Thứ Năm, 14/09/2017 16:29

Nỗi lo ngân sách

8 tháng đầu năm nay tiếp tục chứng kiến mức thâm hụt ngân sách 40.4 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên bên cạnh nỗi lo bội chi ngân sách triền miên còn là cơ cấu các khoản thu chi chưa phù hợp cũng như chưa đạt được như kỳ vọng, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, gây lãng phí nguồn lực và áp lực thêm lên chính sách tài khóa cho giai đoạn sắp tới.

Áp lực lên thu nội địa

Tổng thu ngân sách 8 tháng đầu năm nay là 706.9 ngàn tỷ đồng, mới đạt 58.3% dự toán năm, cho thấy áp lực thu ngân sách trong 4 tháng còn lại của năm khá lớn. Đáng chú ý là thu từ dầu thô dù chỉ mang về 28 ngàn tỷ đồng nhưng đã đạt 73% dự toán năm, điều này có lẽ một phần nhờ vào giá dầu đã phục hồi ổn định trong năm nay cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 6 yêu cầu Tập đoàn Dầu khí (PVN) điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017 và phải đạt mục tiêu đề ra để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù chịu áp lực từ việc các dòng thuế nhập khẩu giảm xuống theo các hiệp định tự do thương mại đã ký kết thời gian qua, nhưng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt tiến độ kế hoạch khi 8 tháng thu được 121.1 ngàn tỷ đồng, tương ứng với 67% dự toán năm. Với kim ngạch xuất nhập khẩu đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó nhập khẩu tăng trưởng cao hơn xuất khẩu tương ứng là 22% và 18%, nên cũng đã giúp nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giữ được sự ổn định. 

Trong khi đó, thu nội địa dù đạt 556.4 ngàn tỷ đồng nhưng lại chỉ mới đạt 56% dự toán năm, do đó Chính phủ tất yếu sẽ tăng cường thu trong thời gian còn lại của năm nay cũng như cho giai đoạn sắp tới. Cần biết rằng thu nội địa là khoản mục thu quan trọng trong tổng thu ngân sách Nhà nước và cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong suốt thời gian qua, cụ thể 8 tháng đầu năm nay chiếm đến 79% tổng thu ngân sách. Trong một báo cáo trước đây của Chính phủ cũng đặt ra kế hoạch thu nội địa trong giai đoạn 2016-2020 phải tăng tối thiểu gấp 2 lần, đồng thời nâng dần tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách Nhà nước. 

Thực tế thời gian gần đây Chính phủ cũng đã triển khai hàng loạt giải pháp để gia tăng các nguồn thu thuế, phí trong nước như đánh thuế lên hoạt động kinh doanh trực tuyến qua mạng, tăng học phí, viện phí tại các tỉnh thành, đề xuất điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, thuế VAT, bổ sung các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nghiên cứu và xây dựng Luật thuế tài sản, đề xuất đánh thuế việc sở hữu căn nhà thứ hai, xét xử và truy thu tài sản trong các đại án tham ô, tham nhũng… Trước đó Chính phủ cũng đã tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân đối với các hộ kinh doanh, cá nhân cho thuê tài sản có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm theo Luật Thuế Thu nhập cá nhân có hiệu lực từ đầu năm 2015, tăng cường các biện pháp chống chuyển giá, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, chống hàng giả,…

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trong một môi trường kinh doanh mà chịu quá nhiều các loại thuế phí ở mức cao thì động lực đầu tư kinh doanh, mở rộng hoạt động sản xuất có thể bị suy giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, điều này không những ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn mà về lâu dài có thể ảnh hưởng ngược lại đến nguồn thu của Nhà nước do hoạt động kinh doanh và sức mua tiêu dùng trở nên trì trệ.

Mới đây, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2017, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách; tuy nhiên trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chi thường xuyên ngày càng lấn át chi đầu tư

Tổng chi ngân sách 8 tháng qua là 747.3 ngàn tỷ đồng, cũng chỉ mới đạt 53.7% dự toán năm, tuy nhiên chi thường xuyên đã đạt 548 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lên đến 73% và đạt hơn 61% dự toán năm. Khoản mục chi thường xuyên ngày càng phình to ra đáng kể, nếu như giai đoạn trước đây chỉ chiếm từ 50-60% trong tổng chi ngân sách thì thời gian gần đây tỷ trọng đã tăng lên trên 70%, trong khi khoản mục này lẽ ra cần phải tiết giảm và kiểm soát chặt chẽ hơn.

Chi trả nợ lãi cũng đạt theo tiến độ kế hoạch ở mức 66% so với dự toán năm, với số chi tuyệt đối là 65.6 ngàn tỷ đồng. Về cơ bản chi trả nợ lãi luôn bám sát dự toán do ít có sự biến động trong năm và gần như là khoản mục được dự toán khá sát nhất. Mặc dù hiện nay chỉ chiếm tỷ trọng trong tổng chi ngân sách có 9%, tuy nhiên với thâm hụt ngân sách ngày càng tích lũy cao hơn, nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây thì chi trả nợ lãi sẽ trở thành một áp lực khá lớn lên ngân sách trong những năm sắp tới, đặc biệt là khi Việt Nam không còn đủ điều kiện để nhận các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp như giai đoạn trước đây.

Ngược lại, một khoản mục chi rất quan trọng và cần thiết là chi đầu tư phát triển lại không đạt được như mong đợi, cụ thể 8 tháng đầu năm nay chi đầu tư phát triển chỉ mới đạt 131.1 ngàn tỷ đồng, tương ứng 36.7% so với dự toán năm. Đây là tỷ lệ thuộc loại thấp nhất trong nhiều năm qua. Tiến độ chi đầu tư phát triển thực hiện quá chậm không những ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, việc làm mà còn gây ra lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả huy động vốn trái phiếu Chính phủ.

Thống kê của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho thấy số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng luôn duy trì ở mức cao trong suốt những tháng đầu năm nay. Nếu vào tháng 4 tiền gửi của KBNN là 122 ngàn tỷ đồng, tăng 28.4% so với đầu năm, thì đến cuối tháng 8 con số này tiếp tục tăng lên ở 160 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh đến 68% so với đầu năm, cho thấy nguồn vốn đầu tư công thay vì nhanh chóng giải ngân ra lại chạy vào nằm tại ngân hàng.

Ngược lại, một khoản mục chi rất quan trọng và cần thiết là chi đầu tư phát triển lại không đạt được như mong đợi, cụ thể 8 tháng đầu năm nay chi đầu tư phát triển chỉ mới đạt 131.1 ngàn tỷ đồng, tương ứng 36.7% so với dự toán năm. Đây là tỷ lệ thuộc loại thấp nhất trong nhiều năm qua. Tiến độ chi đầu tư phát triển thực hiện quá chậm không những ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, việc làm mà còn gây ra lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả huy động vốn trái phiếu Chính phủ.

Trong bối cảnh đầu tư trì trệ như trên, Chính phủ đã thực sự sốt ruột và liên tiếp nhắc nhở, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công suốt từ đầu quý 2 đến nay, tuy nhiên kết quả dù có sự cải thiện trong 2 tháng gần đây nhưng dường như vẫn chưa đạt được như mong muốn. Theo tính toán, nếu giải ngân đạt kế hoạch là 357,150 tỷ đồng sẽ kéo theo tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 300 ngàn tỷ đồng và GDP sẽ tăng thêm khoảng 100 ngàn tỷ đồng, góp phần đáng kể trong thực hiện mục tiêu tăng GDP 6.7%.

Gần đây nhất, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhằm phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 thuộc tất cả các nguồn vốn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017./.

Các tin tức khác

>   Tranh luận về đề xuất đánh thuế chuyển nhượng (14/09/2017)

>   Một số hoạt động đối ngoại sẽ có thêm kinh phí  (13/09/2017)

>   Tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường với xăng: Khó thuyết phục (13/09/2017)

>   Đề nghị giảm một loạt phí, có loại giảm trên 80% (13/09/2017)

>   Dừng bán hàng miễn thuế trên máy bay (13/09/2017)

>   Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm hàng loạt loại phí (13/09/2017)

>   Tăng thuế VAT lên 12%, ngân sách giảm chứ không tăng (12/09/2017)

>   Gánh thêm thuế, bia sẽ tăng giá mạnh (12/09/2017)

>   Chính phủ yêu cầu chưa tăng thuế, tiếp tục giảm 0.5% lãi suất cho vay (11/09/2017)

>   Doanh nghiệp muốn có lộ trình dùng hóa đơn điện tử có mã xác thực (10/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật