Thứ Hai, 23/10/2017 21:38

Tuyến metro số 1, có tiền mà sao chưa giải ngân được?

Vốn ODA cho dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã được bên cho vay là Nhật Bản sẵn sàng giải ngân, song phía Việt Nam lại chưa hoàn thành các thủ tục trong nước nên dự án vẫn cứ đi vào vòng luẩn quẩn, chưa có lối ra.

Thi công metro số 1 đoạn qua Văn Thánh - Ảnh: Anh Quân

Lý lẽ của các bên liên quan

Hôm 9-10, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM tiếp tục gửi văn bản khẩn đề nghị UBND TPHCM cho ứng thêm 1.173 tỉ đồng trong tháng 10 và tháng 11-2017 để trả nợ nhà thầu làm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vì đến nay dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng nhưng vốn vẫn chưa được Trung ương bố trí về cho dự án. Trong khi phía cho vay là Nhật Bản đã sẵn sàng giải ngân, nhưng phía Việt Nam vẫn chưa làm xong các thủ tục trong nước nên có tiền mà chưa giải ngân được.

Vậy vấn đề đang tắc nghẽn ở đâu? Vì sao các bộ, ngành lại chưa làm các thủ tục để giải ngân? Có lẽ cần lật lại hồ sơ dự án này. Vào năm 2007, tư vấn trong nước là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) đã lập dự án metro số 1 với tổng mức đầu tư ở thời điểm đó là 1 tỉ đô la Mỹ (tương đương 17.000 tỉ đồng).

Tuy nhiên, khi chuẩn bị bước vào thực hiện, năm 2008, đơn vị tư vấn của Nhật Bản thấy rằng nghiên cứu và các thiết kế ban đầu về số lượng nhà ga, số lượng đoàn tàu chưa phù hợp nên họ thiết kế và tính toán lại tổng mức đầu tư mới là 47.000 tỉ đồng. Sau đó, TPHCM đã thuê một công ty độc lập của Singapore thẩm tra và kết luận tổng mức đầu tư mà phía tư vấn Nhật Bản đưa ra là phù hợp.

Đến năm 2010, sau khi lấy ý kiến các Bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thì các bộ đều đồng thuận. Đến tháng 8-2011, Chính phủ đồng ý để UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư cuối cùng là 47.000 tỉ đồng.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư là vì đây là dự án đầu tiên nên tư vấn chưa có kinh nghiệm. Hơn nữa, sau khi lập dự án nhiều năm mới triển khai nên dẫn đến trượt giá.

Thế nhưng, hôm 12-10, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phần vốn được phê duyệt với dự toán 17.000 tỉ đồng đã được cấp phát hết. Phần chưa giải ngân còn lại là vốn tăng thêm quá cao nên thẩm quyền quyết định thuộc Quốc hội, trong khi lãnh đạo Quốc hội chưa nhận được báo cáo về việc tăng vốn của dự án này.

Phản hồi ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, hàng năm thành phố đều báo cáo đầy đủ về tình hình dự án, phần còn lại là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa báo cáo lên các cấp.

Dự án chậm, dân mòi mỏi chờ đợi

Trước tình hình vốn chưa được giải ngân, ông Quang cho biết, việc xin ứng vốn từ ngân sách thành phố chỉ là giải pháp tạm thời và không thể thực hiện mãi được. Nếu tình trạng thiếu vốn không được giải quyết thì nhà thầu ngừng thi công, khi đó hệ lụy kéo theo là rất lớn.

Hệ lụy lớn nhất chính là việc phải bồi thường thiệt hại cho nhà thầu. Hồi năm 2013, do chậm bàn giao mặt bằng so với thời hạn trong hợp đồng, ước tính số tiền TPHCM phải chịu phạt khoảng 2,5 tỉ đồng/ngày. Sau đó, hai bên đã thương lượng và con số cuối cùng là bao nhiêu thì không được công bố. Giả sử nếu phải bồi thường cho nhà thầu do chậm thanh toán thì con số này là không nhỏ.

Một hệ lụy nữa là khi dừng dự án thì thiết bị máy móc cùng chuyên gia của nhà thầu sẽ chuyển đi, sau này khi thi công việc thuê lại chuyên gia và máy móc có thể sẽ tốn nhiều chi phí hơn. Và hệ lụy nguy hiểm nhất chính là việc dự án bị chậm tiến độ thì nguy cơ bị đội vốn sẽ càng cao.

Điều này đã thấy rõ qua việc thực hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và giờ là tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đang trong giai đoạn xin tăng tổng mức đầu tư từ 1,3 tỉ đô la Mỹ lên 2,1 tỉ đô la Mỹ do chậm tiến độ dẫn đến trượt giá và điều chỉnh thiết kế.

Từ thực tế triển khai các dự án metro có thể thấy rằng dự án chậm tiến độ kéo theo tổng mức đầu tư càng tăng. Vì vậy, TPHCM cùng các bộ, ngành, Chỉnh phủ và Quốc hội cùng nhau tháo gỡ "điểm nghẽn" này, bởi vấn đề chính là từ thủ tục trong nước.

Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn thi công nước rút, nhiều hạng mục đoạn đi trên cao đã hoàn thành. Dự án này trước sau cũng phải làm chứ không thể dừng lại. Vì thế nếu chỉ vì thủ tục mà dự án chậm tiến độ và đội thêm vốn thì ngân sách nhà nước lại phải chi thêm tiền, còn người dân thì cứ mòn mỏi chờ đợi chưa biết khi nào sẽ được đi tàu điện.

Lê Anh

Thời báo kinh tế Sài Gòn

Các tin tức khác

>   Phân bổ vốn ODA: Đừng vì “chậm” mà "mất điểm” trong mắt nhà đầu tư (22/10/2017)

>   "Bôi đậm" ba ngân hàng 0 đồng và các dự án BOT (22/10/2017)

>   TPHCM: Đề xuất hướng xử lý các lô đất xây dựng nhà ở không phù hợp quy hoạch (20/10/2017)

>   TPHCM kiến nghị chuyển mục đích sử dụng 35 dự án có diện tích trồng lúa từ 10ha trở lên (20/10/2017)

>   Dự án BOT gần 3.000 tỷ chậm tiến độ, ngân hàng ngừng giải ngân (19/10/2017)

>   TP.HCM đề nghị thu hồi ba khu đất quốc phòng (19/10/2017)

>   Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (19/10/2017)

>   Ông Trương Trọng Nghĩa: 'Bờ sông Sài Gòn thành tài sản riêng của tư nhân' (19/10/2017)

>   Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn 30.000 tỉ, vì sao? (17/10/2017)

>   Bảo đảm quản lý hiệu quả các dự án BOT giao thông (16/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật