ phiếu này đã tăng hơn 10% gần đây.
10h30: Nhóm ngân hàng hồi phục
VN-Index tăng ổn định lên 806.14 điểm nhờ các mã vốn hóa lớn, nhất là SAB, MSN, VCB, VJC… Về ngành, ngân hàng và dầu khí là 2 nhóm lớn đang hỗ trợ chỉ số. Tuy nhiên PLX giảm 1.2%, đang đóng vai trò kìm chân chỉ số, khiến mức tăng của VN-Index thấp hơn so với VN30.
SAB và BHN đồng loạt tăng giá sau khi có thông tin về tiến độ thoái vốn. Với “lợi thế” về quy mô vốn hóa, mức tăng giá của SAB đang hỗ trợ rất lớn cho mức tăng của chỉ số VN-Index.
Đa số cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng giá, có lẽ liên quan đến hoạt động của VAMC trong việc chủ động xử lý tài sản đảm bảo. Gần đây STB đã ký hợp tác với VAMC trong vấn đề này, đây có thể cũng là thông tin giúp giá STB tăng hơn 2.4% sáng nay.
ACV tăng 2.85% bất chấp thông tin suy giảm lợi nhuận sau báo cáo soát xét.
Bộ Công Thương sẽ dự kiến trình Chính phủ xem xét Dự thảo Nghị định về kinh doanh khí trong vài ngày tới, thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP. Dự thảo này đang có những nội dung được coi như là gỡ bỏ thêm 1 số rào cản trong hoạt động kinh doanh khí. Ngạc nhiên là hiện giá cổ phiếu PGD giảm đến 4.6%.
Giá cao su thế giới sau khi lên hơn 226 JPY/kg thì đang giảm nhanh gần 10% về 206 JPY/kg. Tuy vậy giá này vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, tạo ra niềm tin về kết quả quý 3 tích cực cho các công ty cao su đang niêm yết. Tuy nhiên sáng nay đa số cổ phiếu này lại giảm giá nhẹ.
SAM hôm nay giao dịch không hưởng cổ phiếu thưởng, giá cổ phiếu có lúc tăng lên đến 7,900 đ/cp gần sát trần, hiện tại đang bớt nhiệt về 7,700 đ/cp.
Mở cửa: Chờ xem SAB sẽ biến động ra sao với thông tin thoái vốn
VN-Index mở cửa ở mức 803.1 điểm, thấp hơn 1 chút so với tham chiếu, sau đó tăng trở lại trên tham chiếu nhờ lực đỡ từ MSN, VJC và VIC. Tuy vậy, còn phải chờ xem SAB sẽ tăng hay giảm sáng nay vì đã có thông tin về việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này. Trong đợt ATO, SAB chỉ khớp 10 cổ phiếu tại giá tham chiếu.
Công ty Tân Tam Mã đăng ký bán 2 triệu cp CII từ ngày 02/10 tới với lý do trả nợ margin. Trong các phiên giao dịch của tháng 9, cổ phiếu CII hầu như đỏ và đang có vẻ đi ngang ở vùng đáy. Thậm chí nếu so với đỉnh giá 40,700 đ/cp thiết lập cuối tháng 5, thì CII đã giảm giá gần 20%. Đây có lẽ khiến NĐT gặp rủi call margin. Tuy nhiên, chưa rõ việc bán CII sát kỳ công bố BCTC quý 3 còn có lý do nào khác hay không.
Theo Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Công Thương, việc thoái vốn Nhà nước tại hai doanh nghiệp lớn ngành bia là Sabeco (SAB) và Habeco (BHN) dự kiến sẽ tiến hành trong tháng 10 và 11/2017, để chuyển tiền về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12/2017. Như vậy game tăng giá tại 2 cổ phiếu này dự kiến sẽ sớm kết thúc trong năm nay. Gần đây, biến động giá cổ phiếu SAB đang bị coi là kìm hãm mức tăng chỉ số VN-Index. Sau khi tăng lên 298,000 đ/cp ngày 11/09, hiện SAB đã giảm liên tục về 254,500 đ/cp, nhưng vẫn bị coi là khá cao so với định giá của một số công ty chứng khoán lớn.
Sáng nay cổ phiếu của doanh nghiệp lớn nhất ngành Kem - KDF (Kido Foods) chính thức lên sàn UPCoM, và đang được giao dịch ở quanh mức giá tham chiếu 60,000 đ/cp. Trước đó trong những phút đầu tiên, KDF từng được khớp ở mức trần 84,000 đ/cp. Khối ngoại đang mua ròng gần 60,000 cp.
NTP tiếp tục bị khối ngoại bán ròng 1.35 triệu cp nhưng là giao dịch thỏa thuận. Giá cổ phiếu này sáng nay cũng tăng nhẹ 1.1%.
Theo CTCK MBS, chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) sẽ chính thức giao dịch vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tới đây, với sự tham gia của 5 công ty chứng khoán và 21 cổ phiếu thuộc nhóm VN30 làm chứng khoán cơ sở. CW cũng là 1 loại chứng khoán phái sinh, nhưng giao dịch trên HOSE (ngược lại với các Hợp đồng tương lai đang giao dịch trên HNX) và do công ty chứng khoán phát hành. CW cũng được kỳ vọng là sẽ giao dịch sôi động giống như các hợp đồng tương lai nói trên. Tuy nhiên HOSE chưa công bố ngày chính thức giao dịch./.
|