Thứ Năm, 24/08/2017 08:55

Đừng thấy cổ phiếu liên tục kịch trần mà ham

Đừng tiếc nuối khi thấy một cổ phiếu liên tục tăng kịch trần 5 phiên, 7 phiên rồi 10 phiên… bởi biết đâu lúc xuống tiền đầu tư thì cũng là lúc nhận ngay đòn “nốc ao”.

Trong tuần giao dịch giữa đầu tháng 8, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ xuất hiện trong nhóm giảm điểm nhiều nhất thị trường chứng khoán như HAI, TSC, HAR, CET, CVN, ITQ… Nhưng trước đó, đây cũng chính là nhóm đã bứt phá mạnh mẽ với hàng loạt phiên kịch trần.

Chẳng hạn như cổ phiếu HAI, sau ngày ĐHĐCĐ thường niên 2017 diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, cổ phiếu này bắt đầu rục rịch tăng điểm. Rồi vài ngày sau đó thì HAI tăng tốc với 22 phiên kịch trần liên tiếp, đưa giá cổ phiếu từ đâu đó quanh 4,000 đồng/cp để lên 22,500 đồng/cp.

Những nhà đầu tư mua cổ phiếu HAI trước thời điểm tăng trần thì quả là món hời quá khủng khiếp!

Hay như TSC, ngay trong tuần đầu tháng 8, liên tục 6 phiên kịch trần đẩy cổ phiếu này nhảy vọt gần 40% giá trị. HAR thì còn ấn tượng hơn, 15 phiên tăng trần từ đầu tháng 7 rồi 7 phiên trong tuần đầu tháng 8 đẩy giá từ dưới 4,000 đồng/cp lên trên 15,000 đồng/cp.

Điểm chung của những cổ phiếu tăng nóng phần lớn khởi đầu từ thị giá rất thấp so với mệnh giá, chính dòng tiền đầu cơ đã kích hoạt đà tăng ở những mã này bởi xét về hoạt động kinh doanh thì không được đánh giá cao. Đây cũng chính là hiện tượng mua theo đám đông.

Theo thống kê của Vietstock, thời điểm đầu năm 2017, khoảng 260 mã trên hai sàn đang giao dịch dưới mệnh giá. Và rất nhiều mã sau đó đã tạo sóng, ít nhất một lần vượt mệnh giá trước khi quay trở lại nơi xuất phát điểm.

Một điểm chung ở hầu hết các cổ phiếu mệnh giá thấp khi bất ngờ tăng nóng đều đi kèm những thông tin “khủng” dày đặc trên các diễn đàn với lời kêu gọi kiểu như cơ hội đầu tư cổ phiếu siêu lợi nhuận, nhân đôi giá trị tài khoản, “đổi đời”…

Vào sai nhịp, “nốc ao” là chuyện thường!

Điểm chung của những cổ phiếu tăng nóng đó là thường giao dịch trong hai sắc thái: trần và sàn. Để rồi, nhà đầu tư hoan hỷ bao nhiêu khi giá tăng trần thì lại đau khổ bấy nhiêu khi nằm sàn.

Đối với nhà đầu tư “may mắn” mua vào ngay lúc cổ phiếu vừa chớm tăng và liền sau đó chốt lời thì không có gì phải nói bởi điều đó có nghĩa tài sản nhà đầu tư gia tăng.

Nhưng! Nhà đầu tư thường “mắc bệnh” tiếc, sợ lỡ bán xong giá vẫn tăng trần nên lại tiếp tục giữ “hàng” với phương châm “không bán khi giá cổ phiếu đang tăng trần”.

Và rồi, khi những cổ phiếu này quay đầu giảm sàn thì gần như không có gì cản được đà rơi. Hiện tượng “múa bên trăng” (ám chỉ các phiên trắng bên mua) trong khi dư bán chất đống lên hàng chục triệu cổ phiếu diễn ra. Lúc này thì có muốn chạy cũng không được.

May mắn chỉ dành cho những ai vào ra đúng nhịp!

Vấn đề thường thấy nữa là nhiều mã có hiện tượng chuỗi tăng giá đã hoàn thành đâu vào đấy rồi thông tin mới hé lộ. Lượng nhà đầu tư “nắm đằng cán”, vào từ đầu sóng ở đây rất ít. Còn phần lớn số nhà đầu tư “nắm đằng chuôi” khi đuổi theo mua vào thì cổ phiếu đã tăng nóng và gần cuối sóng.

Chậm chân thì uống nước đục. Nhà đầu tư nào đã mua vào đoạn cuối của nhịp tăng, khi cổ phiếu bị bán mạnh thì khả năng thoát hàng gần như không thể. Thua lỗ trở nên chắc chắn.

Quan sát cổ phiếu HAI trong 3 phiên cuối chuỗi tăng trần 22 phiên (04-08/08), lượng khớp lệnh HAI tăng đột biến lên xấp xỉ 5 triệu cp/phiên. Ngay sau đó, HAI rớt sàn 7 phiên liên tiếp với dư bán ngay tại giá sàn luôn thường trực vài triệu cp/phiên, thậm chí có phiên lên hơn 10 triệu cp trong khi bên mua bằng 0.

Điều này chắc chắn khiến nhiều nhà đầu tư mắc kẹt khi trót lỡ mua vào trong 3 phiên phần cuối con sóng. Đến khi có thể bán được (có cung cầu trên sàn) thì tài khoản đã lỗ nặng.

Trong quá khứ, ngoài HAI còn có rất nhiều mã cổ phiếu đã từng như thế và nếu mua không đúng thời điểm thì rất nguy hiểm. Đó là AMD với 8 phiên kịch trần liên tục từ 29/05-07/06/2017, đưa giá cổ phiếu chạm mức cao kỷ lục 23,500 đồng/cp. Nhưng ngay sau đó là chuỗi 8 phiên nằm sàn, đến nay thì giá chỉ quanh 11,000 đồng/cp.

Trước đó từ cuối 2016 đến tháng 2/2017, cổ phiếu TVB của Công ty Chứng khoán Trí Việt có thị giá được ghi nhận tăng gấp 5 lần từ quanh 5,000 đồng/cp lên đỉnh 27,000 đồng/cp. Tuy nhiên, từ mức giá đỉnh này, TVB đã tụt dốc rất nhanh, đến nay, giao dịch quanh mức 13,000 đồng/cp.

Chắc hẳn nhà đầu tư cũng chưa quên được PPI trong diễn biến mấy năm qua. Từ đầu năm 2014, PPI với công cuộc tái cấu trúc được công bố rộng rãi đã đẩy giá cổ phiếu của đơn vị này nhảy vọt từ quanh 3,000 đồng/cp lên đỉnh 13,600 đồng/cp (giá đã điều chỉnh ngày 20/11/2014). Nhưng sau đó thì PPI lao dốc không ngừng nghỉ, đến nay chỉ còn hơn 3,000 đồng/cp.

Ngoài ra, phải kể đến hàng loạt cổ phiếu với nguy cơ “đốt cháy” tài khoản nhà đầu tư rất cao nếu vào sai nhịp như HHC, HNF, DPG, DRH, FIT, TSC, HAR, ITQ…

Không thể phủ nhận rằng sức hấp dẫn từ lợi nhuận khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu nóng là khó cưỡng. Nhưng nhà đầu tư đừng quá vì vẻ hào nhoáng bên ngoài mà đánh cược với rủi ro, thị trường chứng khoán lâu nay đã chỉ ra rằng “bạo phát thì bạo tàn”./.

Các tin tức khác

>   HTI: Chiến binh BOT “thầm lặng” (24/08/2017)

>   Công bố trễ nhiều tài liệu, GEX bị phạt 60 triệu đồng (23/08/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 23/08: Bất ngờ tăng vọt, VN-Index đóng cửa cao nhất phiên (23/08/2017)

>   23/08: Bản tin 20 giờ qua (23/08/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 23/08 (23/08/2017)

>   Một doanh nghiệp thép bị phạt 60 triệu đồng do báo cáo nhiều tài liệu không đúng hạn (22/08/2017)

>   VIC: Thông báo nhận được bản án liên quan tới hợp đồng lao động (22/08/2017)

>   AMC: Mẹ Ủy viên HĐQT bị phạt do chậm trễ báo cáo giao dịch (22/08/2017)

>   MKT: Ngày 25/08/2017, ngày hủy ĐKGD cổ phiếu của CTCP Dệt Minh Khai (22/08/2017)

>   HNX: Bản công bố thông tin của Công ty cổ phần Công trình đô thị Nam Định (UMC) (21/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật