Khi các bộ giẫm chân nhau
Trong phiên giải trình ngày 16-6-2017 tại Quốc hội về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã lên tiếng thuyết phục các đại biểu thống nhất quản lý nợ về một cơ quan, thay vì ba cơ quan là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước.
“Chúng ta thấy bất cập mà chúng ta không sửa là rất dở”, ông Dũng nói sau khi dành nhiều thời gian phân tích những bất cập về mô hình quản lý ODA hiện nay.
Còn tới 18 vấn đề có sự giao thoa, chồng chéo trong quản lý
Phản ứng của Bộ trưởng ở Quốc hội là đặc biệt sau khi đa số thành viên trong Chính phủ đã bỏ phiếu giữ nguyên mô hình ba cơ quan quản lý khi thảo luận dự luật này, và Thủ tướng, cũng như Bộ trưởng Tài chính, thuộc phe thiểu số muốn thay đổi. Tuy nhiên, nỗ lực của ông Dũng đã không thành công. Trong các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước được thông qua những tháng sau đó, cả ba cơ quan này vẫn được giao cùng quản lý ODA.
Tương tự, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cũng thuộc chức năng của cả ba bộ là Công Thương, Y tế và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn đến không sao quy được trách nhiệm rõ ràng ở lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe của hầu hết người dân. Nhiều đại biểu Quốc hội trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội đã thấy sự bất hợp lý này, và đã nhiều lần đề nghị. Tiếc thay, rốt cuộc vấn đề vẫn không được giải quyết.
Ông Lê Viết Thái, một chuyên gia từng làm ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét rằng trong nhiều trường hợp, rất khó phân biệt được chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng. “Đặc biệt là các doanh nghiệp ở hai bộ này, chỉ thay xây dựng bằng giao thông trong tên gọi thì không thể phân biệt được vì chúng trùng lắp hoàn toàn”, ông nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận thực tế này trong một văn bản gửi đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Văn bản viết: “Vấn đề giáp ranh, đan xen, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, ngành là do bản thân những vấn đề quản lý rất phức tạp, nên không đơn giản phân định về mặt hành chính, nhất là trong điều kiện thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả”.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp một lĩnh vực được giao cho từ hai đến ba bộ cùng phụ trách. Có thể kể tên một số lĩnh vực điển hình như quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phát triển du lịch, quản lý ngoại thương, quản lý nợ công, quản lý giao thông đô thị, bảo đảm an toàn thông tin, hỗ trợ phát triển nông thôn, quản lý hoạt động quảng cáo, giáo dục nghề nghiệp...
Theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ không còn chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chưa thành lập được cơ quan chuyên trách đại diện vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp nên một số bộ, cơ quan ngang bộ hiện vẫn được giao thực hiện chức năng này.
|
Theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 5-2017, vẫn còn 18 vấn đề còn có sự giao thoa, chồng chéo trong quản lý hoặc còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành về phân định nhiệm vụ. Những vấn đề này đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa được Chính phủ giải quyết một cách thấu đáo, dứt điểm.
Tái cơ cấu bộ máy hành chính chưa tương thích tái cơ cấu nền kinh tế
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá trong dự thảo báo cáo về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016: “Việc xác định phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách của bộ còn có điểm chưa hợp lý, một số lĩnh vực còn chồng chéo hoặc giao quá nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý nên khó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan”.
Những câu chuyện trên còn có thể kéo dài, nhất là với vấn đề quản lý doanh nghiệp nhà nước. Theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ không còn chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chưa thành lập được cơ quan chuyên trách đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nên một số bộ, cơ quan ngang bộ hiện vẫn được giao thực hiện chức năng này. Chẳng hạn, Nghị định số 12/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải vẫn quy định bộ này thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Chính phủ chưa có cơ chế để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng.
Bản dự thảo báo cáo nói trên nhận xét, từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, việc nghiên cứu để xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ cho nhiệm kỳ sau ít được quan tâm, nghiên cứu có bài bản từ sớm, còn chưa tính đến yêu cầu, đòi hỏi bức thiết và tầm nhìn dài hạn của quá trình đổi mới, cải cách về thể chế kinh tế. Ví dụ như Đề án về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) chỉ được Chính phủ tiến hành trong thời gian rất ngắn trước ngày Quốc hội khóa XIV khai mạc kỳ họp thứ nhất và vẫn giữ nguyên cơ cấu của hai nhiệm kỳ trước; đến nay mới chỉ qua một năm thực hiện đã phát sinh yêu cầu nhập hoặc sắp xếp lại phạm vi quản lý của một số bộ trong khi việc nghiên cứu xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, khóa XI được đặt ra từ rất sớm, nghiên cứu công phu và có nhiều đổi mới.
Sau khi có Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã bổ sung và làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, khi mà mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường và xã hội ngày càng được minh định... Tuy nhiên, như bản dự thảo báo cáo nói trên nhận xét, cơ cấu tổ chức của Chính phủ vẫn chưa thấy có sự đổi mới, thích ứng tương xứng theo hướng tinh gọn hơn, tập trung hơn vào quản lý vĩ mô, hoạch định chính sách, giảm bớt các nội dung mang tính tác nghiệp, quản lý, điều hành trực tiếp và phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa trung ương và địa phương. Điều này cho thấy cải cách hành chính, trong đó đặc biệt là cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chưa tương thích, đồng bộ với những cải cách về kinh tế; tái cơ cấu bộ máy hành chính chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.
Đây là điều không phải Chính phủ không nhận thức được. Tại buổi kiểm tra 11 bộ, ngành đầu tuần này về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ một mặt hàng chocolate mà cần tới 13 loại giấy phép. Mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế. Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải hai bộ kiểm định. Ông nói: “Các bộ không bao giờ đi (kiểm tra) cùng nhau, đợi ông kia về tôi mới đi. Rất nhiều vấn đề thực tế như thế, chúng ta phải xử lý” và nghĩ “Doanh nghiệp làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như vào rừng”.
Vậy mà theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành. Mà đó mới chỉ là kiểm tra chuyên ngành chứ chưa kể đến hàng loạt giấy phép con, điều kiện kinh doanh tồn tại trong nhiều văn bản và các quy hoạch ngành.
http://www.thesaigontimes.vn/164155/Khi-cac-bo-giam-chan-nhau.html
|