Những bất cập có thể thấy trước
Mới đây, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) đã đề xuất Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở sự “bắt tay” của bốn đơn vị hàng đầu trong ngành bán lẻ hiện nay, gồm Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Group), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Trước đây, đã từng có một mô hình tương tự như thế này được hình thành và bị thất bại vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc không tiếp cận được mặt bằng tại các địa phương và do cơ chế, chính sách không đồng bộ. Đó là CTCP Đầu tư phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) - ra đời từ năm 2007 bởi sự “bắt tay” giữa chính bốn đại gia nêu trên.
Lần này, theo đề xuất, việc bắt tay thành lập một tập đoàn bán lẻ kiểu mới có nhiều điểm khác với mô hình cũ. Đặc biệt là sẽ không thực hiện theo cơ chế đồng thuận như mô hình cũ nữa (tức mỗi thành viên góp vốn 25%) mà ai bỏ vốn vào nhiều thì sẽ điều hành.
Bên cạnh đó, tập đoàn bán lẻ mới cũng có ý định thành lập hệ thống siêu thị nông nghiệp. Khi vào siêu thị này, nông dân có thể mua tất cả các yếu tố đầu vào, từ con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi đến nông cụ, máy móc... đúng giá, không sợ mua hàng giả.
Có thể thấy chủ trương thành lập một mô hình “bắt tay” kiểu mới như nêu ở trên vẫn chủ yếu nhằm mục đích thành lập cho được một tập đoàn có quy mô lớn tận dụng lợi thế thuộc tốp đầu về doanh thu của bốn thành viên. Tuy nhiên, sự cùng bỏ vốn bởi các thành viên, bất kể tỷ lệ sở hữu bao nhiêu, sẽ luôn chỉ cho ra đời một công ty con có quy mô nhỏ hơn quy mô của các công ty thành viên này cộng lại. Hơn nữa, quy mô của công ty con này có thể sẽ rất khiêm tốn.
Cụ thể hơn, mặc dù quy mô doanh thu hợp nhất của bốn đại gia nói trên được cho là lên tới 4-5 tỉ đô la Mỹ nhưng nếu mỗi đại gia trong số này chỉ có thể huy động và góp 100 triệu đô la Mỹ thì quy mô vốn của “tập đoàn” mới cũng chỉ là 400 triệu đô la Mỹ, có khi chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn quy mô của một trong bốn thành viên này, tức là còn lâu mới đủ sức dẫn dắt thị trường và làm e ngại các đại gia bán lẻ nước ngoài.
Đến đây, một vấn đề nảy sinh khác là dù có quy mô nhỏ hay lớn, do hoạt động trong cùng lĩnh vực, thị trường, và địa bàn nên “tập đoàn” bán lẻ mới này sẽ tự nhiên trở thành một đối thủ cạnh tranh mới, quay trở lại đối đầu trực tiếp với các “đấng sinh thành” ra nó. Điều này có nghĩa là bên cạnh việc đối phó với các đối thủ nội và ngoại hiện có, bốn đại gia trên lại còn phải vất vả đối mặt với một đối thủ mới cũng có ít nhiều lợi thế. Tính bất trắc và xung đột lợi ích như thế này đương nhiên sẽ là điều không được bốn đại gia bán lẻ hoan nghênh nếu họ nhìn ra, thấy trước được vấn đề.
Về lý thuyết, giải pháp ổn thỏa duy nhất là bốn đại gia nói trên tự nguyện sáp nhập, hợp nhất với nhau tạo ra một “đại tập đoàn” bán lẻ mới hầu như không có đối thủ trong nước, khi đó nó có thể rảnh tay đối phó với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Nhưng giải pháp này chắc chắn là bất khả thi, không chỉ vì khó có thể tìm tiếng nói chung giữa cả bốn bên và các cổ đông của họ trong vấn đề này, mà còn bởi luật pháp sẽ không cho phép sự hình thành của một tổ chức như vậy khi dẫn đến khả năng thâu tóm, lũng đoạn thị trường, hạn chế và triệt tiêu cạnh tranh.
Ngay cả với dự định tốt đẹp về việc thành lập siêu thị nông nghiệp như trong đề xuất cũng không có gì đảm bảo là nó sẽ xảy ra đúng như tuyên bố. Với kiểu “một mình một chợ” nhờ quy mô lớn (nếu đúng như kế hoạch), nó có thể đánh bại các doanh nghiệp phân phối nhỏ lẻ hơn trong ngành, khi đó cái sự bán “đúng giá” của siêu thị này sẽ là “đúng” với “giá” họ niêm yết chứ không phải là giá thị trường, bởi vì không có sự cạnh tranh giữa nhiều nhà cung cấp, phân phối! Và trong trường hợp này, lại càng cần có sự tham gia của các nhà bán lẻ, phân phối ngoại để làm đối trọng với vị thế thống lĩnh thị trường của “tập đoàn” mới này.
Tóm lại, đề xuất các đại gia bán lẻ nội địa bắt tay nhau cho ra đời một tập đoàn bán lẻ quy mô lớn, đặc biệt là khi lôi kéo theo sự can thiệp của Nhà nước, tự thân nó là điều bất khả thi, thậm chí gây tác dụng ngược, và cũng không phải là giải pháp đối phó với sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ, phân phối nước ngoài.
http://www.thesaigontimes.vn/163206/Nhung-bat-cap-co-the-thay-truoc.html
|