Thị trường con bò thời Barack Obama-Donald Trump đã bứt phá 268%
Thị trường con bò trên Phố Wall từ thời của cựu Tổng thống Barack Obama cho đến nay hiện đang là thị trường mạnh thứ 2 trong lịch sử, CNNMoney cho hay.
S&P 500 vọt 268% kể từ khi chạm đáy trong tháng 3/2009 trong vì cuộc Đại Suy thoái.
Đà bứt phá trên đã làm lu mờ cả đà tăng trong giai đoạn 1949-1956, dữ liệu từ Bespoke Investment Group cho thấy.
Cột mốc – được xác lập trong ngày thứ Hai sau khi các chỉ số chính lên mức cao kỷ lục – phản ánh sự hồi phục kinh tế ổn định nhưng chậm chạp ở Mỹ. Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay có thể yếu hơn hy vọng của nhiều người, nhưng cũng đủ để giữ thị trường khỏi tình trạng sụp đổ và quá nhiệt.
Trước tuần này, thị trường con bò hiện nay đã có quyền được xem là chuỗi dài thứ 2 trong lịch sử kéo dài trong hơn 8 năm liền.
“Sức mạnh và độ dài của thị trường con bò phản ánh ‘sự thảm thương của thị trường con gấu’”, Ed Yardeni, Chủ tịch của Công ty tư vấn đầu tư Yardeni Research, cho hay.
S&P 500 đã trượt dốc gần 60% trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009, khi hàng triệu người dân mất công việc và hệ thống tài chính rơi vào vòng nghi vấn.
Phần lớn đà tăng của thị trường con bò hiện nay diễn ra dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Dưới thời của ông Obama, thị trường chứng khoán đã tăng gấp 3 lần.
Tuy nhiên, thị trường con bò lại bắt đầu tăng bứt phá dưới kỷ nguyên của Donald Trump.
Vốn hóa của S&P 500 đã tăng ấn tượng 2 ngàn tỷ USD kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, theo Howard Silverblatt của S&P Dow Jones Indices. Lúc đầu, đà tăng hậu bầu cử trên Phố Wall được thúc đẩy bởi hy vọng về các đợt cắt giảm thuế và nới lỏng quy định, nhưng sau đó là xuất phát từ tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp mạnh hơn ở cả quê nhà lẫn nước ngoài.
Những người đủ dũng cảm để đặt cược vào nước Mỹ trong những ngày đen tối của đợt suy thoái năm 2008 đã được tưởng thưởng xứng đáng. Nếu bạn đầu tư 10,000 USD vào S&P 500 khi chỉ số này chạm đáy trong ngày 09/03/2009, thì khoản đầu tư đó sẽ có giá trị 37,000 USD tại thời điểm này.
Ngay cả khi ông Trump thường khoe mẽ về những mức cao kỷ lục của thị trường chứng khoán, nhưng nhiều người dân Mỹ vẫn chưa cảm thấy sự bùng nổ của thị trường. Chỉ có 54% người dân có đầu tư vào thị trường chứng khoán, thông qua các cổ phiếu riêng lẽ, quỹ tương hỗ hoặc kế hoạch hưu trí như 401(k). Con số trên đã giảm từ mức 65% trước cuộc Đại Suy thoái, điều này có nghĩa là nhiều người đã bỏ lỡ thị trường con bò.
Dĩ nhiên, một số người nghĩ rằng thị trường chứng khoán đã đi quá xa, quá nhanh. Họ lưu ý rằng phần lớn chương trình kinh tế của Donald Trump – đáng chú ý nhất là cắt giảm thuế – vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn. Và Phố Wall cũng tập trung chú ý đến các mối nguy cơ xuất phát từ chương trình nghị sự trên, như nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại.
Tỷ phú Julian Robertson lên tiếng cảnh báo trong tuần này rằng một hiện tượng “bong bóng” đang được thổi phồng bởi lãi suất cực kỳ thấp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương nước ngoài.
Ryan Detrick, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại LPL Financial, không tin vào nhận định “bong bóng” của ông Robertson. “Đơn giản là chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dạng phấn khích hoặc tâm lý quá lạc quan – vốn thường xuất hiện vào lúc thị trường chạm đỉnh”, ông cho biết.
Trong bất kỳ trường hợp nào, thị trường chứng khoán đã vẫn còn cả một chặng đường khá dài trước khi vượt qua thị trường con bò tốt nhất trong lịch sử, sự bứt phá trong giai đoạn 1987-2000. Hãy nhớ rằng sự bùng nổ bắt đầu tại thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh và sau đó là được thúc đẩy nhờ sự đổi mới Internet.
S&P 500 có lẽ phải tăng hơn gấp đôi để vượt qua mức tăng 582.15% trong giai đoạn 1987-2000. Và chỉ số này cần mất thêm gần 4 năm nữa để chạm tới vị thế chuỗi dài nhất trong lịch sử.
“Đó là đòi hỏi quá nhiều – nhưng tôi sẽ không loại trừ trường hợp đó”, ông Yardeni cho biết./.
|