Gỡ nút thắt room ngoại Nhựa Bình Minh, cửa có rộng mở cho người Thái?
Sau nhiều khúc mắc liên quan đến ngành nghề có điều kiện thì mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn chấp thuận về việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 100% vốn của CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP).
* BMP - Tích lũy cho đợt tăng mới hay khoảng lặng trước cơn bão?
* Cuối cùng BMP cũng được nới room ngoại 100%
Đường xin nới room gian nan
Tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài của Nhựa Bình Minh luôn là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2015, nhiều cổ đông khá thất vọng khi nới room chưa được Ban lãnh đạo BMP đưa vào chương trình hoạt động với lý do “hiện đang có quá nhiều việc”. BMP thời điểm đó cho biết có thể sẽ xin ý kiến của cổ đông về nới room khối ngoại vào ĐHĐCĐ thường niên 2016, nếu không trái với quy định của Nhà nước.
Liên quan đến việc trì hoãn nới room của BMP lúc này, có nhiều ý kiến trái chiều được các công ty chứng khoán (CTCK) đưa ra. Có CTCK cho rằng, việc lui lại nhằm giải quyết dứt điểm câu chuyện với Nhựa Đức Thành, chuyện bị truy thu thuế và theo đó Công ty có thể sẽ phải đòi lại cổ tức gần 30 tỷ đồng dành cho cổ đông lớn nhất là SCIC đã chia. Cũng có CTCK khác nhận định, không loại trừ khả năng các nhà điều hành BMP đang tạo cho mình một lối đi để không bị phụ thuộc, bị thâu tóm hoặc chi phối toàn phần bởi khối ngoại.
Cho đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, BMP chính thức thông qua việc loại bỏ hai ngành nghề kinh doanh là Vận tải hàng hóa bằng đường bộ và Quảng cáo để thực hiện nâng tỷ lệ sở hữu vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.
Ban đầu BMP dự kiến nới room lên 100% vào tháng 6/2017 nhưng tiến trình đã diễn ra chậm hơn dự kiến do gặp phải một số vướng mắc. UBCKNN đã yêu cầu Công ty cung cấp thêm thông tin về lĩnh vực xuất nhập khẩu và kinh doanh hóa chất được đề cập đến trong Điều lệ công ty.
Ngày 14/06/2017, BMP đã có văn bản gửi UBCKNN thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại BMP. Sau đó, theo yêu cầu của UBCKNN tại công văn số 4354/UBCK-PTTT ngày 28/06, BMP đã hỏi ý kiến Bộ Công Thương về 2 mã ngành 4669 và 7120 liên quan đến hóa chất thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện để làm căn cứ cho UBCKNN xem xét. Mã ngành 4669 là ngành kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu, hóa chất và mã ngành 7120 là kiểm tra, phân tích kỹ thuật, chi tiết: giám định, kiểm tra và phân tích ngành hóa chất.
Ngày 19/07, Bộ Công Thương đã có công văn số 6463/BCT-KH cho ý kiến về tỷ lệ nắm giữ vốn của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện nêu trên. Theo Bộ Công Thương, lần lượt căn cứ vào quy định tại Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24/12/2013 về lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, thì hạn chế tiếp cận thị trường đối với hai hoạt động được đề cập trên đến nay đã hết.
Ngày 26/07, BMP gửi công văn 6463/BCT-KH của Bộ Công Thương cho UBCKNN để xem xét. Đến ngày 06/09, BMP tiếp tục gửi văn bản tới UBCKNN giải trình rõ hơn về danh mục hàng hóa (nguyên liệu đầu vào) mà BMP xuất nhập, mua bán và cam kết các nguyên liệu hóa chất này không phải là các nguyên liệu, hóa chất bị Nhà nước cấm và không thuộc danh mục hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo thông tư 34/2013/TT-BCT. BMP mong “được Ủy ban xem xét tạo điều kiện để Công ty hoàn thành việc điều chỉnh tỷ lệ room theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên và đáp ứng yêu cầu của cổ đông Nhà nước SCIC làm rõ tiến trình mở room. Trong kế hoạch, SCIC sẽ thoái vốn khỏi BMP trong năm 2017.”
Và cuối cùng, sau nhiều gian nan, UBCKNN đã có công văn chấp thuận về việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại BMP lên 100% vốn vào ngày 19/09 mới đây.
Cửa đã rộng mở cho người Thái
Quay trở lại giai đoạn 2012 - 2013, giai đoạn khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết, BMP đã lọt vào tầm ngắm của tổ chức đầu tư từ Thái Lan - Tập đoàn Siam Cement (SCG). Tập đoàn này thông qua công ty con là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co. Ltd sở hữu 20.4% vốn BMP tại thời điểm đó và đưa người vào HĐQT Công ty. Ngoài khoản đầu tư tại BMP, Nawaplastic hiện còn nắm giữ gần 24% cổ phần tại Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP).
Với tham vọng bành trướng trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, cổ đông lớn Thái Lan không chỉ muốn dừng ở tỷ lệ này đối với BMP. Trước đây, Nawaplastic luôn bày tỏ mong muốn được nâng mức sở hữu cổ phần ở BMP lên mức tối đa cho phép (49% vốn điều lệ). Theo thông tin từ báo chí, trong một phát biểu trả lời phỏng vấn Bangkok Post cách đây hơn 6 năm (tháng 4/2012), ông Kanet Khaochan - Giám đốc điều hành Nawaplastic đã nói rằng sẽ xem xét nâng tỷ lệ sở hữu tại BMP lên 49%.
Tuy nhiên, nguyện vọng này của Nawaplastic vẫn chưa thể đạt được do tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư ngoài tại BMP đã chạm trần. Trước khi được UBCK chấp thuận, BMP đã kín room ngoại với tổ chức sở hữu 48.53% và cá nhân nắm giữ 0.45%.
Cơ cấu cổ đông của BMP tính đến cuối năm 2016
Đến giữa tháng 4/2017, SCIC công bố sẽ thoái vốn khỏi BMP trong năm nay. Một khi nút thắt về việc nới room ngoại lên tỷ lệ 100% được gỡ bỏ và SCIC thoái lui, không loại trừ khả năng nhà đầu tư Thái Lan Nawaplastic sẽ trở thành ứng viên trong cuộc đua giành quyền kiểm soát BMP.
Trong một báo cáo nhanh của CTCK MB (MBS) công bố cuối tháng 6/2017, MBS cho rằng nếu được nới room, Nawaplastic sẽ sẵn sàng trả mức giá premium (tức trả cao hơn) cho cổ phiếu BMP để có thể nắm quyền sở hữu chi phối ở doanh nghiệp này. Số tiền để mua cổ phiếu BMP từ phần sở hữu của SCIC là không lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài (dự tính khoảng 1,800 tỷ đồng) và MBS nhận định SCIC có thể hoàn tất thoái vốn tại BMP trong năm nay.
Được biết, Nawaplastic là công ty chuyên về sản xuất và phân phối ống nhựa PVC tại Thái Lan - sản phẩm cùng phân khúc với Nhựa Bình Minh. Trong khi đó, Tập đoàn SCG - công ty mẹ của Nawaplastic là doanh nghiệp lớn thứ 2 tại Thái Lan và là một trong những tập đoàn hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. SCG hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính bao gồm Hóa dầu, Bao bì, Xi măng - Vật liệu xây dựng với khoảng 200 công ty con.
SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam từ năm 1992. Hiện tại, SCG có 22 công ty đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản hơn 673 triệu USD. Tại Việt Nam, SCG đã thực hiện thâu tóm hàng loạt các doanh nghiệp ngành nhựa. Số lượng doanh nghiệp nhựa và bao bì mà SCG hiện đang sở hữu lên đến con số 19 với những tên tuổi lớn như BMP, NTP, TPC,… Như vậy, không chỉ cung cấp đầu vào và hỗ trợ hoạt động, khi SCG đặt chân sâu hơn vào BMP có thể sẽ giúp BMP tiến vào thị trường quốc tế và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài?
Năm 2016, Tập đoàn SCG đạt doanh thu từ hoạt động kinh doanh khoảng 423,442 triệu Baht. Trong đó doanh thu hợp nhất từ các cơ sở sản xuất tại ASEAN và từ các doanh nghiệp Thái Lan xuất khẩu sang các quốc gia ASEAN là khoảng 97,669 triệu Baht. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 56,084 triệu Baht. Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của SCG ở ASEAN (bao gồm cả Thái Lan) đạt 126,055 triệu Baht, tương đương 23% tổng tài sản của Công ty. Tính riêng tại Việt Nam, tài sản của SCG đạt 33,780 triệu Baht, chỉ đứng sau Indonesia (50,253 triệu Baht).
Kết quả hoạt động kinh doanh của SCG tại ASEAN
Giá cổ phiếu sẽ quay lại đà tăng sau nới room?
Sau khi tăng trưởng hơn 55% trong năm 2016 lên hơn 190,000 đồng/cp vào cuối năm, giá cổ phiếu BMP bắt đầu lao dốc từ đầu tháng 6/2017 và tính tới nay đã mất hơn 56% giá trị. Bắt đầu từ phiên 14/09/2017, thông tin nới room được kỳ vọng khi BMP gửi văn bản giải trình rõ hơn về danh mục hàng hóa xuất nhập, mua bán và mong được UBCKNN tạo điều kiện nới room, giá cổ phiếu BMP đã hồi phục gần 9% lên 81,000 đồng/cp chốt phiên giao dịch 21/09.
Nếu như khối lượng giao dịch trong nửa đầu năm 2017 của cổ phiếu BMP chỉ dừng ở mức hơn 70,000 cp/phiên, thì trong vòng 1 tuần trở lại đây đã bắt đầu sôi động hơn hẳn, hầu hết đều trong khoảng 400,000 - 1,000,000 cp/phiên.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu BMP từ đầu năm 2012 tới nay
Trong Báo cáo cập nhật cổ phiếu BMP công bố ngày 16/08/2017, CTCK Maritime (MSI) nhận định rằng, khúc mắc về việc nới room đã được giải quyết là động lực giúp giá cổ phiếu BMP quay trở lại đà tăng sau nhiều phiên giảm sàn. Tương tự, Báo cáo cập nhật tháng 9 của CTCK Bảo Việt (BVS) cũng đánh giá kỳ vọng nới room và khả năng M&A sẽ là thông tin tích cực cho cổ phiếu BMP trong thời gian tới.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm của BMP đạt 1,841 tỷ đồng, tăng nhẹ 6.5% và lợi nhuận trước thuế 280 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Kết quả trên tương ứng 45.5% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra chiều ngày 12/07, Ban lãnh đạo BMP cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu tăng nhẹ, trong khi lợi nhuận giảm mạnh là do giá nguyên liệu thô tăng, cạnh tranh khốc liệt và Công ty phải tăng tỷ lệ chiết khấu thêm 4% từ tháng 3/2017.
Cũng trong Báo cáo cập nhật tháng 9 của BVS, ước tính tổng doanh thu trong tháng 7 của BMP đạt 315 tỷ đồng với sản lượng tiêu thụ là 7,250 tấn. Như vậy, doanh thu và sản lượng lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt 2,157 tỷ đồng và 49,440 tấn, tăng 7% và 5.5% so với cùng kỳ. Với tình hình thị trường ống nhựa dân dụng năm nay tiêu thụ có phần giảm tốc và cạnh tranh gia tăng, BVS cho rằng BMP có thể không hoàn thành được kế hoạch kinh doanh lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây./.
|