Chủ Nhật, 03/09/2017 10:19

Những uẩn khúc trong đấu thầu thuốc

Những lỗ hổng tồn đọng trong đấu thầu dược phẩm tạo cơ hội cho nhiều công ty dược lách luật, sai phạm gây tổn thất rất lớn cho người dân.

* VN Pharma và thị trường dược

Câu chuyện tội ác của VN Pharma khiến dư luận vẫn chưa hết dậy sóng. Quanh câu chuyện này, các nhà phân tích đã đưa ra rất nhiều lập luận về nguyên nhân cũng như lắt léo trong quy trình. Và một trong những nguyên nhân cốt lõi cần được nhắc đến chính là nhiều lỗ hổng từ quy trình đấu thầu dược phẩm.

Để hiểu hơn về đấu thầu dược phẩm, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS-TS-dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

“Chúng ta đang đấu giá thuốc”

Phóng viên: Thưa bà, từ câu chuyện của VN Pharma, theo bà nguyên nhân vì đâu công ty này lại dễ dàng trúng thầu và trúng trên diện rộng như vậy?

+ PGS Phạm Khánh Phong Lan: Trong vụ VN Pharma, thời điểm bắt Phạm Minh Hùng vào năm 2014, có hai vấn đề lớn đã được nhiều người đặt ra. Thứ nhất là việc tại sao công ty này lại được cấp phép quá nhanh so với các công ty khác. Thứ hai, vì sao công ty này lại trúng thầu ở nhiều nơi như vậy.

Thực tế, việc trúng thầu dễ dàng của VN Pharma không chỉ diễn ra ở Sở Y tế TP.HCM mà còn ở rất nhiều địa phương khác. Một lý do rất đơn giản để VN Pharma trúng thầu là vì công ty này bỏ giá thấp nhất thì đương nhiên là nó trúng thầu. Vì quy định đấu thầu của chúng ta hiện nay, trong cuộc đua đấu thầu, công ty nào bỏ giá thấp nhất sẽ trúng. Còn những nghi ngờ về việc có tiêu cực hay bất cứ việc gì chưa rõ ràng liên quan đến VN Pharma, mọi người đều phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra, không thể tự suy đoán.

Thưa bà, như bà nói, theo quy định đấu thầu, nhà thầu nào có giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Vậy trong quá trình đấu thầu chúng ta đã xem xét đến chất lượng sản phẩm chưa?

+ Đó cũng chính là vấn đề tôi muốn nói, thời điểm VN Pharma trúng thầu, chúng ta vẫn đang áp dụng hình thức đấu thầu tập trung. Công đoạn của việc đấu thầu diễn ra theo các bước cụ thể bao gồm bệnh viện (BV) hay Sở Y tế có kế hoạch đấu thầu, liệt kê những mặt hàng nào cần mua. Sau đó làm kế hoạch chào thầu đến các nhà thầu. Khi đó công ty nào thấy mình phù hợp các tiêu chí, muốn bán sản phẩm sẽ mua một bộ hồ sơ mời thầu. Thông tin trong hồ sơ trình bày mình đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí gì... Kết quả của tất cả công ty thầu được giữ bí mật đến ngày mở thầu, nhà thầu nào bán sản phẩm với giá thấp nhất sẽ được chọn.

Từ vụ án VN Pharma, nhiều lỗ hổng trong đấu thầu thuốc mới bộc lộ.

Vấn đề cốt lõi là chúng ta đòi hỏi nhà thầu bán sản phẩm với giá rẻ nhất, điều này chính là nguyên nhân khiến chất lượng sản phẩm thầu không được quan tâm. Và là kẽ hở cho một số doanh nghiệp (DN) coi nhẹ chất lượng nhằm trúng thầu bằng mọi giá.

Cụ thể, khi đưa lên bàn cân cùng một loại thuốc nhưng một bên là thuốc nội, còn một bên là ngoại nhập thì giá cả thuốc ngoại lúc nào cũng rẻ hơn. Do đó, để kéo giá xuống nhằm cạnh tranh với các mặt hàng nước ngoài, DN nội bắt tay làm mua nguyên liệu rẻ, giả sản phẩm ngoại, sản xuất thuốc không chất lượng. Do vậy rất khó đạt được một lúc hai mục tiêu của đấu thầu thuốc tập trung là giá rẻ và bảo đảm hiệu quả điều trị.

Với hình thức đấu thầu của chúng ta hiện nay, theo tôi nó là cơ chế đấu thầu giá rẻ, là kiểu “đấu giá” thuốc, xem thuốc nào rẻ thì dùng chứ không phải đấu thầu thuốc đúng bản chất.

Và kết quả cũng đã chứng minh qua vụ việc của VN Pharma, chỉ vì ham thuốc rẻ, chúng ta loay hoay với việc đấu thầu nhưng một hồi cũng quy về đấu giá. Một loại thuốc như H-Capita, giá thực tế là 68.000 đồng nhưng công ty bỏ giá 31.000 đồng, chúng ta đã cho trúng thầu mà không mảy may nghi ngờ chất lượng. Trong khi đây là thuốc của công ty ma, chưa bao giờ hiện diện trên thị trường Việt Nam, chưa được sử dụng và không có dữ liệu gì ngoại trừ mấy tờ giấy trình hội đồng Cục Quản lý dược.

