Nhập khẩu phân bón 9 tháng đạt 3.6 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp cho biết, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 9 năm 2017 đạt 260 ngàn tấn với giá trị 58 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu phân bón 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3.57 triệu tấn và 955 triệu USD, tăng 19.7% về khối lượng và tăng 16.7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 338 ngàn tấn với giá trị đạt 85 triệu USD, giảm 21.9% khối lượng và giảm 14.8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016; phân SA ước đạt 821 ngàn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 97 triệu USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 8.8% về giá trị so với năm 2016.
Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu trong 8 tháng đầu năm 2017 đến từ Trung Quốc chiếm tới 39.3% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này và tăng hơn 9.8% về khối lượng và tăng 15.5% giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá trị nhập khẩu phân bón trong 8 tháng đầu năm 2017 cũng tăng ở hầu hết các thị trường chính ngoại trừ thị trường Indonesia và Malaysia với mức giảm lần lượt là 31.4%, 5.8% và 3.6%.
Trong 8 tháng đầu năm, thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh nhất là thị trường Nga (tăng 75.5%), tiếp đến là thị trường Nhật Bản (tăng 48.2%), Hàn Quốc (tăng 26.7%), Belarut (tăng 19.7%), Lào (tăng 15.9%).
Nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng mạnh
Giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng mạnh trong tháng 9/2017 đạt 78 triệu USD, nâng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 739 triệu USD, tăng 47.9% so với cùng kỳ năm 2016.
Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 8 tháng đầu năm 2017 chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 54.2% tổng giá trị của mặt hàng này. Trong 8 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ thị trường Israel, Indonesia và thị trường Nhật Bản (với giá trị giảm lần lượt là 6.4% và 0.3%). Trong đó, ba thị trường có giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng mạnh nhất là thị trường Thái Lan (tăng 91.9%), tiếp đến là thị trường Trung Quốc (tăng 60.7%), và thị trường Ấn Độ (tăng 48%) so với cùng kỳ năm 2016./.
|