Thứ Tư, 20/09/2017 13:44

Thế giới chuẩn bị rơi vào “bẫy nợ” vì lãi suất thấp?

Một lời cảnh báo mới đã được đưa ra về nguy cơ bị rơi vào chiếc “bẫy nợ” ngày càng tăng nếu lãi suất trên toàn thế giới vẫn giữ nguyên ở mức gần 0%, vì điều này khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp và Chính phủ vay nhiều hơn, The Guardian đưa tin.

 

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), vốn được xem là ngân hàng của các ngân hàng trung ương, đã nhấn mạnh đến khả năng dễ bị tổn thương của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ trước các đợt tăng lãi suất trong bản báo cáo định kỳ quý dài 174 trang của mình. Claudio Borio, Trưởng Bộ phận Tài chính và Kinh tế, đã mô tả điều này như là “một câu hỏi mang tính quyết định đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Ông lưu ý rằng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, tỷ lệ nợ toàn cầu trên GDP đã tiếp tục đi lên, qua đó làm gia tăng các rủi ro cho sự ổn định tài chính.

“Tỷ số khả năng trả nợ hiện chỉ thấp như thế là vì lãi suất đã giảm quá nhiều. Có một sự luẩn quẩn trong tất cả những điều này mà dường như có thể dẫn đến rủi ro xuất hiện một chiếc bẫy nợ: Việc giảm lãi suất xuống những mức thấp bất thường quá lâu, bất chấp sức mạnh của nền kinh tế cơ bản, đang khiến quá trình đưa lãi suất trở về mức bình thường hơn trở nên phức tạp”, ông Borio phát biểu. “Trong bối cảnh này, sự gia tăng về số lượng công ty không thể thanh toán nổi lãi bằng lợi nhuận của họ – hay còn gọi là các công ty ‘zombie’ – không hề cho thấy dấu hiệu tốt”.

Tổ chức có trụ sở ở Basel này từ lâu đã đưa ra những lập luận ủng hộ các ngân hàng trung ương trên thế giới thực hiện nâng dần lãi suất lên các mức bình thường hơn.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) liên tục bày tỏ sự lo ngại về lượng nợ tiêu dùng ngày càng chồng chất. BIS đã xếp hạng Anh là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong vấn đề gánh nặng trả nợ của các hộ gia đình, đặc biệt là nếu lãi suất sẽ được nâng lên nhanh chóng.

Hôm thứ Sáu vừa qua, những lời bình luận từ một thành viên trong Ủy ban ấn định lãi suất của BOE đã gia tăng kỳ vọng rằng chi phí vay có thể tăng sớm nhất là vào tháng 11 này. Gertjan Vlieghe, người được xem là thành viên có thái độ ôn hòa nhất trong Ủy ban này và cho tới nay vẫn rất thận trọng về chuyện nâng lãi suất, đã đưa ra những tranh luận ủng hộ việc nâng lãi suất vào những tháng sắp tới. Nếu mọi chuyện diễn ra đúng như lời nhận định của ông Vlieghe thì đây sẽ là đợt tăng lãi suất đầu tiên của BOE kể từ tháng 07/2007 đến nay.

BIS hiện lo ngại rằng ở những quốc gia có khối lượng lớn nợ vay mua nhà chịu lãi suất thả nổi thì việc nâng chi phí vay sẽ “ăn” vào ngân sách của các hộ gia đình trực tiếp hơn và nhanh hơn – một điều sẽ khiến cho chi tiêu của người tiêu dùng bị tăng trưởng chậm lại.

Ông Borio lưu ý rằng nợ doanh nghiệp ở Mỹ, một trong những quốc gia từng ở trung tâm cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, hiện cao hơn đáng kể so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng, dù nợ của toàn bộ lĩnh vực tư nhân so với GDP đã giảm.

Trong báo cáo trên, Borio cùng các đồng nghiệp của ông là Robert McCauley và Patrick McGuire đã phân tích những gì họ gọi là “khoản nợ thất lạc” – lượng nợ tính bằng đồng USD của các tổ chức phi ngân hàng vay bên ngoài nước Mỹ thông qua những thị trường phái sinh ngoại hối, và không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của các công ty. Lượng nợ này được ước tính đang ở mức khoảng 13-14 ngàn tỷ USD (khoảng 9.57 ngàn tỷ Bảng Anh), vượt xa số nợ 10.7 ngàn tỷ USD (tương ứng 7.87 ngàn tỷ Bảng Anh) được báo cáo trên các bảng cân đối kế toán.

Khoản nợ thất lạc trên hầu hết là nợ ngắn hạn, được bảo đảm bằng ngoại tệ, và thường đóng vai trò là công cụ phòng ngừa những rủi ro ngoại hối dành cho các doanh nghiệp, nhưng vẫn có thể phát sinh hoặc khuếch đại những vấn đề về cung cấp vốn và thanh khoản trong những giai đoạn căng thẳng, các tác giả cảnh báo./.

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới giảm liền 3 phiên trước khi Fed công bố quyết định (20/09/2017)

>   Dầu rút khỏi đỉnh 7 tuần (20/09/2017)

>   Có khi nào cuộc khủng hoảng kế tiếp sẽ bắt đầu từ Thung lũng Silicon? (19/09/2017)

>   Vàng thế giới xuống đáy 3 tuần khi chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới (19/09/2017)

>   Dầu đi ngang sau khi vọt 5% trong tuần trước (19/09/2017)

>   Bitcoin hồi phục gần 1,000 USD sau tuần bán tháo nặng nề (18/09/2017)

>   Đà tăng của Nhân dân tệ tác động thế nào đến kinh tế Trung Quốc? (18/09/2017)

>   EUR/USD - Hình thành xu hướng tăng trưởng (18/09/2017)

>   Đài Loan đã chuyển mình từ sản xuất sang thiết kế như thế nào? (16/09/2017)

>   Vàng thế giới sụt gần 2%/tuần sau khi tăng 3 tuần liên tiếp (16/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật