Thứ Hai, 11/09/2017 19:37

Chuyển động dòng tiền tuần 04-08/09:

Dòng tiền ở FLC và những cổ phiếu liên quan giảm mạnh

Trong bối cảnh VN-Index chinh phục thành công mốc 800 điểm sau gần 10 năm đợi chờ, nhóm cổ phiếu mang tính thị trường như FLC, AMD hay HAI lại suy giảm đáng kể về dòng tiền.

Trong tuần giao dịch 04-08/09, thị trường giao dịch khá tích cực về mặt điểm số. Một trong những điểm nhấn lớn nhất chính là VN-Index đã chinh phục mốc 800 điểm, lên mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần tăng 1.58%, đứng tại 801.20 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng 0.11%, đang dừng ở 103.92 điểm.

Tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường lại sụt giảm, phản ánh được tâm lý thận trọng của giới đầu tư. Trên HOSE, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên đạt 140.7 triệu đơn vị/phiên, giảm 31% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 37 triệu cổ phiếu/phiên, sụt giảm 29%. Có nhiều lý giải cho việc sụt giảm này nhưng chủ yếu với hai điểm chính yếu là do tâm lý thận trọng nhà đầu tư trước diễn biến khó lường chỉ số thời gian gần đây cũng như việc thị trường đang bước vào giai đoạn đảo danh mục hai quỹ ETF.

Cả hai yếu tố trên được phản ánh rõ qua việc nhiều mã mang tính thị trường suy giảm đáng kể về dòng tiền. Và không may rằng điều đó rơi vào FLC và những mã có liên quan đến FLC.

Cụ thể, tuần qua FLC chỉ đạt khối lượng giao dịch trung bình hơn 15 triệu cp/phiên, giảm 67% so với con số 45 triệu cp/phiên ở tuần trước đó. Cùng với đó thì giá cp FLC đã giảm gần 2%, quay lại sát mốc 7,500 đồng/cp – vùng giá trước khi cổ phiếu này đột nhiên tăng mạnh và tạo đỉnh 9,200 đồng/cp ngày 28/08 vừa qua. Một trong những nguyên nhân trực tiếp đó là cổ phiếu FLC đã bị VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) loại khỏi danh mục trong kỳ công bố quý 3/2017.

Không chỉ FLC, những cổ phiếu có liên quan như AMD và HAI đều có thanh khoản giảm 70% và 55% so với tuần trước, lần lượt ở mức 604,000 cp/phiên và 3.2 triệu cp/phiên. Cả HAI và AMD cũng đều giảm giá trong tuần qua. Cũng có liên quan, nhưng cổ phiếu ROS thì không tiêu cực như vậy khi giá bật tăng gần 6% dù thanh khoản không gia tăng bao nhiêu.

Diễn biến của FLC, AMD, HAI và ROS trong 6 tháng qua

Xét về tổng thể sàn HOSE, chỉ có 52 mã tăng so với 82 mã giảm dòng tiền. Nếu ở tuần trước đó nữa, VIC là cổ phiếu dẫn dắt toàn thị trường khi cả điểm số lẫn thanh khoản đều tăng thì ở tuần nay câu chuyện diễn ra ở "ông lớn" khác là MSN.

Cụ thể, MSN đóng cửa tuần qua tại 53,200 đồng/cp, tăng 10% và ghi nhận mốc cao nhất trong 2 năm qua. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch bình quân cổ phiếu này đạt 861,000 cp/phiên, tăng 61%. Cổ phiếu MSN có nhiều động lực để hút nhà đầu tư tham gia giải ngân, từ câu chuyện chia cổ tức bằng tiền sau 8 năm lên sàn cho đến mới đây là những đồn đoán về việc chuyển nhượng vốn tại MSR.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư còn kỳ vọng MSN sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng cuối năm. Theo ước tính Ban Giám đốc MSN, lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng cuối năm 2017 sẽ vào khoảng 1,945 - 2,345 tỷ đồng, tăng 11% đến 34% so với năm 2016. Lợi nhuận thuần hợp nhất sau lợi ích cổ đông thiểu số cho cả năm 2017 đạt mức 2,400 – 2,800 tỷ đồng (năm 2016 là 2,791 tỷ đồng) và dự kiến doanh thu thuần sẽ tương đương kết quả của năm 2016.

Một cổ phiếu khác trong tuần qua cũng nóng trở lại nhờ câu chuyện cũ, đó là QCG. Cụ thể, sau một thời gian điều chỉnh, QCG đã bật tăng mạnh hơn 24% trong tuần qua với khối lượng giao dịch bình quân tăng hơn 200% so với tuần trước. Thông tin hỗ trợ mạnh cho QCG không xa lạ bởi có liên quan đến dự án Phước Kiển khi UBND TP.HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cần phối hợp với UBND huyện Nhà Bè đề xuất hướng xử lý thu hồi phần diện tích đất còn lại của dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển - Nhà Bè (QCG làm chủ đầu tư) và các dự án tương tự khác mà chủ đầu tư không thể thỏa thuận bồi thường với các hộ dân.

Nếu việc này diễn ra suôn sẻ (tức hoàn thành trước tháng 10/2017), QCG sẽ có đủ điều kiện trong việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho Sunny Island.

Trên HNX, tuần qua chỉ có 1 cổ phiếu có dòng tiền tăng trên 100% đó là VGC. Còn nhóm đầu cơ lại bị dòng tiền rời bỏ mạnh, điển hình là KLF, HKB, VIX, SVN, PVX

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE

 

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX

 

Các tin tức khác

>   Nhịp đập Thị trường 11/09: VN-Index đứt mạch 7 phiên tăng liên tiếp (11/09/2017)

>   Nguồn lực vàng, đô và sự lầm lũi của chứng khoán (10/09/2017)

>   11/09: Bản tin đầu tuần (11/09/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 11/09 (11/09/2017)

>   Cổ phiếu Vietjet đã được cấp margin sau 6 tháng niêm yết (09/09/2017)

>   GAS - Sự tăng trưởng trung và dài hạn trở lại? (13/09/2017)

>   CTC, DBT, BII bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường (08/09/2017)

>   Địa ốc Đà Lạt: Hủy ĐHĐCĐ thường niên để chờ phán quyết về tranh chấp hơn 1.32 triệu cp (08/09/2017)

>   08/09: Bản tin 20h qua (08/09/2017)

>   “Quán quân” công bố thông tin năm 2017 đang thuộc về nhóm cổ phiếu nào? (09/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật