Thứ Ba, 26/09/2017 08:43

Cổ phiếu ngành thép trên đà “thuận buồm xuôi gió”

Giá nguyên vật liệu phục hồi, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn, hầu hết cổ phiếu ngành thép theo đó xanh điểm nhiều phiên liền, và đang trong xu hướng tăng giá.

* Doanh nghiệp thép tiếp tục thắng lớn trong quý đầu năm 2017

Từ thiên thời địa lợi…

Tăng trưởng đột biến cuối năm 2016, đến năm 2017 nhiều chuyên gia trong ngành đã có nhận định thị trường thép sẽ không còn tăng nóng. Bởi lẽ, động lực tăng giá không còn, lo ngại cạnh tranh từ Trung Quốc… khiến nhiều đơn vị trong ngành đặt kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng.

Song thực tế có mấy ai ngờ, theo báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 6 tháng đầu năm tiêu thụ thép xây dựng vẫn tăng đột biến, nâng tổng sản lượng thép tiêu thụ trong 6 tháng lên hơn 7.8 triệu tấn, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Bước qua quý 3, một lần nữa thị trường thép gây bất ngờ cho giới đầu tư khi sản lượng thép xây dựng tiêu thụ tiếp tục tăng trưởng, 8 tháng đầu năm đạt 5.96 triệu tấn (tăng hơn 14% so với cùng kỳ), nổi bật có sản lượng ống thép tiêu thụ đạt 1.45 triệu tấn (tăng gần 18%). Chưa hết, giá thép xây dựng bình quân đã tăng lên 12.6 triệu đồng/tấn, tức tăng 18.3% so với đầu năm và cũng tăng 20% từ mức thấp vào hồi tháng 6 là 10.4 triệu đồng/tấn.

Biến động giá thép từ đầu năm đến nay

Một trong những nguyên nhân khiến giá thép thế giới tiếp tục tăng do Trung Quốc đang dần đóng cửa các cơ sở sản xuất cũ gây ô nhiễm và không hiệu quả. Một lý do khác, ngoài yếu tố cung cầu, việc cháy một nhà máy lớn của Công ty thép Steel Plates Bengang (Trung Quốc) đã đẩy giá thép cán nóng trên sàn giao dịch Tương lai Thượng Hải tăng lên mức kỷ lục khi đạt 4,400 nhân dân tệ/tấn (tương đương 674.48 USD/tấn). Đó cũng là lý do khiến giá thép toàn thế giới lên đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua.

* Giá thép tăng cao kỷ lục

Trong nước, ngành thép cũng trở nên tích cực nhờ rào cản thuế quan giúp kiểm soát nhập khẩu. Hơn nữa, sản xuất thép của Trung Quốc đã giảm dần kể từ năm ngoái, từ đó giảm “đe dọa” về nhập khẩu thép giá rẻ vào Việt Nam.

… đến yếu tố nội lực của doanh nghiệp

Những yếu tố thuận lợi trên có thể lý giải phần nào sóng tăng giá của nhóm cổ phiếu ngành thép từ đầu năm đến nay. Trong đó, tăng giá nổi bật có cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, 8 tháng đầu năm thị giá tăng hơn 36% với khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 3.3 triệu cổ phiếu/phiên. Thậm chí phiên giao dịch ngày 15/06, số lượng sang tay cổ phiếu HPG đạt hơn 11 triệu đơn vị. Hiện cổ phiếu HPG đang tạm dừng tại mức 37,650 đồng/cp (chốt phiên 18/09).

Biến động giá cổ phiếu HPG từ đầu năm đến nay

Năm 2017, CTCK TPHCM (HCM) dự báo doanh thu thuần của HPG đạt 42.3 nghìn tỷ đồng, tăng 27%, trong đó mảng thép thu về 36.7 nghìn tỷ đồng, tăng 27%; mảng thức ăn chăn nuôi dự báo mang về hơn 2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 50%). Trong khi đó, đối với các mảng kinh doanh nhỏ khác, HSC dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu là 5-10%. Theo đó, HSC dự báo lãi ròng của HPG đạt 7.7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 17%.

Bên cạnh ngoại lực từ tăng trưởng chung toàn ngành, một phần không nhỏ đóng góp vào mức tăng giá của cổ phiếu HPG xuất phát từ nội lực doanh nghiệp. HPG cho biết nhu cầu từ các dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng, biệt thự và dự án cơ sở hạ tầng lớn là yếu tố chính thúc đẩy sản lượng tiêu thụ tăng. Đồng thời, tổng giá trị đơn hàng hiện tại của các nhà thầu lớn gồm Coteccons (CTD) và Hòa Bình (HBC) trong 6 tháng đầu năm là 48.4 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Sản lượng thép tiêu thụ của HPG 8 tháng đầu năm tăng hơn 32% nhờ Tập đoàn tiếp tục giành thêm thị phần và đẩy mạnh tiêu thụ mặc dù đang trong mùa thấp điểm.

