Thứ Tư, 18/10/2017 15:12

Anatoly Motylev - “Phu đào huyệt” chôn ngân hàng Nga

Đầu tháng 10/2017, Cơ quan điều tra Liên bang Nga công bố kết quả điều tra việc Anatoly Motylev, chủ một trong các ngân hàng lớn của Nga, và đồng bọn dùng thủ đoạn chiếm đoạt 700 triệu rub của người gửi tiền vào năm 2014-2015. Giới ngân hàng Nga đặt biệt danh cho Motylev là “phu đào huyệt” chôn ngân hàng vì trong 25 năm kinh doanh tài chính hắn đã lập kỷ lục “chôn” cả 5 ngân hàng và 7 quỹ hưu trí do chính hắn gầy dựng.

Anatoly Motylev

Tháng 3/2014, đồng bọn của Motylev là Olga Ivanova đến Ngân hàng Rossiyskiy Kredit do hắn làm chủ tịch để mở 3 tài khoản đứng tên các Công ty Alicante, LigalVersiya and Media Rezerv. Các công ty này do Ivanova lập ra, là những công ty ma, không có bất kỳ hoạt động kinh doanh, tài chính nào.

Tiếp theo, Stanislav Markeev, Tổng Giám đốc của Công ty môi giới chứng khoán Brokerage and Depository Services được Motylev huy động vào cuộc. Brokerage and Depository Services gửi hồ sơ xin vay với thời hạn 12 tháng đến Ngân hàng M Bank, giấy tờ ghi rõ khoản vay sẽ được sử dụng để kinh doanh chứng khoán có độ thanh khoản cao. Vì M Bank nằm trong tầm kiểm soát của Motylev từ tháng 9/2013 nên khoản vay đã được phê duyệt và khoản tiền 700 triệu rub (tương đương 12 triệu USD) được chuyển ngay vào tài khoản của Brokerage and Depository Services.

Motylev vẫn chưa thể dùng số tiền này vì cần có sự đồng thuận từ ban quản trị Brokerage and Depository Services. Tuy nhiên, Stanislav Markeev đã xoay sở để chuyển 700 triệu rub sang cho Univer Capital LLC. Ngày 20/3 Univer “bắn” số tiền này vào tài khoản của Anekt với lý do mua cổ phần công ty này. Tiếp theo, để hoàn tất kế hoạch của Motylev, công ty Anekt trả cho LigalVersiya 696 triệu rub tiền mua các trái phiếu do Alikante phát hành mà LigalVersiya đang nắm giữ. Tiền chạy theo con đường ngoằn ngoèo này chỉ trong vòng 2 ngày.

Vì Alikante là công ty trên giấy, không có tài sản hay hoạt động sản xuất kinh doanh, không có phát sinh tài chính nên các trái phiếu do Công ty này phát hành (với tên người ký đồng thời là “Giám đốc” của Media Rezerv) chỉ là mớ giấy lộn bất hợp pháp. Các nhà điều tra cho biết số tiền 696 triệu rub trong tài khoản của LigalVersiya tại Rossiyskiy Kredit đã được Motylev sử dụng vào các quyền lợi của hắn.

Ban đầu, Brokerage and Depository Services thanh toán khoản nợ đều đặn, sau đó, hợp đồng vay được kéo dài thời hạn với lãi suất lên 17%/năm. Từ mùa hè năm 2015, trách nhiệm này được chuyển giao qua cho LigalVersiya. Quyết định cho phép chuyển nợ được chính Motylev, với tư cách là luật sư cho Chủ tịch M Bank Victoria Falko, dàn xếp. Bà Fialko hoàn toàn không ngờ rằng Ngân hàng của bà đã bị Motylev “rút ruột”.

Sự việc bị phát giác và Ngân hàng Trung ương Nga đã rút giấy phép hoạt động của M Bank và Rossiyskiy Kredit vào tháng 6/2015. Theo số liệu của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Nga (DIA), lúc đó hai ngân hàng này nợ khách hàng lần lượt 38 tỷ và 126 tỷ rub (tương đương 655.8 triệu USD và 2.1 tỷ USD)

Motylev, Ivanova và Markeev bị truy tố. Hai người sau đã bị bắt giam nhưng Motylev đã rời nước Nga sang Anh. Motylev có tên trong danh sách truy nã của Nga, tài sản của hắn ở Nga đã bị phong tỏa để bù đắp thiệt hại cho M Bank.

Tuy nhiên theo DIA, trị giá tài sản thu giữ của Motylev thậm chí chưa bằng 1/5 những khoản tiền mà Ngân hàng Trung ương Nga phải trả cho các cá nhân và tổ chức nạn nhân của “đế chế tài chính” của hắn. Đấy là chưa kể từ London, Motylev đang mở cuộc chiến đòi trả lại tài sản và tòa án thành phố Moscow đã phải gỡ bỏ một phần (dù là khá nhỏ) lệnh phong tỏa tài sản.

Trong lịch sử nước Nga hậu Xô viết, Anatoly Motylev là một nhân vật gây nhiều ầm ĩ. Vốn là con trai của cố Giám đốc Bảo hiểm Nhà nước (Gosstrakh) Liên Xô thời kỳ 1973-1986, Anatoly Moltylev cũng là chuyên gia tài chính, có học vị phó tiến sĩ và từng theo gót chân cha trở thành Phó Chủ tịch Bảo hiểm Nhà nước Nga sau khi Liên Xô tan rã. Năm 1992 Motylev lập ngân hàng Globesk và là Chủ tịch Ngân hàng này cho tới 2009. Năm 1996, Motylev từng bị bắt giam vì bị cáo buộc biển thủ tiền gửi của Gosstrakh tại Globesk. Tuy nhiên, vụ này sau đó bị chìm xuồng.

Câu chuyện vỡ nợ của Globesk vào năm 2008 từng được Dmitri Tulin, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga trước năm 2006 kể lại trong một bài báo đăng trong Tạp chí Phân tích Ngân hàng số ra năm 2009. Ông Tulin thú nhận “lương tâm không để yên” cho mình nếu không viết ra những gì ông biết nhưng bất lực. Điều trớ trêu là ông đã lưu ý các đồng nghiệp về các báo cáo tài chính của các ngân hàng Nga, trong đó có Globesk, nhưng không ai quan tâm.

Ông Tulin cho biết sau cuộc khủng hoảng năm 1998, nhiều ngân hàng đã “vẽ thêm” số vào vốn của mình, trong đó Globesk của Motylev giữ vị trí quán quân: Nâng từ 0.3 tỷ rub lên 10.3 tỷ rub. Sự táo tợn này đã đưa Globesk vào danh mục 10 ngân hàng lớn nhất nước Nga. Các khoản cho vay chính của Globesk rơi vào những công ty mà sau này bị phát hiện là đang nằm trong quyền kiểm soát của Motylev. Từ năm 2004, khi Globesk lọt vào danh sách của bảo hiểm tiền gửi Nga thì dòng tiền của công chúng ùn ùn đổ vào đây khiến cái giá mà Nhà nước phải trả cho Globesk khi cuộc khủng hoảng năm 2008 nổ ra cao gấp 4 lần. Ngân hàng Trung ương Nga - ngân hàng thương mại Nhà nước Vnesheconombank - đã chi 80 tỷ rub (tức 1.3 tỷ USD) trả nợ hộ Globesk, Motylev đồng ý chia tay với Globesk với giá tượng trưng 5,000 rub.

Bắt đầu lại từ số không, một năm sau, Anatoly Motylev lập Ngân hàng AMB-Bank, năm 2012 mua Rossiyskiy Kredit và sau đó mua thêm các Ngân hàng Tulskiy Promyshlennik và M Bank. Đó là chưa kể đến 8 quỹ hưu trí tư nhân do Motylev kiếm được giấy phép thành lập với số tiền huy động lên tới 80 tỷ rub, tức 1 tỷ USD. Tuy nhiên, toàn bộ các ngân hàng và quỹ hưu trí của Motylev đều bị rút giấy phép hoạt động vào năm 2015 và theo đánh giá của các chuyên gia, “ông vua ngân hàng” này sẽ để lại một lỗ đen tài chính khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải đau đầu một lần nữa.

Hà Thủy

FiLi

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới giảm nhẹ nhưng vẫn trên ngưỡng 1,300 USD/oz (17/10/2017)

>   Dầu lên sát đỉnh 3 tuần khi căng thẳng tại Trung Đông đe dọa nguồn cung (17/10/2017)

>   Đà tăng của giá dầu không chỉ là nhất thời? (14/10/2017)

>   Vốn hóa của Bitcoin vượt mặt Goldman Sachs và Morgan Stanley trong thoáng chốc (14/10/2017)

>   Phòng ngừa rủi ro giá dầu: Bài học từ Metallgesellschaft AG (14/10/2017)

>   Vọt 2.3%/tuần, vàng thế giới vượt ngưỡng 1,300 USD/oz (14/10/2017)

>   Dầu chứng kiến tuần tăng mạnh nhất trong 1 tháng với hơn 4% (14/10/2017)

>   Thị trường dầu toàn cầu sẽ cân bằng vào năm 2018 dù sản lượng tăng (13/10/2017)

>   Vàng thế giới vọt lên cao nhất trong hơn 2 tuần (13/10/2017)

>   Dầu giảm gần 1.5% sau báo cáo từ IEA (13/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật