Đường vòng 'rút ruột' ngân hàng
Trong 25 người bị khởi tố liên quan đại án tại Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB) giai đoạn 2, có 3 người nguyên là cán bộ của BIDV Chi nhánh Gia Định, với cáo buộc đã gây thất thoát 1.170 tỉ đồng.
Liên quan vụ án tại ngân hàng VNCB, ngoài hai bị can Trầm Bê và Phan Huy Khang (ngân hàng Sacombank), Bộ Công an còn khởi tố 23 người khác, trong đó có ba người thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) - Chi nhánh Gia Định.
Các bị can gồm: Hoàng Long Hà - nguyên Phó Giám đốc chi nhánh, Nguyễn Ngọc Sơn - nguyên trưởng phòng Khách hàng và Nguyễn Vũ Bảo - nguyên cán bộ phòng Khách hàng được xác định là đồng phạm với Phạm Công Danh trong việc gây thiệt hại 1.170 tỉ đồng cho BIDV.
“Đi đường vòng”, 4.700 tỉ thiệt hại hơn 2.500 tỉ
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng VNCB theo đề án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Phạm Công Danh muốn tăng vốn điều lệ nhưng không có tiền.
Để thực hiện kế hoạch này, Danh đã chủ động tìm tới BIDV Hội sở chính tìm gặp một số lãnh đạo ngân hàng này để đặt vấn đề giới thiệu khách hàng của VNCB qua BIDV vay vốn theo đề án chuỗi liên kết 4 nhà (chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng - ngân hàng).
Nếu khách hàng của VNCB không có tài sản đảm bảo để vay thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình để đảm bảo khoản vay đúng theo quy định của BIDV.
Sau khi được lãnh đạo BIDV tại Hội sở chính đồng ý về chủ trương trên, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn bằng tên của 12 doanh nghiệp do Danh thành lập, thuê tài xế, bảo vệ, người nhà các nhân viên đứng tên đại diện pháp luật...
Tiếp theo, Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống toàn bộ hồ sơ tài chính, phương án vay vốn và các hợp đồng vay vốn, mua bán vật liệu xây dựng… để nộp cho BIDV Hội sở chính và các chi nhánh dự định vay tiền.
Phạm Công Danh là người sử dụng 6 lô đất tại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), số 209 đường An Khê (Đà Nẵng) và hơn 3.000 tỉ tiền gửi của VNCB tại BIDV để đảm bảo cho khoản vay 4.700 tỉ đồng.
12 doanh nghiệp do Danh thành lập đã làm hồ sơ vay ít nhất là 340 tỉ đồng, nhiều nhất là 450 tỉ đồng tại 4 chi nhánh ngân hàng BIDV (Chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Nam Sài Gòn và Chi nhánh Sở Giao dịch).
Ngay sau khi 4.700 tỉ đồng được giải ngân vào tài khoản của 12 doanh nghiệp thì tiền này được rút ra và chuyển vào tài khoản của nhiều cá nhân, đi lòng vòng với mục đích gửi lại vào VNCB một phần, một phần trả nợ và một phần dùng để trả lại cho chính khoản vay tại BIDV…
Theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước, việc bảo lãnh cho 12 doanh nghiệp vay 4.700 tỉ đồng của BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỷ đồng.
Công ty không hoạt động vẫn duyệt vay ngàn tỉ
Trong số 4 chi nhánh đã ký hợp đồng tín dụng cho 12 doanh nghiệp do VNCB giới thiệu, riêng BIDV Gia Định được giao xử lý hồ sơ vay của 3 doanh nghiệp, với số tiền vay 1.170 tỉ đồng.
Điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ công an cho thấy vào ngày 7-10-2013, BIDV Gia Định nhận được công văn của Hội sở BIDV về việc chấp nhận chủ trương cho vay theo mô hình 4 nhà với 3 công ty: Quang Đại, Phước Đại và Phong Hiệp.
Hội sở BIDV giao cho BIDV Gia Định tiếp nhận, thực hiện thẩm định khách hàng, phương án kinh doanh, quyết định cấp tín dụng đảm bảo thu đủ nợ gốc và lãi.
Từ văn bản này, ông Văn Đình Hải (nguyên Giám đốc BIDV Gia Định) đã giao phòng Khách hàng 1 (do Nguyễn Ngọc Sơn làm trưởng phòng) thực hiện. Ông Sơn lại giao cho 3 cán bộ cấp dưới, mỗi người phụ trách một hồ sơ, trong đó có Nguyễn Vũ Bảo.
Sau khi đã thu thập thông tin khách hàng, 3 cán bộ đã làm tờ trình cấp tín dụng tổng cộng 1.170 tỉ đồng cho 3 doanh nghiệp, trình ông Hoàng Long Hà - Phó Giám đốc BIDV Gia Định và được ông Hà phê duyệt.
Ngày 22-10-2013, ông Hà ký hợp đồng cho 3 công ty vay 1.170 tỉ đồng, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động thanh toán đợt 1 để mua vật liệu, thời hạn vay 6 tháng và lãi suất 13%.
Với khoản vay 1.170 tỉ đồng này, 3 doanh nghiệp đã tất toán khoản vay bằng số tiền bảo đảm tiền gửi của VNCB tại BIDV cũng giống như cách mà Phạm Công Danh đã thực hiện các khoản vay với Sacombank.
Và cũng giống như cách thức đã thực hiện việc vay tiền của Sacombank, 12 doanh nghiệp của Phạm Công Danh đã vay tiền tại BIDV đều không hoạt động kinh doanh tại trụ sở đăng ký, có khai báo thuế nhưng không phát sinh doanh thu mua vào, bán ra.
Theo quy định thì các cán bộ ngân hàng phải kiểm tra thực tế, xác định tính chân thực của pháp nhân vay vốn, khả năng kinh doanh, trả nợ gốc, lãi nhưng những cán bộ ở 4 chi nhánh BIDV đã hoàn tất các thủ tục chỉ trong hơn 20 ngày, giải ngân 4.700 tỉ đồng cho 12 doanh nghiệp này dễ dàng.
Cho tới nay, cơ quan tố tụng mới xác nhận đã khởi tố 3 bị can đã nêu trong nhóm các lãnh đạo, cán bộ của BIDV. Vụ án vẫn đang tiếp tục được điều tra.
http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20170803/bidv-mat-1170-ti-trong-dai-an-pham-cong-danh-ra-sao/1362742.html
|