* Xuất khẩu thép xây dựng Hòa Phát tăng hơn 9 lần so với cùng kỳ

Trên chuỗi giá trị ngành thép, hiện HPG là doanh nghiệp nằm ngay khâu đầu tiên, với lợi thế về công nghệ (thay thế công nghệ cũ của Pomina vào những năm 2012).

* HPG rót thêm 5,000 tỷ đồng vào Thép Hòa Phát Dung Quất

Vị thế doanh nghiệp trên chuỗi giá trị ngành tại Việt Nam

Hai ông lớn trong ngành cũng trải qua nửa đầu năm giá lên là Tập đoàn Hoa Sen (HSG)Thép Nam Kim (NKG). Trong đó, cổ phiếu HSG mặc dù đầu năm có biến động điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên một tháng qua đã quay đầu tăng điểm. Hiện cổ phiếu đang giao dịch tại mức 29,600 đồng/cp (chốt phiên 18/09), khối lượng giao dịch cũng tương đối lớn, phiên 31/07 chạm mức 16.3 triệu cổ phiếu/phiên.

Biến động giá cổ phiếu HSG từ đầu năm đến nay

Nếu HPG lợi thế tại khâu sản xuất ra thép cuộn, là đầu vào cho công nghiệp sản xuất ống thép, tôn… thì HSG và NKG có lợi thế tại khâu sản xuất ra thành phẩm tôn mạ kẽm, tôn mạ màu… Trong đó, HSG có kênh phân phối rộng lớn, được xem là nền tảng phát triển của Tập đoàn từ trước đến nay. Tính đến cuối năm 2016, tổng số chi nhánh bán lẻ của HSG trên toàn quốc đạt 250 chi nhánh, mục tiêu đến cuối năm 2018 đạt đến mốc 500 chi nhánh.

* Phó Chủ tịch VSA: Giá thép 2017 chắc chắn sẽ không về đáy 2015

Còn với NKG, Công ty đang dần hoàn thành chuỗi sản xuất khép kín, nhằm tối thiểu hóa chi phí và gia tăng lợi nhuận. Chia sẻ tại Hội thảo Đối thoại Ngành thép – Triển vọng 2017-2020, ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc NKG cũng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp ngành thép cần tăng cường đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình khép kín. Từ đó, doanh nghiệp từng bước giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu”. Và đó cũng chính là hướng đi của NKG, mới đây ngày 16/08, HĐQT NKG cũng đã thông qua chủ trương đầu tư Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim với tổng số vốn đầu tư 2,200 tỷ đồng.

* Thép Nam Kim chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp vốn 2,200 tỷ đồng

Trên thị trường, cổ phiếu NKG cũng chứng kiến một đợt tăng giá ấn tượng, từ mức 23,800 đồng/cp (03/01) tăng hơn 40% lên mức 33,400 đồng/cp (chốt phiên 18/09), khối lượng giao dịch trung bình xấp xỉ 500,000 cổ phiếu/phiên.

Được biết, quý 3-4/2017, NKG sẽ phát hành thêm 30 triệu cp với tỷ lệ 30%, giá phát hành dự kiến không thấp hơn 27,000 đồng/cp. Tổng số tiền thu về khoảng 810 tỷ đồng, Công ty sẽ chi gần một nửa (400 tỷ đồng) để mua nguyên liệu (HRC), kẽm và hợp kim nhôm kẽm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Mới đây, NKG cũng đã nới room ngoại lên 100% trước thềm phát hành huy động vốn.

*Thép Nam Kim: Lộ diện 10 nhà đầu tư chiến lược trong đợt phát hành 30 triệu cp

*Trước thềm phát hành 30 triệu cp, Thép Nam Kim chính thức nâng room ngoại lên 100%

Biến động giá cổ phiếu NKG từ đầu năm đến nay

Bên cạnh ba ông lớn với ba câu chuyện lợi thế riêng, những cổ phiếu doanh nghiệp còn lại trong ngành như DTL, POM, SMC, HMC… cũng đạt được những mức tăng giá tương đối 8 tháng đầu năm 2017.

Biến động giá cổ phiếu thép từ đầu năm đến nay

Các tin tức khác

>   HVA: Quyết định Hội đồng quản trị (25/09/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 25/09: "Nốt trầm" thanh khoản (25/09/2017)

>   Cho khách mua chứng khoán khi không đủ tiền, Chứng khoán Ngân hàng Đông Á bị phạt (25/09/2017)

>   Chậm báo giao dịch bán cổ phiếu HHC và IDV, hai cá nhân bị phạt tiền (25/09/2017)

>   25/09: Đọc gì trước giờ giao dịch? (25/09/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 25/09 (25/09/2017)

>   HNX: Bản công bố thông tin của CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF) (22/09/2017)

>   Ồ ạt chào sàn, song cổ phiếu họ Vinatex vẫn “ế”! (25/09/2017)

>   NT2 - Kiểm định vùng đáy cũ (25/09/2017)

>   Asahi Group: Giá cổ phiếu Sabeco đang quá "chát" (22/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật