Chưa "chốt" thu hồi sân golf mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Căn cứ phương án được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối quanh khu vực sân bay để giảm ùn tắc giao thông sẽ được nghiên cứu, trường hợp cần thiết phải thu hồi đất sân golf để triển khai xây dựng các công trình hàng không, xử lý quá tải sân bay theo quy hoạch.
Vị trí sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất trên bản đồ Google Map.
|
Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội báo cáo về việc thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay, giải quyết thu hồi đất sân golf trong sân bay này.
Theo báo cáo thì nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cửa ngõ là khu vực Tp.HCM ngày càng tăng cao (hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc) đã dẫn tới tình trạng quá tải so với công suất thiết kế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với đó là tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Tổng công suất của 2 nhà ga hiện nay chỉ đạt 28 triệu hành khách/năm, tuy nhiên, theo số liệu thống kê thực tế, năm 2016 đạt 32,5 triệu hành khách, dẫn đến quá tải.
Việc khai thác khu bay như hiện nay đã đạt tới giới hạn, Chính phủ nhấn mạnh.
Tiếp mạch khó khăn, báo cáo nêu rõ, việc hạn chế về sân đỗ và đường lăn để tàu bay lăn ra đường cất hạ cánh cũng ảnh hưởng đến năng lực điều hành bay, nhiều chuyến bay đi và đến bị kéo dài thời gian lăn ra hoặc lăn vào.
Trong vùng trời tiếp cận vào giờ cao điểm có đến 8 - 9 chuyến phải bay chờ, nhiều chuyến bay đến phải bay vòng chờ hạ cánh. Do 40% các chuyến bay đi, đến từ sân bay Tân Sơn Nhất nên việc chậm và hủy chuyến sẽ dẫn đến ảnh hưởng tới toàn bộ mạng đường bay của các hãng hàng không gây thiệt hại kinh tế, giảm chất lượng phục vụ hành khách và tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không.
Mặt khác, giao thông tiếp cận sân bay hiện đang duy trì đồng mức và lẫn với luồng phương tiện không vào sân bay. Hiện nay có khoảng 70% số lượng xe máy và 62% số lượng ô tô qua nút giao thông trước nhà ga hành khách quốc tế mà không đi vào sân bay. Do vậy thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông đến tận nhà ga, đặc biệt là vào giờ cao điểm và những thời điểm có mưa.
Trong khi đó, dự báo trong các năm tới nhu cầu tăng trưởng của Tân Sơn Nhất vẫn đạt trung bình từ 10 - 15%/năm giai đoạn đến 2020, với nhu cầu 38 - 40 triệu hành khách vào năm 2018 và 43 - 45 triệu vào năm 2020.
Để giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc cấp bách đang diễn ra ở Tân Sơn Nhất, đảm bảo phù hợp với kế hoạch xây dựng Cảng hành không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh quy hoạch Tân Sơn Nhất. Trong đó dự kiến sẽ bổ sung đường lăn song song, hệ thống đường lăn nối và xây dựng bổ sung nhà ga T4 mà không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư, với thời gian thực hiện quy hoạch nhanh (khoảng từ 2 đến 3 năm).
Trong quy hoạch cũng đề xuất các phương án kết nối, tổ chức giao thông và hạ tầng liên quan trong và ngoài cảng hàng không với các hệ thống chính của thành phố.
"Có thể nói đây là phương án khá phù hợp và khả thi, vừa đáp ứng được mục tiêu quy hoạch, vừa tận dụng được các cơ sở vật chất hiện có của cảng hàng không tại khu vực phía Nam, đồng thời, có khả năng thu hút được nguồn vốn xã hội hóa cao", Chính phủ đánh giá.
Chính phủ cũng cho biết, để đảm bảo tính khách quan, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì thuê tư vấn nước ngoài để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc (khu vực sân golf) và phía Nam nâng tổng công suất đạt khoảng 45 - 50 triệu hành khách/năm
Sau khi tư vấn hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất các phương án quy hoạch, Chính phủ sẽ chỉ đạo thành lập hội đồng để tổ chức thẩm định phương án mở rộng, điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất. Căn cứ phương án được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối quanh khu vực sân bay để giảm ùn tắc giao thông sẽ được nghiên cứu; trường hợp cần thiết phải thu hồi đất sân golf để triển khai xây dựng các công trình hàng không, xử lý quá tải sân bay theo quy hoạch.
Trước mắt, để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay, Chỉnh phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu và đang thực hiện một số giải pháp cấp bách: đẩy nhanh tiến độ thi công dự án "Mở rộng sân đỗ máy bay phía Bắc đường lăn song song đoạn từ NS đến E6", phấn đấu hoàn thành dự án trong quý 2 - 3 năm 2018. Đưa các vị trí đỗ tàu bay qua đêm tại khu vực 19,79 ha đất quân sự đã bàn giao vào khai thác thương mại.
Xây dựng phương án sử dụng linh hoạt vị trí đỗ tàu bay, theo đó đưa các vị trí đỗ tàu bay trước nhà ga hành khách quốc tế vào khai thác linh hoạt phục vụ các chuyến bay quốc tế và quốc nội. Nghiên cứu tối ưu hóa phương án lăn từ đường cất hạ cánh vào đường lăn, sân đỗ và ngược lại. Xây dựng phương án sử dụng quầy thủ tục hành khách linh hoạt tại các nhà ga cho các hãng hàng không, theo đó các hãng hàng không được phép sử dụng quầy thủ tục hành khách linh hoạt trong các khung giờ khác nhau....
Liên quan đến giải pháp về vùng trời, báo cáo cho nêu giải pháp phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng nghiên cứu tổ chức vùng trời cụm sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất và Vũng Tàu để nâng cao hiệu quả hoạt động hàng không dân dụng và bảo đảm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của không quân.
Nguyên Vũ
Vneconomy
|