Muốn đấu thầu tốt, thị trường phải lành mạnh

Người dân hiện nay rất nghi ngờ về chất lượng và tính minh bạch trong đấu thầu. Vậy theo bà, trong đấu thầu hiện nay còn tồn tại những vấn đề gì?

+ Bản chất của đấu thầu đều phải công khai. Nhưng theo kiểu đấu thầu hiện nay, chủ thầu là những người nắm hồ sơ bí mật. Do đó việc đấu thầu tồn tại ba vấn đề sau:

Thứ nhất, khi các DN thầu cùng nhau nắm giữ bí mật, họ sẽ cùng nhau bắt tay đẩy giá thầu lên cao. Đồng nghĩa với việc giá các thiết bị, dụng cụ thuốc bị đẩy lên xa với giá thực tế, gây thiệt hại rất lớn cho người dân.

Thứ hai, các công ty sẽ làm mọi cách để sản phẩm của mình lọt được vào danh mục thuốc đề xuất đấu thầu, tạo nên những tiêu cực không đáng có.

Bệnh nhân chờ duyệt thuốc tại BV Ung bướu.

Thứ ba, vấn đề khá quan trọng là việc các công ty, DN bắt tay với nhau để lộ thông tin của chủ thầu nhằm trục lợi. Đơn giản như sản phẩm thuốc A có giá bán là 100 đồng nhưng khi thông tin lộ ra, đối thủ chào bán với giá 99 đồng thì đương nhiên họ trúng thầu và ôm toàn bộ gói thầu về tay mình. Chưa kể các kiểu bôi trơn, có qua có lại, đút lót, quan hệ giữa nhà thầu với cơ sở y tế diễn ra khiến tính minh bạch của đấu thầu không có.

Vậy theo bà, để giải quyết những tiêu cực trên, đấu thầu dược phẩm nói riêng và ngành y nói chung nên làm gì?

+ Để giải quyết những tiêu cực trên, theo tôi chúng ta nên thực hiện các công đoạn đấu thầu bằng công nghệ thông tin, đội ngũ đấu thầu thanh tra phải trong sạch. Xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, tất cả thuốc phải nằm trong phác đồ mới đủ điều kiện dự thầu. Thiết kế hồ sơ thầu cần phải xây dựng giá kế hoạch hợp lý để giá trúng thầu không vượt quá kế hoạch. Do đó, nghệ thuật của người xây dựng hồ sơ mời thầu khéo léo ở chỗ là làm sao hồ sơ đảm bảo yêu cầu về chất lượng và ổn định về giá thành.

Để phần nào ngăn chặn những thuốc kém chất lượng trúng thầu nhờ giá rẻ, quy định đấu thầu thuốc nên yêu cầu phải có hai túi hồ sơ dự thầu. Hội đồng thầu sẽ bóc túi hồ sơ kỹ thuật trước và nếu thuốc đạt tiêu chuẩn mới cho vào vòng sau, tiếp tục bóc túi hồ sơ tài chính. Khi đó, đơn vị nào giá thấp hơn thì chọn. Như vậy, thuốc muốn trúng thầu phải vượt qua hàng rào kỹ thuật trước nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả điều trị.

Nói tóm lại, để đấu thầu có hiệu quả, đòi hỏi thị trường đấu thầu của chúng ta là một thị trường cực kỳ lành mạnh, thuốc phải thật sự có chất lượng và tiêu chí này phải được siết chặt. Bên cạnh đó, người đứng đầu dự án thầu phải công tâm, hướng đến lợi ích người bệnh.

http://plo.vn/thoi-su/nhung-uan-khuc-trong-dau-thau-thuoc-725004.html

Các tin tức khác

>   Lại đề xuất quy định mới về quản lý LPG (02/09/2017)

>   Yêu cầu dứt điểm việc bồi thường cho 4 tỉnh miền Trung (02/09/2017)

>   Chính thức thông xe cầu vượt biển dài nhất Việt Nam (02/09/2017)

>   PVN lên tiếng khi một loạt sếp lớn bị khởi tố (02/09/2017)

>   Bộ Tài chính tăng thêm 1.255 mã hàng xuất nhập khẩu (02/09/2017)

>   Tăng thuế, ô tô cũ đắt hơn ô tô mới  (02/09/2017)

>   Lo ngại chồng chéo trong quản lý nông sản hữu cơ (01/09/2017)

>   Bộ trưởng yêu cầu đẩy tiến độ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất (01/09/2017)

>   Khởi tố 5 nguyên lãnh đạo PVN liên quan đến thiệt hại 800 tỷ vốn góp vào Oceanbank (01/09/2017)

>   Khi các bộ giẫm chân nhau (01/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật