Thứ Tư, 02/08/2017 20:37

Nhìn lại 25 năm lừng lẫy thương trường của ông Trầm Bê

Trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng, ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Southern Bank từng rất thành công và để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực từ lâm-nông nghiệp, y tế, bất động sản cho tới tài chính.

 

Khởi nghiệp bằng lâm sản, đi lên từ bất động sản

Nếu như Tân Chủ tịch của Sacombank – ông Dương Công Minh dấn thân vào thương trường với nghiệp buôn xoài, bầu Đức khởi nghiệp từ nghề thợ mộc chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà thì con đường kinh doanh của ông Trầm Bê bắt đầu trên cương vị Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991- 1994) và sau đó là Chủ tịch HĐQT công ty này (1995-2001).

Sau 10 năm sản xuất kinh doanh và chế biến lâm sản, ông tham gia vào lĩnh vực bất động sản thông qua việc đầu tư vào CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) với vai trò là thành viên HĐQT vào năm 1999. Đây có thể coi là bước đón đầu của ông Trầm Bê trước thời điểm thị trường bất động sản chuyển mình vào năm 2000 sau 5 năm đóng băng và bùng nổ vào giai đoạn 2001-2002 (đến tháng 8/2016, ông rời HĐQT BCCI và công ty này “về tay” Nhà Khang Điền - nắm giữ 57.13%).

Kết quả kinh doanh của bệnh viện Triều An những năm gần đây

Sau khi đầu tư vào BCCI, ông Trầm Bê bắt đầu “ngắm” tới lĩnh vực cơ sở hạ tầng khi cùng Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hải Nam và ông Lâm Trung Lương góp vốn để xây dựng bệnh viện Triều An.

Ra đời vào năm 2001, Triều An là bệnh viện tư nhân đa khoa chuyên sâu đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Gia đình ông Trầm Bê có ba người tại Triều An, trong đó ông Trầm Bê là Thành viên – Cố vấn HĐQT, con gái Trầm Thuyết Kiều là Thành viên HĐQT và em trai Trầm Xê làm Trưởng Ban kiểm soát bệnh viện.

Năm 2017, tổng doanh thu kế hoạch của bệnh viện ở mức 422 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 37 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 6%. Bệnh viện cũng sẽ tiến hành đầu tư xây dựng giai đoạn 2 dự án mở rộng khu 6 tầng (25 tỷ đồng) và hoàn thành lắp đặt hệ thống DSA (22.5 tỷ đồng).

Đầu quân sang nông nghiệp

Sau khi góp vốn xây dựng Bệnh viện Triều An, từ năm 2002-2004, ông Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn. Tại Sơn Sơn, ông đưa con trai trưởng Trầm Trọng Ngân lên giữ vị trí Tổng Giám đốc. Ông Trầm Trọng Ngân đang nắm giữ 39% cổ phần tại đây, tương ứng lượng vốn góp trị giá 469 tỷ đồng. Ông Ngân là người nắm giữ nhiều cổ phần nhất trong số 3 người con của ông Bê.

Sơn Sơn hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực xử lý chiếu xạ trái cây; chiếu xạ thủy hải sản; cho thuê kho lạnh, kho nóng; xử lý đá quý, rau củ quả sạch và nguồn ozone; tuy nhiên đặc biệt ghi dấu ấn khi chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam, đây là điều kiện cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm để được phép xuất khẩu trái thanh long.

Được biết, Sơn Sơn thành lập với tổng số vốn đầu tư xây dựng nhà máy là hơn 1,200 tỷ đồng. Đến tháng 9/2006, công ty đã hoàn thành việc lắp đặt đầu chiếu thứ 2 cho nhà máy chiếu xạ và hệ thống kho lạnh có sức chứa lên đến 4,000 tấn. Việc đầu tư nhà máy chiếu xạ cũng như công nghệ vốn rất tốn kém đi cùng với quy trình vô cùng phức tạp nên hiếm có doanh nghiệp nào đủ điều kiện tham gia lĩnh vực này.

Sơn Sơn đã hưởng thế độc quyền trong thời gian 7 năm trước khi có nhà máy chiếu xạ thanh long thứ hai do CTCP An Phú đầu tư vào năm 2009.

Một thương vụ đáng chú ý vào tháng 8/2009, Sơn Sơn và Công ty Vallco Shopping Mall LLC - Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 70% giá trị của Trung tâm thương mại Cupertino Square cho Sơn Sơn hợp tác đầu tư. Để sở hữu khu vực mua sắm diện tích hơn 55,700 m2 này, ông Trầm Bê đã bỏ ra 64 triệu USD.

Đến năm 2014, đại gia này đã chốt lời thành công khi bán cho Công ty bất động sản Sand Hill với giá 116 triệu USD. Sau khi trừ đi 36 triệu USD giải quyết các khoản thuế tại Mỹ, đại gia Trầm Bê mang về Việt Nam 80 triệu USD, tức lãi 16 triệu USD sau 5 năm rót vốn.

Đặt chân vào tài chính và thâu tóm thành công Sacombank

Năm 2004, ông Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên HĐQT của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Tên tuổi của ông gắn liền với họ “Phương Nam” khi đến năm 2007, ông thành lập thêm Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS) vào năm 2008. Đồng thời đưa con gái Trầm Thuyết Kiều nắm giữ chức Phó Giám đốc của NJC. Còn tại PNS, sau ba năm thành lập, con trai út của ông Trầm Bê là Trầm Khải Hòa đã được đưa lên làm Chủ tịch HĐQT.

Đến năm 2011, ông Trầm Bê rời khỏi ghế nóng tại Ngân hàng Phương Nam, đồng thời đưa 2 người con vào ban lãnh đạo ngân hàng này: ông Trầm Trọng Ngân làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT và bà Trầm Thuyết Kiều làm Phó Tổng Giám đốc Khối Tổ chức – Hành chính – Marketing. Tính đến cuối 9/2011, gia đình Trầm Bê sở hữu 17.5% vốn điều lệ Ngân hàng Phương Nam và nâng lên 20.81% (81 triệu cp) vào cuối năm 2013.

Công cuộc thâu tóm Sacombank bắt đầu vào tháng 2/2012, Ngân hàng Eximbank được ủy quyền đại diện cho nhóm cổ đông đa số (bao gồm cả ông Trầm Bê), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank. Sau ĐHĐCĐ thường niên 2012, ông Trầm Bê đã được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Trầm Khải Hòa cũng trở thành một thành viên trong HĐQT của Ngân hàng. Song hành với đó là sự ra đi của ông Đặng Văn Thành – một “banker” lớn tham gia gầy dựng và gắn liền với tên tuổi của Sacombank nhiều năm liền tại vị trí Chủ tịch HĐQT.

Hơn 3 năm sau, đến tháng 8/2015, hai ngân hàng Phương Nam và Sacombank tiến hành sáp nhập. Tuy nhiên, ông Trầm Bê và các tổ chức, cá nhân liên quan đã phải thực hiện ủy quyền quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) tại Sacombank sau sáp nhập cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo chỉ định của NHNN.

Cuối tháng 2/2017, NHNN đã ban hành Quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.

Tính đến cuối năm 2016, ông Trầm Bê cùng gia đình sở hữu hơn 9.5% vốn tại Sacombank. Trong đó, ông Trầm Bê nắm giữ hơn 25.65 triệu cp (tương đương 1.467%), còn con trai là ông Trầm Khải Hòa sở hữu gần 33.35 triệu cp (tương đương 1.769%).

Ngày 01/08/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã khởi tố và thực hiện quyết định bắt tạm giam 4 tháng ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank.

Ngoài ông Trầm Bê, C46 cũng khởi tố đối với ông Phan Huy Khang, nguyên là Thành viên Hội đồng tín dụng, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank.

Cả hai cùng bị khởi tố bắt tạm giam vì hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 31/07/2017, C46 đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và ra Lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại 4 ngân hàng: TPBank, Sacombank, BIDV và Ngân hàng Xây dựng.

Các tin tức khác

>   ACB: Lãi sau thuế quý 2 hơn 500 tỷ đồng (02/08/2017)

>   Techcombank: Cho vay khách hàng giảm 7.5%, lãi sau thuế quý 2 đạt 1,125 tỷ đồng (02/08/2017)

>   Ngân hàng SCB: Lãi sau thuế quý 2 gần 70 tỷ đồng (02/08/2017)

>   Agribank miễn toàn bộ lãi suất phạt quá hạn để xử lý nợ xấu (02/08/2017)

>   ACB: Tới lượt Standard Chartered APR Limited bán thành công 626,343 cp (02/08/2017)

>   Tỷ giá trung tâm tăng nhẹ, nhiều ngân hàng giữ nguyên giá USD (02/08/2017)

>   Khởi tố 25 đối tượng, bắt tạm giam 16 bị can trong vụ án tại 4 ngân hàng  (01/08/2017)

>   Giải ngân hơn 9.000 tỉ đồng cho đóng, nâng cấp tàu cá (01/08/2017)

>   Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ Sacombank khi cần thiết  (01/08/2017)

>   Ông Trầm Bê nhận sai khi cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ (01/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật