Khởi tố 4 lãnh đạo liên quan đến dự án 34.000 tỷ, Petro Vietnam nói gì?
Mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), hôm 25/9, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).
* Vụ Trịnh Xuân Thanh: Khởi tố, bắt giam Kế toán trưởng PVN
Cơ quan An ninh điều tra cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét đối với ông Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; ông Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; ông Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC.
Theo Cơ quan An ninh điều tra, các bị can bị khởi tố về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 165 Bộ Luật hình sự.
Liên quan đến việc bắt giữ loạt lãnh đạo trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã phát đi thông tin về việc khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan điều tra (Bộ Công an) trong việc khởi tố, điều tra một số cán bộ, nguyên cán bộ thuộc tập đoàn này liên quan đến hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2 do PVC làm tổng thầu.
Petro Vietnam cho biết đã triển khai thủ tục tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Đình Mậu và một cá nhân đương chức liên quan.
Cũng theo Petro Vietnam, tập đoàn này sẽ bố trí cán bộ thay thế nhằm đảm bảo duy trì hoạt động.
Ông Lê Đình Mậu được cho là người có liên quan trực tiếp tới những sai phạm làm thất thoát tài sản Nhà nước tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2.
Liên quan đến vụ việc này, trước đó, Cơ quan An ninh điều tra cũng đã bắt giữ ông Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc PVC - cùng một số cá nhân khác tại PVC để làm rõ sai phạm.
Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), mỗi năm dự kiến sản xuất được 6,739 tỷ kWh điện thương phẩm.
Tháng 3/2016, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước, trong đó có đề cập đến một số sai phạm liên quan đến dự án nhiệt điện Thái Bình 2.
"Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có hợp đồng EPC nhà máy chính quy định cấp chứng chỉ hoàn thành tạm thời tổ máy số 1 vào tháng 1/2015, tổ máy số 2 vào tháng 7/2015, nhưng đến tháng 8/2015 vẫn chưa có tổ máy nào hoàn thành. Đến nay, dự án đã được điều chỉnh tiến độ. Theo đó, các tổ máy vào vận hành trong tháng 9/2017 và tháng 3/2018”, báo cáo nêu.
Kiểm toán cũng cho biết, phiếu kết quả thí nghiệm vật liệu, thí nghiệm kiểm tra cường độ không có tên cán bộ giám sát là “không tuân thủ quy định”.
Bên cạnh đó, nhật ký thi công, hồ sơ nghiệm thu chất lượng, hồ sơ nghiệm thu công việc xây dựng của hạng mục rào tạm không có xác nhận của giám sát chủ đầu tư cũng chưa tuân thủ đúng quy định.
Cũng tại dự án này, chủ đầu tư là Petro Vietnam đã tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho nhà thầu, nhưng tổng thầu PVC đã chi chưa đúng mục đích tạm ứng 576 tỷ đồng và các bên vẫn chưa thu hồi được hết khoản tạm ứng trên.
Chủ đầu tư đã tiến hành ký hợp đồng tư vấn thu xếp vốn với giá trị gần 68,9 tỷ đồng và thực hiện giải ngân gần 61,3 tỷ đồng, tuy nhiên khoản chi phí này chưa có văn bản quy định của Nhà nước hướng dẫn về định mức cũng như hạch toán, quyết toán của các dự án đầu tư xây dựng, do vậy chưa có cơ sở để xác nhận khoản chi phí này…
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Tổng cục Năng lượng rà soát việc đấu thầu tại gói thầu vật liệu bảo ôn cách nhiệt tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2.
Tại dự án này, PVC được giao làm nhà thầu có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành… Liên quan tới dự án, theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, việc chỉ định gói thầu EPC tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
http://vneconomy.vn/thoi-su/khoi-to-4-lanh-dao-lien-quan-den-du-an-34000-ty-petro-vietnam-noi-gi-20170927082120433.htm
|