Kinh tế toàn cầu chuẩn bị tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2017?
Nền kinh tế toàn cầu chuẩn bị chứng kiến năm tăng trưởng nhanh hơn, mạnh hơn sau khi ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong gần 2 năm rưỡi trong quý 2/2017, Bloomberg cho hay.
Động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu xuất phát từ Nhật Bản và các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Và đà tăng trông có vẻ khá bền vững vì chúng không tạo ra tình trạng lạm phát quá mức hoặc là những tình trạng dư thừa khác – những điều thường dẫn tới một sự suy giảm, các chuyên gia kinh tế cho hay.
Torsten Slok, Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế ở Deutsche Bank AG tại New York, cho hay: “Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng tốt hơn cả vài năm trước. Chúng tôi không nhận thấy yếu tố nào có thể châm ngòi cho một đợt suy thoái mới”.
Ông gọi đây là một kịch bản “Goldilocks” (tức tăng trưởng không quá nhanh cũng không quá chậm) đối với các nhà đầu tư thị trường chứng khoán, trong đó sự hồi phục kinh tế đủ mạnh để tạo ra lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn, nhưng cũng không quá nhanh để làm lạm phát và lãi suất tăng quá mạnh. Chỉ số MSCI ACWI Index, bao gồm các chứng khoán từ các nền kinh tế mới nổi và phát triển, đã tăng liền 5 quý liên tiếp – chuỗi leo dốc dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2007-2008.
Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo GDP toàn cầu tăng 3.4% trong năm 2017 và 3.5% trong năm 2018. Mặc dù con số trên thấp hơn mức 4% trong quý 2/2017, nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng 3.1% trong năm 2016.
“Dữ liệu gần đây cho thấy các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng đồng bộ nhất trong 10 năm vừa qua”, Maurice Obstfeld, Trưởng bộ phận kinh tế ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết. “Hoạt động thương mại thế giới cũng tăng trưởng mạnh hơn, trong đó khối lượng giao thương được dự báo tăng nhanh hơn sản lượng toàn cầu trong 2 năm tới”.
Việc nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn là nhờ sự hồi phục của nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản – 2 nền kinh tế trước đó được xem là yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Sau nhiều năm tăng trưởng ảm đạm, nền kinh tế châu Âu đang bắt đầu hồi phục trở lại. Trong quý 2/2017, nền kinh tế châu Âu tăng trưởng 0.6%, và mức tăng trưởng của 19 quốc gia trong khu vực cũng đồng đều hơn trong quá khứ. Đáng chú ý, Hà Lan ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong 1 thập kỷ, và trong năm nay, Italy có thể chứng kiến thành quả tốt nhất kể từ năm 2010.
Đây là một thông tin tốt đối với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi – người muốn đảm bảo một sự hồi phục bền vững trước khi giảm bớt quy mô của các gói kích thích. Dẫu vậy, lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của ECB, và có ít dấu hiệu cho thấy tiền lương sẽ tăng trưởng mạnh.
Bất ngờ hơn, GDP của Nhật Bản tăng trưởng 4% trong quý 2/2017, đứng đầu nhóm 7 nền kinh tế phát triển G7.
Nhu cầu nội địa mạnh nhất trong nhiều năm là động lực chính giúp nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 6 quý liên tiếp. Điều này góp phần tạo dựng hy vọng về một sự hồi phục bền vững cho một nền kinh tế nổi tiếng có lạm phát thấp và có dân số ngày càng giảm.
“Chúng ta chỉ mới bắt đầu nhận thấy thêm nhiều bằng chứng cho thấy nhu cầu nội địa cuối cùng cũng tăng”, Kathy Matsui, Trưởng bộ phận chiến lược Nhật Bản tại Goldman Sachs, cho biết.
Triển vọng tích cực
Dẫu rằng sự tăng trưởng bất ngờ từ phía châu Âu và Nhật Bản đang cung cấp động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, nhưng vận mệnh của sự tăng trưởng vẫn bị chi phối bởi 2 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.
Trong tuần này, JPMorgan đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong quý 3/2017 từ mức 1.75% lên 2.25%. Sở dĩ, JPMorgan nâng dự báo là do doanh số bán lẻ ở Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong tháng 7/2017. GDP Mỹ tăng 2.6% trong quý 2 vừa qua.
Những người mua sắm thoải mái chi tiêu ở các cửa hàng bách hóa, cửa hàng trực tuyến, nhà hàng và đại lý xe hơi trong tháng trước, qua đó gia tăng doanh số bán lẻ thêm 0.6%, mức tăng mạnh nhất trong năm nay.
Trong báo cáo kinh tế hàng tháng của mình, Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s, cho biết: “Lần đầu tiên trong suốt 8 năm qua, không hề xuất hiện bất kỳ yếu tố nghiêm trọng nào ngăn cản đà tăng trưởng”.
Các công ty chứng kiến sự gia tăng trong lợi nhuận và hưởng lợi từ chi phí đi vay thấp. Bên cạnh đó, rủi ro bên ngoài tác động đến Mỹ cũng đã suy giảm khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh hơn./.
|