Nhịp đập Thị trường 24/08: Xuôi chèo mát mái
Thị trường không “đổ đèo” như diễn biến của phiên chiều hôm trước, thay vào đó là VN-Index và các chỉ số khác đi ngang cho đến đợt đóng cửa, dù cũng có những thời điểm rung lắc nhẹ. Nhìn chung thị trường không có gì phải lo lắng trong phiên chiều, diễn biến trên nhiều mã vốn hóa lớn được coi là xuôi chèo mát mái, thuận lợi cho đến thời điểm đóng cửa.
Nhóm ngân hàng giao dịch sôi động hơn trong phiên chiều, nhất là ACB (+3.8%), BID, CTG và MBB, trong đó có thể nói diễn biến tăng giá tại ACB giúp lan tỏa tính tích cực cho nhiều mã khác trong nhóm ngành này. 10/12 cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng giá, trừ STB và NVB. CTG được khối ngoại mua ròng tới hơn 1.2 triệu cổ phiếu.
Nhóm chứng khoán nhìn chung tăng suốt cả phiên chiều, trừ VDS và TVS giảm hơn 3%. Tuy nhiên còn hơi sớm để nhận định mức tăng giá hôm nay là bền vững, dù TTCK vẫn được đánh giá là có triển vọng tích cực. Thay vào đó, chỉ có thể tạm kết luận là đang có hiện tượng bắt đáy ngắn hạn.
Game sáp nhập SBT – BHS đang đi đến hồi gay cấn, khi chỉ còn vài ngày nữa là BHS sẽ ngưng giao dịch, hủy niêm yết để chờ hoán đổi. Giá cổ phiếu SBT bất ngờ tăng hơn 4% vào phiên chiều nay, có thể do sự hỗ trợ của khối ngoại (mua ròng hơn 425,000 cp, chưa kể có thể còn khối lượng cổ phiếu chờ khớp ở các mức giá sát bên dưới giá đóng cửa). BHS tăng giá nhẹ hơn 1.6% và đang thấp hơn chừng 28% so với SBT.
HT1, CII đều giảm giá mạnh, trong đó HT1 dư bán sàn, do liên quan đến 1 số thông tin tiêu cực trong mảng BOT ở TPHCM. HT1 dù có tín hiệu bắt đáy sớm, với lượng khớp lệnh lên đến gần 3.5 triệu cổ phiếu (gấp gần 9 lần khối lượng giao dịch hôm trước) nhưng vẫn đóng cửa giá sàn. Khối ngoại cũng bán ròng gần 1.2 triệu cổ phiếu này, 1 lượng bán ròng bất thường. Tuy nhiên cũng nói về mảng BOT, 1 số cổ phiếu khác có hoạt động này như HTI, CTI lại tăng giá nhẹ.
Nhóm sắt thép có 1 cái kết có hậu, khi mà nhiều mã đã xanh vào cuối phiên chiều, dù đỏ trong phiên sáng, bao gồm cả HPG. DTL tăng trần gần 7% lên 19,950 đồng/cp. HSG vẫn tiếp tục được khối ngoại chọn làm địa chỉ đầu tư với lượng mua ròng gần 800,000 cp (dù ít hơn hôm qua một chút).
Nhóm dầu khí hôm nay giao dịch không mấy tích cực, tuy nhiên 2 đại gia phân phối khí đốt là PGS và PGD đều tăng giá hơn 4%. GAS có lúc tăng giá hơn 2% nhưng cuối phiên đóng cửa ở mức 61,400 đồng/cp, chỉ tăng nhẹ 0.7%.
FLC tiếp tục có phiên giao dịch khủng thứ hai với tổng khối lượng khớp lệnh lên đến gần 72.6 triệu cp (hôm trước là 39.2 triệu cp), chưa tính số lượng lệnh đặt ATC và tại giá trần mà chưa được khớp. Giá cổ phiếu này nhờ đó cũng tăng trần lên 8,010 đồng/cp. Một số cổ phiếu khác có cơ cấu cổ đông lớn với FLC cũng tăng mạnh, điều này giúp ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục trụ thêm ngày nữa trên cương vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Phiên sáng: Ngân hàng đỡ chỉ số nhờ dự thảo của NHNN
Sau khi giảm xuống dưới tham chiếu được vài phút, VN-Index và các chỉ số niêm yết khác đã nhanh chóng bật tăng trở lại với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng cùng 1 số Large Cap trong VN30, và chốt phiên sáng ở mức tăng 0.51% lên 769.88 điểm.
