Lilama đưa gần 80 triệu cp lên UPCoM giá tham chiếu 15,000 đồng/cp
Sở GDCK Hà Nội (HNX) mới đây đã có thông báo chính thức chấp thuận cho Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đăng ký giao dịch trên UPCoM với mã cổ phiếu là LLM.
Cụ thể, tổng khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch là 79,726,104 cp, tương đương với giá trị 797 tỷ đồng. Cổ phiếu LLM sẽ được giao dịch phiên đầu tiên trên UPCoM vào ngày 16/08/2017 với giá tham chiếu 15,000 đồng/cp.
Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam được thành lập vào năm 1960 với tên gọi đầu tiên là Công ty Lắp máy. Giai đoạn 1976 – 1995, Lilama chuyển sang hoạt động với mô hình Liên hiệp các Xí nghiệp Lắp máy. Từ năm 1995, Công ty chuyển hướng theo chiến lược phát triển Tổng Công ty đến năm 2010.
Năm 2010, Lilama chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước. Cũng trong năm 2010, công ty mẹ là Tập đoàn Sông Đà đã chuyển quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Lilama về Bộ Xây dựng. Năm 2015, Tổng Công ty thực hiện đấu giá chứng khoán lần đầu ra công chúng hơn 1 triệu cổ phiếu và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần chính thức từ 06/04/2016.
Các dự án lớn mà Lilama đã tham gia lắp đặt có thể kể đến như thủy điện Thác Bà, Trị An, Thác Mơ, Yaly; các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Phả Lại 1, 2, nhiệt điện Phú Mỹ 1, nhiệt điện Cà Mau 1; khu công nghiệp Việt Trì; nhà máy Suppe phốt phát Lâm Thao; nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhiệt điện Nhơn Trạch 1.
Tại ngày 26/04/2017, Lilama có cổ đông lớn duy nhất là Bộ Xây dựng nắm giữ 97.88% cổ phần, các cổ đông trong nước còn lại nắm 2.12%. Tổng Công ty không có cổ đông nước ngoài. Giá trị vốn điều lệ ban đầu là 797.26 tỷ đồng và chưa từng thực hiện tăng vốn trong thời gian hoạt động vừa qua.
Lilama có 12 công ty con và 7 công ty liên kết (số liệu ngày 26/04/2017). Lilama đăng ký kinh doanh trên nhiều ngành nghề, tuy nhiên các hoạt động kinh doanh cốt lõi và mang lại doanh thu chính tập trung vào mảng tổng thầu EPC, nhà thầu xây lắp (80%); cơ khí chế tạo (17%). 3% còn lại đến từ lĩnh vực kinh doanh khác gồm tư vấn, thiết kế và quản lý dự án, xuất nhập khẩu và kinh doanh khác.
Tại thời điểm 31/12/2016, giá trị tài sản của Lilama đạt gần 18,000 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ phải trả là hơn 16,100 tỷ đồng, chiếm tới 89.6% tổng tài sản. Trong đó, người mua trả tiền trước 4,760 tỷ đồng; vay ngân hàng ngắn hạn là 4,080 tỷ đồng; các khoản trái phiếu đến kỳ trả là 1,050 tỷ đồng; các khoản trái phiếu dài hạn là 750 tỷ đồng.
Về khả năng tạo doanh thu, hệ số quay vòng vốn của Lilama là 2.62 lần, doanh thu thuần trên tổng tài sản là 0.55 lần. Hệ số thanh toán ngắn hạn là 1.06 lần và hệ số thanh toán nhanh 0.28 lần. Các hệ số về khả năng sinh lợi ROE 14.95%, ROA 2.11% và ROS là 1.17%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2016 gần 212 tỷ đồng.
Các dự án Lilama đang tham gia thi công hiện tại có thể kể đến nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; nhiệt điện Vũng Áng 1, nhiệt điện Thái Bình 2 và nhiều dự án khác. Năm 2017, Lilama đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 9,500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, ROE 10.03%, ROA 0.84% và cổ tức dự chia 6%.
* Tài liệu đính kèm:
LLM - Thong tin tom tat - final.pdf
|