Liệu có giảm được lãi suất cho vay khi các ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động?
Phương án nào để tiếp tục giảm 0.5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017 theo yêu cầu của Chính phủ trong khi nhiều ngân hàng thương mại đang có động thái tăng lãi suất huy động và neo ở mức cao?
* Chính phủ yêu cầu chưa tăng thuế, tiếp tục giảm 0.5% lãi suất cho vay
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Chính phủ yêu cầu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% (cao hơn mức mục tiêu đề ra trước đó là 18%).
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng tháng 8/2017 tiếp tục tăng trưởng khoảng 11.5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 10.2%). Như vậy dư địa cho 4 tháng cuối năm tương đối dồi dào, và lịch sử những năm trước cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mạnh nhất trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của đầu ra, ở đầu vào mức tăng trưởng huy động 8 tháng đầu năm đạt 9.1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11.4%). Trong đó tiền gửi khách hàng tăng 8.7%, phát hành giấy tờ có giá tăng 18.6% (riêng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước khoảng 160,000 tỷ đồng, tăng 68%).
Như vậy tốc độ tăng trưởng tín dụng đang cao hơn huy động vốn, cộng thêm mục tiêu đẩy mạnh tín dụng đến cuối năm, nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động cho nhu cầu vốn của mình.
Trong đó, Ngân hàng SHB mới tung chương trình ưu đãi đến cuối năm 2017 khá mạnh tay đối với tiền gửi tiết kiệm. Với khách hàng từ 45 tuổi trở lên gửi tối thiểu từ 20 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng trở lên, sẽ được tặng lãi suất lên đến 0.7%/năm. Còn khách hàng dưới 45 tuổi gửi từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được nhận quà tặng. Bên cạnh đó, các kỳ hạn huy động ngắn hơn từ 3-5 tháng tại SHB hiện đang ở mức trần theo quy định của NHNN là 5.5%.
Còn Ngân hàng Sacombank (STB) áp dụng cho thẻ tiết kiệm kỳ hạn dài hơn là 36 tháng với khoản tiền gửi tối thiểu từ 10 triệu đồng, ưu đãi lãi suất cộng thêm 0.2% so với lãi suất kỳ hạn gốc và thưởng tiền mặt 0.2% tính trên số dư tiền gửi khi khách hàng mở thẻ tiết kiệm. Trong khi đó huy động kỳ hạn 4-5 tháng tại Sacombank cũng ở mức trần 5.5%.
Chương trình “Quà tặng Eximbank 2017” áp dụng cho khách hàng tại Ngân hàng Eximbank (EIB) có kỳ hạn đa dạng hơn với 1, 2, 3, 6 và 12 tháng, ưu đãi tăng từ 0.4-0.8% so với lãi suất tiết kiệm thông thường tại nhà băng này và kèm thêm quà tặng.
Ngân hàng VietABank có chương trình gửi tiền quay số trúng thưởng và gửi tiền tiết kiệm từ 100 triệu đồng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ được nhận quà tặng ngay tại quầy là thẻ ghi nợ nội địa ATM Advance có giá trị từ 50,000 – 350,000 đồng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng tại VietABank cũng ở mức trần 5.5% (trên 100 triệu đồng).
Tại “ông lớn” Ngân hàng BIDV (BID), với mức gửi tối thiểu 60 triệu đồng ở kỳ hạn 1 tháng trở lên, khách hàng sẽ sở hữu 1 thăm mã số dự thưởng để có cơ hội nhận ngay tiền mặt trị giá từ 20,000 – 1,200,000 đồng và quay số nhận quà tặng.
Trước đó vào cuối tháng 8/2017, Ngân hàng VPBank vừa tăng 0.1-0.2% lãi suất tiết kiệm (các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống) lên mức 4.9-6.1%. DongABank tăng lãi suất 0.2-0.6% kỳ hạn 1-7 tháng cũng áp dụng từ gần cuối tháng 8/2017, trong đó các kỳ hạn 1-5 tháng đều ở mức trần 5.5%.
Một số nhà băng khác vẫn duy trì biểu lãi suất huy động ở mức trần 5.5% (kỳ hạn dưới 6 tháng) như HDBank kỳ hạn 1-5 tháng; Saigonbank, GPBank, OceanBank kỳ hạn 3-5 tháng. Các ngân hàng là NCB, Vietbank, SCB kỳ hạn 3-5 tháng cũng ở mức trần 5.5%, còn các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đều trên 7%.
Cũng tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2017, Chính phủ yêu cầu phấn đấu tiếp tục giảm 0.5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017. Tuy nhiên nhiều ngân hàng thương mại đang có động thái tăng lãi suất huy động và neo ở mức cao, có phương án nào để giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm?
|