Soi độ chênh lợi nhuận nhà băng Việt sau soát xét 6 tháng
Sau soát xét, lợi nhuận nửa đầu năm 2017 của một số nhà băng xuất hiện những độ chênh so với báo cáo tài chính tự lập trước đó.
* Ngân hàng lãi lớn nửa đầu năm
* Làn gió mới cho cổ phiếu ngân hàng
Điểm lại danh sách hơn 30 ngân hàng đang hoạt động trên thị trường, hiện mới có khoảng 2/3 trong số này đã công bố BTCT giữa niên độ năm 2017 được soát xét. Nhìn chung, chênh lệch số liệu tài chính trước và sau soát xét trong lĩnh vực ngân hàng không nhiều. Số nhỏ những nhà băng có “độ chênh” lợi nhuận chủ yếu bởi điều chỉnh các khoản mục về chi phí hay thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như SCB, BIDV (BID), Sacombank (STB) và TPBank.
So với tự lập, BCTC giữa niên độ hợp nhất 2017 đã được soát xét của SCB điều chỉnh lại hầu hết các chỉ tiêu, nhất là trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, độ chênh của các chỉ tiêu không đáng kể. Riêng khoản thuế TNDN được điều chỉnh tăng lên gấp đôi từ 10 tỷ đồng lên hơn 20 tỷ đồng là tác nhân chính kéo lợi nhuận sau thuế hợp nhất của SCB giảm 13 tỷ đồng, từ 91 tỷ đồng trước soát xét xuống chỉ còn hơn 77 tỷ đồng sau soát xét. Trong khi đó, con số này trong 6 tháng đầu năm 2016 lại được điều chỉnh tăng từ 94 tỷ lên 104.4 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận sau thuế của SCB thay vì chỉ giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ như báo cáo tự lập ban đầu, thì sau kiểm toán đã giảm tới 26%.
Sacombank cũng là ngân hàng điều chỉnh khá nhiều khoản mục trên bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sau soát xét. Nhưng khác với SCB, sau khi thay đổi một số khoản mục theo đề án tái cơ cấu, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Ngân hàng lại tăng thêm 42 tỷ, ghi nhận 464 tỷ đồng. Đáng chú ý, Sacombank còn được điều chỉnh giảm 46 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp do đã nộp trong năm 2016.
Cũng liên quan đến thuế, TPBank bị điều chỉnh tăng mạnh từ 5 tỷ đồng thuế TNDN tạm tính theo BCTC tự lập lên 97 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế giảm gần 92 tỷ đồng, từ 478 tỷ xuống 386 tỷ đồng.
Với “ông lớn” BIDV, khoản thu nhập từ góp vốn mua cổ phần theo báo cáo tự lập là lỗ 11.5 tỷ đồng, nhưng sau soát xét ghi nhận gần 112 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được điều chỉnh tăng 124 tỷ đồng (từ 6,207 tỷ lên 6,331 tỷ đồng) khiến lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nhỉnh thêm 15 tỷ, ghi nhận 2,826 tỷ đồng.
Gần đây nhất, theo công bố của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tình hình lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) khả quan. Lợi nhuận sau thuế tính đến tháng 7/2017 đạt 41 ngàn tỷ đồng, tăng 59.7% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh do tín dụng tăng trưởng cao; tỷ lệ thu nhập lãi cận biên tăng lên 2.9% (cùng kỳ là 2.7%).
|
|