Tranh luận chuyện đầu tư metro theo hình thức PPP
Các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã tranh luận về việc xây các dự án metro (tàu điện ngầm) theo hình thức PPP để không bị thất bại. Đồng thời, làm cách nào để hạn chế xe cá nhân, phát triển giao thông công cộng.
Một số thành phố đầu tư metro theo PPP đã thất bại
Ngày 19-9, Hội nghị quốc tế về an toàn giao thông khu vực Đông Á lần thứ 12 (EASTS 12), tiếp tục bàn thảo một số chủ đề như, phát triển giao thông tích hợp, phát triển đường sắt đô thị và chiến lược tài chính…
Nêu giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông cho các thành phố lớn ở châu Á, tiến sĩ Jeahak Oh, Phó viện trưởng Viện Giao thông vận tải Hàn Quốc cho rằng, cần phải có sự tích hợp các khâu quy hoạch, thiết kế, đầu tư, vận hành. Đây là một việc rất quan trọng nếu một khâu không tích hợp được với các khâu còn lại thì cả hệ thống sẽ khó mang lại hiệu quả. Trong thời đại internet phát triển như hiện nay, phải đầu tư tích hợp thông tin đến người dùng, làm sao để người dân có thể nắm thông tin, sử dụng đồng nhất một loại thẻ...
Vị chuyên gia này cũng cho rằng ở đô thị cần phải có sự đầu tư cân bằng giữa đường bộ và đường sắt. Ông nhấn mạnh các quy hoạch phải hướng đến mục tiêu là người dùng chứ không phải nhà đầu tư. Ông gợi ý đối với những dự án giao thông lớn nên đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Tuy nhiên, giáo sư, tiến sĩ Shigeru Morichi, Phó chủ tịch Hội đồng Phát triển quốc gia Nhật Bản lại dẫn ra các thất bại của một số thành phố lớn ở Đông Á trong việc xây dựng metro và cho rằng hình thức đối tác công - tư (PPP) đã được sử dụng từ lâu nhưng hầu như thất bại. Lý do thất bại là không có đủ tiền đầu tư và trợ giá cho đường sắt đô thị.
Ông cho rằng mô hình hợp lý hiện nay là các thành phố nên sử dụng các công ty của nhà nước để xây dựng, vận hành và khai thác, khi nào có lãi thì mới chuyển sang bán quyền vận hành cho các công ty tư nhân.
Áp dụng vào Việt Nam, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho rằng, bài học thất bại từ 8 tuyến đường sắt tại các đô thị lớn ở Đông Á đã chỉ ra công tác dự báo thiếu chính xác, hợp đồng giữa chính quyền địa phương với đơn vị xây dựng không chặt chẽ, khi đó rủi ro được đẩy về địa phương. Việc vận hành cũng là bài học sâu sắc khi những nước sử dụng doanh nghiệp tư nhân để vận hành đều thất bại.
Theo ông Trường, Hà Nội phải mất 8-10 năm mới xây dựng được 1 tuyến metro. Vì thế để nhanh chóng hình thành mạng lưới metro, ngoài việc tiếp tục kêu gọi nguồn vốn ODA thì cũng đang xin cơ chế đầu tư theo hình thức PPP. Ông cho rằng, cơ chế để xây dựng đường sắt đô thị theo hình thức PPP ở Việt Nam là các nhà đầu tư tư nhân trong nước sẽ xây dựng hạ tầng như nhà ga; còn phần điện cơ, đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu thì nhà nước đầu tư.
Đọc tiếp tại đây.
|