Trầy trật thu giữ tài sản nợ xấu
Nếu không có sự hợp tác của con nợ, các ngân hàng thương mại vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu giữ tài sản thế chấp dù Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã có hiệu lực.
* Sôi động ‘chợ’ mua bán nợ xấu
"Chúng tôi đã thỏa thuận xong nhưng phút chót, chủ tài sản yêu cầu tăng số tiền hỗ trợ lên nhiều lần. Ngân hàng (NH) không đồng ý. Thế là việc thu giữ tài sản nợ xấu vẫn không thực hiện được" - một cán bộ xử lý nợ xấu của NH TMCP Sài Gòn (SCB) bức xúc.
Chủ tài sản "trở chứng"
Theo SCB, giữa tháng 8-2017, NH đã đề nghị gia đình bà N.T.T.T (chủ tài sản) tự nguyện bàn giao tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu của Công ty Thủy An Mộc. Tuy nhiên, sau khi hết hạn định, chủ tài sản không bàn giao, buộc SCB tiếp tục thông báo thu giữ tài sản thế chấp là 2 căn nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM để giải quyết hơn 44 tỉ đồng mà Công ty Thủy An Mộc còn nợ NH này. Trong đó, nợ gốc trên 13 tỉ đồng, lãi suất trong thời hạn vay 19 tỉ đồng, lãi suất quá hạn gần 9 tỉ đồng, phạt chậm trả lãi 2,7 tỉ đồng.
Tuy SCB thông báo thu giữ 2 tài sản trên vào ngày 15-9 nhưng một cán bộ xử lý nợ của NH này cho biết chủ tài sản (bà N.T.T.T) đã qua đời trước đó. Vì thế, chuyện thỏa thuận với NH về việc thu giữ và bán 2 căn nhà này phải do 5 người thừa kế tài sản quyết định. Họ đã thống nhất bàn giao, đồng ý cho NH bán nhà và nhận 150 triệu đồng hỗ trợ từ SCB. Tuy nhiên, sau đó, 1 trong 5 người có quyền thừa kế bất ngờ yêu cầu SCB hỗ trợ 500 triệu đồng khiến đến nay, việc thu giữ tài sản chưa thể tiến hành.
Theo ông Võ Hoàng Tấn Văn, Tổng Giám đốc SCB, dù rằng Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu trao cho NH quyền thu giữ tài sản nhưng trên thực tế, khi giá trị tài sản thấp hơn giá trị khoản vay, con nợ mới chấp nhận bàn giao tài sản cho NH kèm theo các điều kiện miễn giảm lãi suất, lãi phạt quá hạn… Khi đó, NH sẽ linh hoạt giải quyết theo hướng nợ gốc cộng với lãi suất huy động trong thời hạn vay để con nợ đồng ý bàn giao, ký giấy bán tài sản. Như thế, NH sẽ chủ động hơn trong tiến trình xử lý nợ xấu. "Còn trường hợp con nợ đã có văn bản tự nguyện bàn giao tài sản nhưng sau đó "trở chứng", nếu NH có tiến hành thu giữ cũng không dám cưỡng chế mà chỉ lập biên bản ghi nhận sự việc" - ông Văn nêu thực tế.
Quyền chỉ mang tính hình thức
Phó tổng giám đốc xử lý nợ của một NH ở TPHCM cho rằng quyền thu giữ tài sản của NH không có nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ, khi con nợ đồng ý giao cho NH bán tài sản, tức là hai bên đã thống nhất cách thức xử lý nợ. NH đã thực sự thu giữ tài sản nhưng có thể đồng ý cho họ sử dụng cho đến lúc bán tài sản. Trường hợp con nợ tự nguyện bàn giao tài sản nhưng nếu tài sản đó là căn hộ, dự án hình thành tương lai… hoặc bất động sản mà họ đang cho thuê, chưa thống nhất với chủ nợ về giá bán tài sản thì dù NH có thu giữ cũng chỉ là hình thức.
Ông Võ Văn Châu, Tổng Giám đốc NH TMCP Kiên Long (Kienlongbank), thừa nhận các NH luôn mong muốn con nợ hợp tác xử lý tài sản thế chấp. Nếu hợp đồng thế chấp tài sản hoặc khách hàng có văn bản tự nguyện bàn giao thì việc NH thông báo thu giữ tài sản chỉ với mục đích nhắc nhở nghĩa vụ trả nợ của họ.
Ông Châu phân tích: Mỗi khách hàng dính nợ xấu đều có nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau. Do đó, các NH phải phân loại từng đối tượng để linh hoạt thỏa thuận sao cho hợp lý. Thậm chí, NH có thể chấp nhận thu hồi nợ ngang bằng hoặc dưới giá vốn, hỗ trợ về nhà ở để con nợ thống nhất giá cả, bàn giao tài sản, tạo điều kiện cho NH tổ chức bán đấu giá sớm thu hồi nợ.
Do không ít tài sản thế chấp là bất động sản có giá trị cao hơn nhiều lần số nợ, người "dính" nợ xấu chủ yếu là do người khác nợ họ nên NH và con nợ rất khó thỏa thuận xử lý. Về trường hợp này, theo ông Châu, NH và con nợ nên "chốt" lại vốn gốc và lãi rồi thống nhất giá mua - bán bất động sản theo kỳ hạn. Theo đó, NH sẽ mua tài sản của con nợ và trong vòng 3 năm sẽ bán lại, đồng thời con nợ được sử dụng tài sản đó nhưng phải chi trả cho NH một mức phí nhất định.
"Như thế, trong thời gian này, con nợ không phải bận tâm về lãi suất, thu hồi số tiền mà người khác nợ mình, tập trung làm ăn, tích lũy vốn liếng để mua lại tài sản của chính mình" - ông Châu giải thích.
Đề cập các vướng mắc pháp lý khi xử lý nợ xấu thông qua tòa án, lãnh đạo nhiều NH thương mại đúc kết: Sau khi tòa án đã có phán quyết xử lý tài sản thế chấp để NH thu hồi nợ, cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá thì tòa thường nhận được đơn khiếu kiện của bên thứ 3 tranh chấp về tài sản này. Khi đó, theo quy định, cơ quan thi hành án phải dừng việc bán tài sản, chờ quyết định xét xử của tòa án về vụ kiện tranh chấp tài sản. Từ đó, việc xử lý tài sản thế chấp kéo dài trong nhiều năm.
"Để rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu, nhà nước cần áp dụng biện pháp khẩn cấp khi bên thứ ba tranh chấp tài sản thế chấp, bởi phần lớn các vụ tranh chấp này là thủ thuật chây ì của con nợ. Theo đó, bên tranh chấp phải ký quỹ một số tiền nhất định để bồi thường thiệt hại cho NH nếu việc tranh chấp không trung thực nhằm hạn chế con nợ nhờ người thân khởi kiện tài sản thế chấp, giảm gánh nặng cho các cơ quan thực thi pháp luật" - trưởng ban pháp chế của một NH tại TPHCM đề xuất.
Rút gọn thủ tục pháp lý
Chính phủ vừa giao NH Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là rút gọn thủ tục pháp lý thông qua tòa án.
Mặt khác, NH Nhà nước cũng chọn 6 NH thương mại (ACB, Sacombank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank) tiên phong triển khai Nghị quyết 42 nhằm đúc kết các vướng mắc, kinh nghiệm để đề xuất các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản hướng dẫn xử lý nợ xấu.
|
http://nld.com.vn/kinh-te/tray-trat-thu-giu-tai-san-no-xau-20170924215217153.htm
|