HNX-Index cũng tăng 0.66% lên 101.95 điểm, với diễn biến dao động y hệt chỉ số sàn HOSE. Tuy nhiên, UPCoM-Index vẫn đang lặn ngụp dưới tham chiếu (-0.07%) dù cũng tăng một chút vào những phút cuối phiên sáng.
Thống kê theo nhóm ngành, những nhóm tích cực có thể kể đến bao gồm ngân hàng, sắt thép, cao su thiên nhiên, chứng khoán, xây dựng, phân phối khí đốt, đồ uống không cồn… Ngược lại, các nhóm có nhiều mã giảm là bất động sản dân dụng, nhiệt điện, hóa chất cơ bản, xi măng, bao bì giấy, thức ăn chăn nuôi, vận tải dầu khí…
Nhóm ngân hàng tăng giá trở lại, là trụ đỡ chính giúp VN-Index tăng điểm. Trong số đó, ACB tăng mạnh nhất lên 27,500 đồng/cp. BID, MBB và CTG cũng tăng hơn 2%. VPB vẫn giảm nhẹ. BID và CTG tăng giá có lẽ còn nhờ vốn ngoại mua ròng. Sáng nay thông tin được cho là tác động tốt lên nhóm ngân hàng là khả năng giãn lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, theo đó NHNN có thể sẽ áp dụng tỷ lệ 45% năm 2018, thay vì 40% như kế hoạch trước đó.
SAB vẫn giảm giá, nhưng mức độ giảm chỉ còn 0.27% sau khi từng giảm hơn 3% trong phiên sáng. Ngược lại BHN đã giảm đà tăng, chỉ còn +0.24%. PLX và 1 số mã vốn hóa lớn khác như GAS, MWG hay VIC nổi lên thành các trụ đỡ khác cho chỉ số.
Kể từ khi HT1 dư bán sàn hơn 600,000 cp thì giao dịch gần như ngưng lại, chỉ còn khớp lệnh với các lô nhỏ. Khối ngoại đã bán ròng hơn 500,000 cp, chiếm gần 1/3 tổng lượng giao dịch. 1 công ty liên quan đến BOT khác là CII cũng giảm giá khá mạnh hơn 3%, thậm chí có lúc giảm gần 5%.
SKG tiếp tục giảm gần 4.3% về 33,600 đồng/cp, trong đó nước ngoài bán ròng 160,000 cp. Có lẽ thông tin báo chậm thuế vẫn đang tác động tâm lý NĐT, nhất là NĐT nước ngoài. Gần đây 1 công ty chứng khoán lớn cũng đã ngưng đánh giá SKG với lý do kém minh bạch. Do đó vấn đề lớn nhất đối với diễn biến giá cổ phiếu SKG là cổ đông nước ngoài sẽ phản ứng ra sao, có tiếp tục bán ròng hay không.
Trên bảng giá phái sinh, cả 4 hợp đồng đều tăng giá, trong đó lượng giao dịch tập trung vào hợp đồng kỳ hạn ngắn nhất là F1709. Điều thú vị nhất có lẽ là 3/4 hợp đồng đều có giá thấp hơn điểm số VN30, trừ hợp đồng có kỳ hạn dài nhất.
Cổ đông MWG đã thông qua kế hoạch chi 2,500 tỷ cho việc M&A mảng điện máy và dược phẩm. Giá cổ phiếu này sáng nay cũng tăng 1.44% lên 105,500 đồng/cp. Tuy nhiên TAG, đích nhắm lớn nhất của MWG trong việc M&A điện máy này lại giảm gần 4% sáng nay.
10h30: Đỏ sớm vì SAB
VN-Index và 2 “đồng nghiệp” HNX lẫn UPCoM đều đỏ. So với những thời điểm ở các phiên gần đây, có thể nói sự chuyển biến trong dao động chỉ số hôm nay là hơi sớm. Chỉ số nhóm VN30 giảm ít hơn VN-Index, dù cả 2 cùng chịu tác động từ SAB (giảm 3%).
HT1 đang có hiện tượng bắt đáy ngay trong sáng nay, sau khi có thông tin Công ty dính đến 1 số sai phạm liên quan đến 1 dự án BOT. Nhiều thời điểm giá cổ phiếu này đã về sàn, thậm chí tại thời điểm này cũng đang dư bán sàn hơn 200,000 cp. Khối ngoại cũng đang bán ròng khá mạnh, lượng bán ròng chiếm hơn 40% tổng lượng giao dịch.
Nhìn chung nhóm công ty niêm yết liên quan đến hoạt động thu phí BOT cũng đang ở trong giai đoạn giảm giá ngắn hạn như CII, HTI, HUT, CTI…. Dù có thể chỉ là tác động về mặt tâm lý. Tuy nhiên HT1 giảm giá liên quan đến mảng BOT cũng là điều rất bất ngờ.
Lực đỡ của nhóm ngân hàng lên chỉ số đang yếu dần. VPB trước tăng nay đang giảm trở lại. VCB đứng giá, và cũng có lúc giảm. ACB, MBB, BID, CTG vẫn tăng, nhưng mức tăng thấp hơn so với đầu phiên.
Nhóm chứng khoán vẫn giữ được sắc xanh trên nhiều mã, nhưng có lẽ là nhờ tâm lý bắt đáy. Trong số giảm, đáng kể là VDS (-3.9%) hay BVS (-1.5%). ART tiếp tục tăng “khủng” phiên thứ 5 liên tiếp (phiên nào cũng tăng trần hoặc sát trần) với lượng giao dịch rất lớn so với các cổ phiếu công ty chứng khoán khác. Điều này có lẽ không bất thường, nếu liên hệ giữa ART với những mã cổ phiếu khác có cùng cổ đông lớn.
Tương tự nhóm chứng khoán, là nhóm cao su thiên nhiên. Theo công bố mới đây từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước ta đã xuất khẩu 634,995 tấn trị giá 1.1 tỷ USD, tăng 12.2% về lượng và 58.4% về giá trị. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 151,138 tấn cao su trị giá 225.5 triệu USD, tăng 23.5% về lượng và tăng 19.8% về giá trị. Hơn 60% kim ngạch xuất khẩu là vào Trung Quốc.
Nhóm bất động sản dân dụng đang “chan hòa” sắc đỏ, dù mức độ giảm không lớn (đa số dưới 2%). HAR giảm sàn, nhưng lượng giao dịch đã gần bằng cả ngày hôm trước, cho thấy đang có dấu hiệu bắt đáy ngắn hạn. HQC vẫn giảm nhẹ 0.3% dù có thông tin công ty này được phép xây nhà ở xã hội ở tận thủ đô… nước Mỹ.
Mở cửa: Khởi đầu chậm, nhưng có lực đỡ từ nhóm ngân hàng
VN-Index mở đầu phiên sáng 24/08 bằng mức tăng rất nhẹ 0.06% nhưng sau đó tăng mạnh hơn nhờ vài mã vốn hóa lớn như BHN (+1.2%), DHG (+1.5%)… Trong những phiên sáng gần đây, thị trường thường tăng chậm, nhưng sau đó tăng mạnh hơn do chịu tác động của 1 vài mã vốn hóa lớn như PLX, SAB…
Nhóm ngân hàng đang xanh trên nhiều mã như ACB, BID, CTG… VPB cũng tăng nhẹ 0.14% dù vẫn thấp hơn giá chào sàn.
Thông tin về khả năng xăng có thể tăng giá lên 25,000 đồng/lít nếu thuế bảo vệ môi trường được nâng lên 8,000 đồng/lít và thuế VAT nâng lên 12% được nhiều báo mạng đăng sáng nay, tuy nhiên chưa rõ có tác động ngay đến các nhóm ngành và công ty có liên quan đến mặt hàng này hay không. PLX đang giảm giá nhẹ 0.1%.
Bộ Công Thương vừa mới ban hành quyết định áp dụng áp thuế chống bán phá giá đối với thép chữ H nhập khẩu, mức thuế từ 20.48 đến 29.4%.
Nhóm chứng khoán có tín hiệu bắt đáy ngắn hạn sau khi suy giảm trong phạm vi 2 tuần gần đây. VND tăng trở lại 2.2% sau khi giảm mạnh kể từ ngày chào sàn HOSE.
Nhóm săm lốp lẫn cao su thiên nhiên đang có tín hiệu tăng trên nhiều mã.
CII giảm 1.4% và có lẽ đang chịu tác động tâm lý từ những tin liên quan đến hoạt động thu phí BOT nói chung lẫn tin về chính hoạt động BOT của Công ty./.
|