Cổ phiếu KLF lại hồi sinh: Lần này sẽ khác?
4 phiên tăng điểm liên tục với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 70 triệu đơn vị đã giúp cổ phiếu KLF của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2016.
* KLF: Nỗi buồn của một “siêu phẩm đầu cơ”!
Phiên giao dịch ngày 14/09, KLF bắt đầu gây chú ý với thị trường khi tăng gần 6% và khối lượng giao dịch lên hơn 21 triệu cp, tăng một cách đột biến so với nhiều phiên giao dịch trước đó (chỉ khoảng hơn 1 triệu cp/phiên).
3 phiên sau đó, KLF liên tục tăng kịch trần và khối lượng giao dịch ngày nào cũng ở mức cao, từ 12 triệu cp trở lên. Như vậy kết thúc phiên giao dịch 19/09, KLF dừng tại 4,800 đồng/cp, tăng 45% trong 3 tháng qua và đạt mức cao nhất trong gần 2 năm kể từ đầu năm 2016.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu xu hướng này của KLF có kéo dài không hay cũng sớm “lụi tàn” như đã từng diễn ra cách đây không lâu?
Trước đó, vào cuối năm 2016 (từ ngày 18/11-02/12), cổ phiếu KLF "chơi trội" khi tăng một mạch 10 phiên trần, từ 1,800 đồng/cp lên 3,900 đồng/cp, tương ứng tăng 117%.
Lúc bấy giờ, giới đầu tư trên thị trường bắt đầu tin vào sự hồi sinh của một “siêu phẩm đầu cơ” KLF, nhất là khi mà đà tăng đến từ thông tin là CTCP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) muốn gom 100% vốn tại CTCP FLC Travel (Công ty mà KLF sở hữu 36.6% vốn) với giá 100,000 đồng/cp. Với thương vụ này, KLF được kỳ vọng sẽ ghi nhận một khoản lợi nhuận đột biến vào kết quả kinh doanh, tuy nhiên thông tin mà HĐQT ROS đưa ra chỉ dừng ở chủ trương chứ đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Được biết, KLF và ROS có mối quan hệ khá khăng khít bởi FLC Travel đang là công ty liên kết của KLF, cũng là tổ chức tham gia góp vốn vào ROS trong đợt tăng vốn đầu tiên lên 225 tỷ đồng của đơn vị này. Về mặt nhân sự cấp cao thì ông Doãn Văn Phương - cá nhân gắn bó với ROS ngay từ ngày đầu thành lập (giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ROS từ tháng 5/2015 đến 03/11/2016) từng là Thành viên HĐQT của KLF (từ tháng 7/2012-10/2015).
* Liều thuốc nào đang hồi sinh siêu phẩm đầu cơ?
Còn cổ phiếu KLF khi đó, sau 10 phiên tăng trần thì đến hiện tượng xả hàng, bán tháo đã diễn ra trong phiên ngày 05/12 khiến mã này đóng cửa giảm 2.56% với khối lượng giao dịch khớp gần 33 triệu cp. Những chuỗi ngày giao dịch sau phiên 05/12 là nỗi ám ảnh nhà đầu tư khi KLF rơi thẳng đứng và tiệm cận trở lại mốc thấp nhất trong lịch sử (1,800 đồng/cp).
* KLF: “Câu chuyện thần tiên” kết thúc?
Trở lại với thời điểm hiện tại, KLF cũng khiến nhà đầu tư thêm một lần nữa phải chú ý khi liên tục tăng kịch trần.
Xét về hoạt động kinh doanh, thời điểm hiện tại và lúc KLF tăng ở lần trước không khác nhau gì mấy. Lợi nhuận mỗi quý của KLF mang về vẫn rất nhỏ (hai quý đầu năm lãi chưa đến 3 tỷ đồng/quý) so với doanh nghiệp có quy mô vốn gần 1,700 tỷ đồng. Đó là chưa kể nếu nhìn kỹ từ năm 2014 trở lại đây thì nguồn thu chính của KLF là từ hoạt động tài chính: Chuyển nhượng các khoản vốn góp, lãi cho vay hay ủy thác đầu tư.
Nhưng tại thời điểm này, có một điểm khác ở KLF chính là dòng tiền trên thị trường chứng khoán đột biến hơn. Cụ thể, chỉ trong 4 phiên giao dịch vừa qua (14-19/09), tổng khối lượng giao dịch của KLF đã đạt đến hơn 70 triệu cp, cao hơn gấp đôi so với tổng khối lượng giao dịch 10 phiên kịch trần trước đây (18/11-02/12/2016). Không thể phủ nhận tính quan trọng của dòng tiền trong đầu tư chứng khoán bởi đó là một chỉ báo quan trọng để nhà đầu tư ra quyết định mua bán.
Còn về mặt thông tin, HĐQT KLF mới đây cũng đã thông qua ngày 02/12 là ngày GDKHQ tham dự ĐHĐCĐ bất thường 2017. Tuy nội dung chi tiết chưa được công bố nhưng rất nhiều khả năng đây cũng chính là một thông tin hỗ trợ cho cổ phiếu KLF mấy ngày qua bởi giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vốn thường “chạy trước” thông tin chính thức.
Diễn biến KLF từ đầu năm 2015 đến nay
|