Vì sao VIB hủy toàn bộ phương án tăng vốn?
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) vừa có những thay đổi đáng chú ý về kế hoạch tăng vốn điều lệ, cùng quyết định gia tăng sở hữu cổ phiếu của chính mình.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB.
|
* Sau Techcombank, đến lượt VIB xin ý kiến hủy tăng vốn và mua lại cổ phiếu quỹ 2017
Tại đại hội đồng cổ đông 2017, VIB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 7.902 tỷ đồng, bao gồm 3,5% bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu, 36,1% bằng cổ phiếu thưởng từ thặng dư vốn và các quỹ, 0,4% bằng cổ phiếu ESOP từ nguồn lợi nhuận sau thuế.
Tuy nhiên, Hội đồng Quản trị VIB lại vừa có quyết định trình đại hội đồng cổ đông phê duyệt hủy phương án tăng vốn điều lệ nói trên và mua lại cổ phiếu quỹ tối đa 10,1%.
Hiện vốn điều lệ của ngân hàng này ở mức 5.644 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng tín dụng 25% liên tục trong 3 năm. Do đó, nhu cầu về vốn cấp 1 và cấp 2 để đảm bảo chỉ số CAR là điều cần thiết cho giai đoạn sắp tới.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB, đưa ra những lý giải rõ hơn về những thay đổi trên.
Thưa ông, việc hủy phương án tăng vốn điều lệ cùng diễn biến hệ số CAR giảm nhanh sau ba năm qua, VIB sẽ cân đối lại như thế nào?
Chúng tôi sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua việc huỷ toàn bộ phương án tăng vốn điều lệ năm 2017, nhưng đồng thời sẽ có giải pháp để đảm bảo CAR đáp ứng cho giai đoạn tăng trưởng mới.
VIB đã có kế hoạch từ đầu năm cho việc tăng vốn cấp 2 của ngân hàng, từ các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường. Hiện VIB còn nhiều “room” về vốn cấp 2 mà chưa sử dụng đến cho việc đảm bảo chỉ số CAR mà chưa cần tăng vốn cấp 1.
Ngoài ra, với các hệ số an toàn ở mức tốt như hiện nay, chúng tôi dự kiến trình đại hội đồng cổ đông phê duyệt việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 để bổ sung vốn cấp 1 trong năm 2018, và sẽ cân nhắc gọi thêm vốn mới từ các cổ đông và các nhà đầu tư vào năm 2019 hay một thời điểm mà nhu cầu tăng trưởng quy mô kinh doanh đòi hỏi.
Tại sao VIB lại quyết định mua cổ phiếu quỹ vào thời điểm này, khi mà việc mua đó sẽ dẫn tới giảm vốn chủ sở hữu?
Chúng tôi cho rằng tiềm năng của ngành ngân hàng và của VIB còn rất lớn. Giá cổ phiếu hiện giờ của VIB mới phản ánh giá trị ngắn hạn chứ chưa phản ánh hết giá trị tiềm năng lâu dài của ngân hàng.
Việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm tạm thời số dư vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn, nhưng ngân hàng sẽ sở hữu một tài sản mà chúng tôi cho là rất có giá trị tiềm năng, đấy là cổ phiếu của chính ngân hàng mình. Tài sản này sẽ lại được chuyển đổi lại thành vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP, và/hoặc thành vốn chủ sở hữu bằng tiền mặt khi chúng tôi bán lại các cổ phiếu quỹ này cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Thời điểm cho việc chuyển đổi này sẽ được đề xuất ra quyết định của các cấp có thẩm quyền vào một thời điểm phù hợp trong tương lai. Kế hoạch mua cổ phiếu quỹ đó có liên quan đến việc cổ đông chiến lược thoái vốn và VIB nhận chuyển nhượng không?
Cả VIB và đối tác chiến lược nước ngoài là CBA đều không có ý định này. Thậm chí mới đây chúng tôi đã ký mới một thoả thuận hợp tác trao đổi năng lực trị giá nhiều triệu USD trong thời gian ba năm với kế hoạch tiếp tục hợp tác trong nhiều năm tới.
Chúng tôi sẽ mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ từ các đối tượng mà luật pháp cho phép, và phù hợp nhất với lợi ích của VIB.
Ông có thể cho biết dự kiến giá mua cổ phiếu quỹ sẽ là bao nhiêu, sẽ tương đương hay cao hơn hoặc thấp hơn so với giá cổ phiếu VIB trên thị trường hiện nay?
Việc mua cổ phiếu quỹ sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có các quy định về biên độ giá được phép.
Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chúng tôi sẽ tiến hành mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh trên thị trường hoặc giao dịch thoả thuận với mức giá tham chiếu của thị trường vào thời điểm giao dịch cộng trừ biên độ được phép giao dịch theo quy định của pháp luật.
http://vneconomy.vn/tai-chinh/vi-sao-vib-huy-toan-bo-phuong-an-tang-von-2017090502139121.htm
|