Thứ Sáu, 22/09/2017 07:00

Cần thanh tra toàn diện BOT giao thông

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cho rằng cần thanh tra toàn diện các dự án BOT giao thông để giải quyết mọi vấn đề xảy ra vừa qua.

Phóng viên: Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) về phòng chống tham nhũng vào chiều 5-9, ông đã thẳng thắn đặt câu hỏi có hay không tham nhũng ở các dự án BOT giao thông. Liệu có thể hiểu là ông đã nhìn ra những khuất tất của các dự án này?

- Ông Nguyễn Bá Sơn: Câu hỏi đó không phải là của cá nhân tôi mà trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, họ đã nêu vấn đề này. Thái độ chung của các cử tri, người dân hiểu biết thông tin về BOT giao thông đều nghi ngờ có tham nhũng. Vừa rồi, chúng ta có nghe báo cáo kiểm toán về các dự án BOT của Kiểm toán Nhà nước và cũng thấy được hàng loạt sai phạm.

Việc tôi đặt câu hỏi là nhiệm vụ của một đại biểu (ĐB) QH đem kiến nghị của nhân dân, của cử tri, đề nghị QH cho ý kiến, yêu cầu Chính phủ xem xét đánh giá, thậm chí là điều tra hàng loạt dự án BOT giao thông mà dư luận quan tâm.

Theo ông, trong những khuất tất thì vấn đề nào là nguy hại nhất?

- Chúng ta chưa làm rõ được vấn đề ở đâu, như thế nào và một chuỗi các công việc diễn ra trong một quá trình từ khi hình thành các ý tưởng cho đến việc triển khai tổ chức thực hiện và thu phí như thời gian vừa qua. Chúng ta cần phải làm rõ tất cả những cái đó thì mới xác định được mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu, nguyên nhân như thế nào và tìm ra giải pháp. Trước hết, cần có một cuộc thanh tra đầy đủ, đánh giá toàn diện và chính xác mọi vấn đề về BOT giao thông. Quan điểm của tôi là sự xung đột xảy ra ở các dự án BOT giao thông là cái cần được quan tâm; còn nguyên nhân sâu xa thì phải tìm hiểu các quy trình, quy định về tổ chức, triển khai các BOT giao thông phải được xem xét một cách toàn diện.

Chỉ định thầu liệu có phải là giải pháp chấp nhận được của các dự án BOT giao thông không?

- Tôi đang băn khoăn là bây giờ người ta giải thích rằng không có ai tham gia đấu thầu nên phải chỉ định. Điều này được hiểu là các dự án đó không đem lại lợi ích cho những người mong muốn tham gia đấu thầu hoặc là những nguyên nhân tương tự như thế. Vậy thì tại sao những đơn vị được chỉ định thầu lại nhận mà không từ chối? Phải chăng có lợi ích gì trong đó, đây là vấn đề cần phải làm rõ. Phải chăng chỉ định thầu thì chủ đầu tư sẽ được hưởng một số đặc quyền, đặc ân nào đó. Ví dụ như được điều chỉnh dự án, được đề xuất tăng thời gian thu phí. Đó là mấu chốt vấn đề mà chúng ta phải quan tâm.

Nỗi bức xúc của người dân liên quan đến các trạm thu phí của dự án BOT giao thông đặt sai vị trí ngày càng cao. Với cương vị là ĐBQH, ông cam kết gì khi nói thay tiếng nói của người dân?

- Không phải vô cớ mà người dân bức xúc vì những BOT giao thông vừa rồi có phải thực chất là BOT không hay mới chỉ làm một đoạn rồi vá lại, gá vào để thu phí. Không thể nói những bức xúc đó chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà không ảnh hưởng đến người dân. Tất cả những ai là ĐBQH đều sẽ suy nghĩ phải làm gì và bắt đầu như thế nào trong câu chuyện dự án BOT giao thông.

Để dứt điểm các dự án BOT giao thông đặt trạm thu phí sai vị trí thì cần thực hiện các bước tiếp theo thế nào? Nếu chủ đầu tư cương quyết trả dự án và đòi tiền lại thì Chính phủ nên xử lý ra sao?

- Tôi biết nhiều chủ đầu tư dọa trả lại dự án BOT giao thông cho nhà nước. Tuy nhiên, phải xem xét lại hợp đồng chứ không đơn giản như thế, có chăng phần quốc lộ vá thêm vài cây số, bỏ thêm ít tiền không phải trong dự án BOT giao thông thì trả lại; phần khác thì phải xem trong hợp đồng, chủ đầu tư thực hiện có đúng không. 

Xem xét giảm 25% phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Ngày 21-9, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), cho biết vừa trình Bộ GTVT xem xét việc giảm 25% phí qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tuy nhiên, theo ông Huyện, đây mới chỉ là mức đàm phán giữa tổng cục và nhà đầu tư; còn việc giảm hay không, giảm như thế nào thì ngày 22-9, Bộ GTVT sẽ quyết định.

Nếu Bộ GTVT thông qua, việc giảm phí bắt đầu được tính từ ngày 15-10. Theo đề xuất, tất cả các loại phương tiện đi trên tuyến đường này được giảm 25% giá vé so với mức hiện tại.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) thực hiện theo hình thức BOT. Tổng vốn đầu tư dự án cả 2 giai đoạn dài 39 km là hơn 6.730 tỉ đồng.

Theo hợp đồng, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án là 17 năm 2 tháng 18 ngày, kể từ ngày 6-10-2015, mức thu 1.500 đồng/km đối với xe quy đổi.

Thực hiện từ quý III/2014 và đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ ngày 30-9-2015. Trong giai đoạn 1, dự án đã cải tạo, nâng cấp tuyến đường 4 làn xe lên tiêu chuẩn đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tháng 11-2015, giai đoạn 2 của dự án bắt đầu được triển khai xây dựng để hoàn chỉnh đường cao tốc với quy mô 6 làn xe cơ giới. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng nhiều khả năng chậm tiến độ.

Mới đây, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 1 của dự án mới chỉ đầu tư 30% vốn để cải tạo yếu tố hình học, thảm lại mặt đường mà được thu giá 1.500 đồng/km tính theo xe quy đổi, tương đương với đường cao tốc xây dựng mới hoàn toàn là bất hợp lý và bất thường, không tuân thủ nguyên tắc bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, người tham gia giao thông và nhà nước.

Hiện nay, mức thu phí của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ như sau: một xe dưới 12 chỗ ngồi (xe nhỏ nhất) chạy toàn tuyến là 45.000 đồng/lượt; xe tải 18 tấn trở lên, xe container 40 feet là 175.000 đồng/lượt.

N.HƯỞNG

http://nld.com.vn/thoi-su/can-thanh-tra-toan-dien-bot-giao-thong-20170921220436075.htm

Các tin tức khác

>   Ông Trần Hồng Hà: “Đổi đất lấy cầu, cần tính toán đừng để bị lợi dụng" (21/09/2017)

>   TPHCM điều chỉnh hệ số giá đất dự án khu công viên mũi đèn đỏ và khu nhà ở đô thị tại quận 7 (20/09/2017)

>   Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở xã hội La Tinh - Đông La (20/09/2017)

>   Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch chi tiết khu tái định cư Đồng Chằm, thị trấn Xuân Mai (20/09/2017)

>   Điều chỉnh tuyến kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với quốc lộ 1 (20/09/2017)

>   Tranh luận chuyện đầu tư metro theo hình thức PPP (20/09/2017)

>   Đề xuất xây tổ hợp tại ga Hà Nội: Giới chuyên gia nói gì? (19/09/2017)

>   Đề xuất xây tổ hợp cao 70 tầng tại ga Hà Nội (17/09/2017)

>   Mua lại các trạm BOT: Chỉ là giải pháp tình thế (17/09/2017)

>   TPHCM: Điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu đô thị Tây Bắc (15/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật