Thứ Bảy, 14/10/2017 14:40

Chênh lệch lãi suất giữa thị trường 1 và 2: Ai được hưởng lợi?

Trong khi lãi suất huy động của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế (thị trường 1) đang có xu hướng tăng lên do các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn để dự phòng thanh khoản vào thời điểm cuối năm thì lãi suất vay mượn vốn lẫn nhau giữa các ngân hàng (thị trường 2) lại tiếp tục có xu hướng giảm.

Lãi suất vay mượn vốn lẫn nhau giữa các ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Ảnh: THÀNH HOA.

Lãi suất huy động kỳ hạn một tháng bình quân hiện ở mức 4,85%/năm còn lãi suất trên thị trường 2 hiện chỉ khoảng 1,5%/năm. Chênh lệch lãi suất (Gap) giữa hai thị trường hiện đã lên tới 3,55%/năm.

Nguyên nhân của tình hình trên là do một khối lượng lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại nhóm các ngân hàng lớn, các ngân hàng cung ứng vốn trên thị trường 2 vẫn đang có xu hướng tăng lên do tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công vẫn diễn ra chậm chạp.

Lạ so với các nước nhưng không mới so với chính mình

Như vậy, lãi suất trên thị trường 1 và 2 ở Việt Nam gần như không có mối liên hệ và cũng hoàn toàn không có mối tương quan (correlation) với lãi suất trên thị trường mở (OMO) hiện đang được xem là lãi suất điều hành ở Việt Nam (policy rate). Diễn biến này là trái ngược hoàn toàn với thực tế thị trường tiền tệ của các nước trên thế giới mà nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trên thị trường tiền tệ của Mỹ hay Thái Lan, Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) các nước này thường có một lãi suất điều hành duy nhất mà thông qua đó NHTƯ có thể can thiệp để điều tiết vào thị trường tiền tệ một cách gián tiếp theo mục tiêu của mình. Lãi suất điều hành ở Mỹ (còn được gọi là Fed fund rate) là lãi suất mà NHTƯ sẽ cho các ngân hàng thương mại vay vốn khi có nhu cầu. Lãi suất vay mượn vốn lẫn nhau giữa các ngân hàng sẽ bám rất chặt với diễn biến của Fed fund rate. Đồng thời, diễn biến của lãi suất trên thị trường 2 cũng sẽ chi phối đến diễn biến lãi suất mà các ngân hàng sẽ dùng để huy động từ dân cư cũng như các tổ chức kinh tế (thị trường 1).

Có thể thấy, ở các nước, lãi suất giữa thị trường 1 và 2 có mối tương quan rất chặt với nhau và cũng rất chặt với diễn biến của lãi suất điều hành của NHTƯ. Khi muốn điều tiết cung và cầu tiền trong nền kinh tế, NHTƯ chỉ cần điều chỉnh lãi suất chính sách. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, gần như không có khái niệm về lãi suất chính sách một cách thực chất. Các loại lãi suất như tái cấp vốn (refinancing rate), tái chiết khấu (discount rate) hay lãi suất trên OMO đều không thể phát huy được vai trò là lãi suất chính sách của NHTƯ.

Thực tế trong quá khứ, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thay đổi một trong các loại lãi suất trên thì gần như thị trường chỉ bị tác động tâm lý trong một khoảng thời gian ngắn nhất định. Cụ thể, vào ngày 10-7-2017, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu 0,25%, trong khi lãi suất thị trường 2 có xu hướng giảm thì lãi suất thị trường 1 lại có xu hướng tăng lên.

Kiếm lợi từ sự chênh lệch khác biệt

Với diễn biến hiện tại của thị trường tiền tệ, để tìm kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch này thì về lý thuyết, các ngân hàng trong nước có thể sẽ có các động thái như sau:

Thứ nhất, sẽ vay vốn trên thị trường liên ngân hàng rồi thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp để gửi tiền vào các ngân hàng khác. Nếu như trước đây nhiều ngân hàng đã thực hiện nghiệp vụ này thì hiện nay, câu trả lời có lẽ là không, vì hàng loạt tổ chức cũng như cá nhân đã bị xử lý hình sự trong giai đoạn vừa qua vì nghiệp vụ này.

Thứ hai, các ngân hàng sẽ vay vốn trên thị trường 2 để cho vay lại trên thị trường 1. Nếu công tác quản trị rủi ro tốt thì các ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện chiến lược này để tối ưu hóa chi phí huy động vốn của mình. Tuy nhiên, rủi ro về thanh khoản sẽ khiến cho không nhiều ngân hàng dám thực hiện chiến lược này.

Quan sát về số liệu của các ngân hàng thì có thể dễ dàng nhận thấy VPBank, TPBank hay VIBank là những ngân hàng đang chủ động vay vốn trên thị trường 2 để tài trợ cho các nhu cầu của thị trường 1, vì khi chỉ tính hệ số LDR bằng cách lấy dư nợ cho vay trên thị trường 1 chia cho huy động trên thị trường 1 thì kết quả đều lớn hơn 100%.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng trung gian như các công ty tài chính, công ty chứng khoán hay các doanh nghiệp có uy tín, có thể vay được nguồn vốn bằng ngoại tệ ở nước ngoài với chi phí thấp chính là những đối tượng đang được hưởng lợi nhiều nhất khi chênh lệch lãi suất giữa hai thị trường 1 và 2 tăng lên. Các công ty tài chính hay chứng khoán với đặc thù là không được huy động nguồn vốn ngắn hạn từ dân cư, do vậy, họ sẽ vay vốn với chi phí thấp từ các ngân hàng để tài trợ cho nhu cầu vốn của khách hàng. Với đặc thù là thời gian vay vốn ngắn, đặc biệt là của các công ty chứng khoán, nên việc quản trị rủi ro về thanh khoản là tương đối dễ dàng. Đây là cơ sở phần nào giải thích cho kết quả kinh doanh rất ấn tượng của các công ty chứng khoán trong thời gian vừa qua cũng như dự báo cho cả thời gian tới.

Còn đối với các doanh nghiệp lớn, khi họ có được nguồn vốn bằng ngoại tệ thì có thể thực hiện việc bán ngoại tệ cho các ngân hàng lấy tiền đồng để gửi vào các ngân hàng nhằm tìm kiếm chênh lệch về lãi suất. Trong bối cảnh điểm hoán đổi ngoại tệ (swap point) duy trì ở mức âm trong một thời gian dài vừa qua thì gần như các doanh nghiệp sẽ không phải đối mặt với rủi ro tỷ giá.

Hoàng Ngọc Khanh

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Các tin tức khác

>   Sacombank chấp thuận thanh toán bằng QR (14/10/2017)

>   Đề xuất bổ sung một số quyền cho DATC (15/10/2017)

>   VPBank hỗ trợ 1 triệu USD cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam (13/10/2017)

>   Ngân hàng giữ nguyên tỷ giá (13/10/2017)

>   Sửa đổi, bổ sung quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai (13/10/2017)

>   Công cuộc “lột xác” Sacombank dưới bàn tay Chủ tịch Dương Công Minh (12/10/2017)

>   Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm giá mua USD (12/10/2017)

>   Dự trữ ngoại hối Việt Nam lập kỷ lục mới (12/10/2017)

>   Chính thức ban hành quy định về phương pháp tính lãi tiền gửi của tổ chức tín dụng (12/10/2017)

>   Eximbank phản hồi khoản nợ xấu bị thanh tra (11/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật