Thứ Hai, 14/08/2017 08:31

Bức tranh toàn cảnh ngành bất động sản niêm yết trong nửa đầu năm 2017

Trong nửa đầu năm 2017, tổng lợi nhuận mà các doanh nghiệp bất động sản niêm yết mang lại tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó thì tổng giá trị tồn kho và dư nợ đều tăng đáng kể so với thời điểm đầu năm.

VIC vẫn là đầu tàu

Theo thống kê dữ liệu của Vietstock, 56 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết đã tạo ra hơn 56,200 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm 2017, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước và tổng lợi nhuận hơn 5,736 tỷ đồng, tăng trưởng 3%.

Và đơn vị đứng đầu về lợi nhuận đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017 không ai khác chính là Vingroup (VIC), bỏ khá xa các đơn vị khác trong ngành. Cụ thể, doanh thu thuần VIC đạt trong kỳ này gần 35,330 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ và chiếm 63% tổng doanh thu toàn ngành. Riêng trong quý 2/2017, doanh thu của Tập đoàn tăng 10,270 tỷ đồng, tương ứng tăng 111%, chủ yếu đến từ bất động sản và bán lẻ. Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản quý 2 đạt 13,334 tỷ đồng, tăng 202% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu các hoạt động bán lẻ; cho thuê bất động sản đầu tư; dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và dịch vụ y tế, giáo dục đều duy trì tốc độ tăng trưởng tốt với tỷ lệ tăng từ 17-53% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ nửa đầu năm 2017 đạt hơn 2,054 tỷ đồng, tăng 33% so với 6 tháng đầu năm 2016 và cũng chiếm gần 36% lợi nhuận toàn ngành.

Đứng ngay sau VIC chính là ông lớn Novaland (NVL) với doanh thu hơn 3,333 tỷ đồng và lãi ròng 833 tỷ đồng.

Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) bất ngờ “chen chân” vào top 3 lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2017 với con số gần 414 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này có được là nhờ KBC chuyển nhượng toàn bộ 1,500 tỷ đồng góp tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen sau gần 1 tháng vừa rót vốn vào. Xét về hoạt động chính thì KBC lại thụt lùi khi doanh thu chỉ hơn 484 tỷ đồng (riêng quý 2 chỉ hơn 49 tỷ đồng), giảm 56% so cùng kỳ.

Câu chuyện gây thất vọng nhất có lẽ là Tập đoàn FLC khi doanh thu sụt giảm gần 20% trong nửa đầu năm nay, chỉ còn 2,888 tỷ đồng. Lãi ròng theo đó sụt giảm đến 73%, xuống còn 154 tỷ đồng.Theo giải trình từ phía FLC, do đặc thù của chu kỳ xây dựng dự án bất động sản thường kéo dài và có thời điểm hoàn thành khác nhau. Thời điểm ghi nhận doanh thu bất động sản là thời điểm bàn giao sản phẩm, theo đó chu kỳ xây dựng và công tác bàn giao ảnh hưởng trực tiếp đến việc ghi nhận doanh thu tại từng thời điểm. Do đó, doanh thu và lợi nhuận ghi nhận giảm mạnh.

Góp mặt trong top 10 doanh nghiệp bất động sản có lợi nhuận 6 tháng 2017 lớn nhất còn có sự xuất hiện của Phát Đạt (PDR) với lãi ròng hơn 126 tỷ đồng, gấp 2.5 lần cùng kỳ nhờ ghi nhận doanh thu các sản phẩm đã bàn giao của dự án The EverRich Infinity và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Top 10 doanh nghiệp bất động sản có lãi ròng lớn nhất trong 6 tháng 2017

Nguồn:Vietstock tổng hợp

Song, nếu xét ở góc độ tăng trưởng về lợi nhuận, nhiều đơn vị khác đã vượt mặt các ông lớn. Cụ thể, dẫn đầu tăng trưởng là ITC với lãi ròng 6 tháng 2017 hơn 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đâu đó 130 triệu đồng. Nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng mạnh là do trong kỳ dự án Long Thới đã được kinh doanh và đưa vào bàn giao. Được biết, dự án khu dân cư Long Thới, Nhà Bè có diện tích 44.5 ha với quy mô 963 nền nhà phố, biệt thự (nhà phố khoảng 700 nền) và 6.5 ha đất để phát triển cao tầng. Dự án mở bán vào đầu năm 2016 với kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến khi mà thị trường bất động sản Nhà Bè diễn biến sôi động. Được biết, ITC đã bán 700/700 nền nhà phố và khoảng 50% nền biệt thự tại dự án này. Diện tích biệt thự còn lại kỳ vọng sẽ hoàn tất kinh doanh trong năm 2017.

Sau nhiều năm “cầm hơi”, Công ty Năm Bảy Bảy (NBB) cũng bắt đầu ghi nhận doanh thu và lợi nhuận City Gate Tower,  qua đó giúp lãi ròng đạt hơn 45 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ năm trước.

Top 20 doanh nghiệp có lãi ròng 6 tháng 2017 tăng trưởng mạnh nhất

Nguồn:Vietstock tổng hợp

Những mảng tối với nhiều điều bất ngờ

Thống kê của Vietstock cũng cho thấy, trong 56 doanh nghiệp bất động sản niêm yết thì có 27 doanh nghiệp có lãi tăng trưởng so cùng kỳ, 17 doanh nghiệp giảm lãi và 7 đơn vị thua lỗ.

Trong 7 doanh nghiệp thua lỗ, nặng nhất là Petroland (PTL) với con số sau 6 tháng đầu năm lên đến hơn 36 tỷ đồng.

Những điều bất ngờ nhất đối với nhà đầu tư có lẽ chính là thông tin Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng báo lỗ nặng gần 27 tỷ đồng bất chấp doanh thu thuần trong nửa đầu năm 2017 tăng 140% so cùng kỳ, đạt hơn 894 tỷ đồng. Được biết, năm 2017, HDG đặt mục tiêu tổng doanh thu 2,812 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện 2016. Lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 244.7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả 2016. Như vậy 6 tháng đầu năm HDG còn cách xa vời vợi kế hoạch cả năm.

Ngoài ra, những doanh nghiệp vẫn duy trì “thói quen” lỗ trong nửa đầu năm như PXA, PVL, KAC hay FDC.

Những doanh nghiệp bất động sản thua lỗ trong 6 tháng 2017

Nguồn:Vietstock tổng hợp

Mặc dù không thua lỗ nhưng việc ông lớn vốn ngàn tỷ Sudico (SJS) báo lãi quý 2/2017 vỏn vẹn 71 triệu đồng cũng khiến giới đầu tư bị sốc. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, SJS chỉ đạt doanh thu gần 33 tỷ đồng và lãi ròng 2.5 tỷ đồng, lần lượt giảm 93% và 99% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng họ Sông Đà thì có Simco Sông Đà (SDA) cũng báo lãi 6 tháng chỉ 1.9 tỷ đồng, giảm 95% so cùng kỳ năm trước dù doanh thu thuần tăng hơn 20%. Theo giải trình từ SDA thì nguyên nhân là do quý 2/2016 Công ty phát sinh doanh thu tài chính đột biến khi thoái vốn khỏi công ty liên kết còn năm nay thì không có.

Ông lớn Vạn Phát Hưng (VPH) thì còn đặc biệt hơn khi lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần tăng mạnh hơn 4 lần so với 6 tháng đầu năm 2016 khi đạt 568 tỷ đồng, thực hiện 65% kế hoạch. Nhưng với các khoản chi phí không được kiểm soát tốt, lãi ròng VPH có được chỉ 7.6 tỷ đồng, sụt giảm gần 60% so với thực hiện cùng kỳ và vẫn còn rất xa so với con số kế hoạch 170 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp giảm lãi trong 6 tháng đầu năm 2017

Nguồn: Vietstock tổng hợp

Tồn kho hơn 145,670 tỷ và nợ vay hơn 92,000 tỷ đồng

Chỉ sau 6 tháng, tổng giá trị hàng tồn kho của 56 doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã tăng thêm 10,000 tỷ đồng, tương ứng 7.4% để lên con số 145,670 tỷ đồng.

Thống kê từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, đến cuối tháng 5/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên toàn quốc còn khoảng 27,894 tỷ đồng.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính các đơn vị, tồn kho chủ yếu tăng trưởng ở nhóm các đơn vị lớn mở rộng phát triển thêm dự án. Chẳng hạn như VIC, tổng tồn kho đơn vị này hơn 53,600 tỷ đồng, chủ yếu gồm 46,000 tỷ là bất động sản đang xây dựng để bán, hơn 5,000 tỷ đồng tồn kho ở dạng bất động sản sẵn sàng để bán, tồn kho bệnh viện, siêu thị, khách sạn khoảng 2,200 tỷ đồng.

Ông lớn NVL cũng góp hơn 20,000 tỷ đồng giá trị tồn kho, gồm 19,100 tỷ bất động sản đang xây dựng, 686 tỷ đồng bất động sản đã hoàn thành và 234 tỷ hàng hóa bất động sản.

4 doanh nghiệp ngàn tỷ khác vẫn duy trì lượng hàng tồn kho lớn tính đến cuối tháng 6/2017 là KBC (hơn 8,200 tỷ đồng), PDR (7,400 tỷ đồng), QCG (6,300 tỷ đồng) và IJC (hơn 5,000 tỷ đồng).

Những doanh nghiệp bất động sản có tồn kho hơn 1,000 tỷ đồng

Nguồn: Vietstock tổng hợp

Cùng với tồn kho tăng, tổng nợ vay và thuê tài chính của các đơn vị bất động sản cũng tăng 6%, ở mức hơn 92,000 tỷ đồng. Do quy mô hoạt động lớn nên không ngạc nhiên khi VIC và NVL đều là những đơn vị sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nhất.

Song, nếu xét về tỷ lệ tăng, DXG mới là đơn vị mở rộng vay nhiều nhất trong nửa đầu năm. Cụ thể, vay nợ ngắn hạn của DXG tại thời điểm cuối quý 2 lên đến 537 tỷ đồng, tăng 182% trong khi nợ vay dài hạn thì tăng lên hơn 1,100 tỷ đồng. Tất nhiên, so với quy mô tài sản và vốn điều lệ thì tỷ lệ nợ vay của DXG vẫn ở mức rất thấp.

Top 20 doanh nghiệp có vay nợ ngắn hạn tại 30/06/2017 lớn nhất

Nguồn: Vietstock tổng hợp
Các tin tức khác

>   FCN: Giải trình về lợi nhuận BCTC HN và Cty mẹ quý 2,2017 so với cùng kỳ năm trước (10/08/2017)

>   VLW: Báo cáo tài chính Quý 2/2017 (10/08/2017)

>   RAL: Nghị quyết HĐQT thông qua phương án thanh toán bổ sung 5% cổ tức năm 2016 và tạm ứng 20% cổ tức đợt 1 năm 2017 (10/08/2017)

>   BXH: Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 (10/08/2017)

>   CJC: Ngày đăng ký cuối cùng phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (10/08/2017)

>   VDS: BCTC 6 tháng đầu năm 2017 (10/08/2017)

>   LGL: Đính chính báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2017 (10/08/2017)

>   TIX: Điều chỉnh thông báo giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến CĐNB CTCP XNK và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) (10/08/2017)

>   VHC: Báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn (10/08/2017)

>   PVX: Trích lập dự phòng nhiều, quý 2/2017 thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác (10/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật