VN-Index dễ dàng chinh phục mốc 800, nhưng sau đó thì sao?
Phiên giao dịch ngày 08/09, chỉ số đã chính thức chinh phục được con số 800 – mức điểm cao nhất trong gần 10 năm. Câu hỏi đặt ra là chỉ số có đủ lực trụ tại đỉnh núi này?
Chia sẻ với người viết về việc chỉ số vượt và giữ được mốc 800, ông Nguyễn Thế Minh – Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết, tình hình hiện tại phụ thuộc khá nhiều vào những câu chuyện của cổ phiếu có vốn hóa lớn. VNM và SAB được hỗ trợ bởi tiến trình thoái vốn Nhà nước ngày càng gần, xoay quanh MSN là những động thái tích cực từ việc tăng cường rót vốn vào công ty con và tiềm năng tăng trưởng của Masan Consumer trong 6 tháng cuối năm 2017 hay VIC hưởng lợi từ kế hoạch IPO Vincom Retail để huy động vốn.
Song song đó là kỳ vọng sức khỏe nội tại của những “chiến binh” bất động sản sẽ tốt hơn trong quý 3 và quý 4 từ việc ghi nhận doanh thu của hai quý trước và khả năng dẫn dắt của nhóm ngân hàng vẫn được đánh giá cao nhờ những thông tin chính sách vĩ mô hỗ trợ.
Như vậy, với những tiềm lực hiện đang có ở một số nhóm cổ phiếu thì VN-Index giữ được mốc 800 trong những tháng cuối năm là chuyện trong tầm tay, ông Minh nói thêm.
Sẽ điều chỉnh nhẹ nhưng không sâu
Cũng đồng quan điểm lực tăng của thị trường hiện tại đến từ những vốn hóa lớn, ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc chi nhánh Hồ Chí Minh CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS) khẳng định 800 chưa phải là mốc để chỉ số chững lại mà chỉ là mốc tạm thời, để khi vượt qua được sẽ tạo động lực cho chỉ số tiến xa hơn.
Song song đó, ông cũng đánh giá khả năng điều chỉnh của chỉ số trong ngắn hạn vẫn tồn tại. Cụ thể, rủi ro trước mắt là dù một số trụ cột lớn có thể chống đỡ cho lực tăng của thị trường nhưng những cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm lại chưa thể hòa cùng nhịp tăng. Sự việc này xuất phát từ tâm lý e ngại của nhà đầu tư dẫn đến hành động đứng ngoài, quan sát thị trường trước nhiều diễn biến bất ổn của chỉ số trong thời gian gần đây. Minh chứng là thanh khoản của thị trường phiên ngày 08/09 ở mức thấp, chỉ khoảng 3,000 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Yếu tố thứ hai có thể tác động tiêu cực lên chỉ số là thời gian. Thời điểm này vừa trùng với sự việc đảo danh mục của hai quỹ ETF và tháng Ngâu. Theo lịch sử giao dịch cho thấy khoảng thời gian trước đợt tái cấu trúc danh mục thường không tạo nên làn sóng tích cực, đồng thời tư duy của một số nhà đầu tư cho rằng tháng Bảy âm lịch thị trường thường giao dịch kém sôi động và cũng vì các doanh nghiệp không có nhiều thông tin kết quả kinh doanh bổ trợ.
Nhưng nhịp điều chỉnh này sẽ không sâu!
Rủi ro vẫn còn nhưng khi đạt được mốc 800, chỉ số đã chứng minh được xu thế trong trung và dài hạn là sẽ đi lên, đồng thời lực tăng của những cổ phiếu có tác động đến VN-Index vẫn còn nhiều. Nhịp điều chỉnh nếu có diễn ra thì chỉ trong khoảng 5-7 phiên, vì lúc đó việc tái cấu trúc của hai quỹ ETF đã hoàn tất và tháng Bảy âm lịch cũng dần khép lại.
Chính vì vậy, câu chuyện vượt mốc 800 được đánh giá xác suất khá cao vì chỉ số hoàn toàn có khả năng. Ngưỡng thử thách mà ông Điệp quan tâm trong thời gian sắp tới là 815, khả năng khi càng tiến gần đến mốc này thị trường mới xuất hiện những nhịp điều chỉnh rõ nét và nhiều khó khăn hơn để chỉ số có thể chinh phục./.
|