Doanh nghiệp thực phẩm vào tầm ngắm nhà đầu tư ngoại
Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước gần đây đã bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm hoặc nắm cổ phần chi phối và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM, bà Lý Kim Chi, đã đưa ra nhận định trên khi trao đổi với TBKTSG Online với tư cách cá nhân của một người có kinh nghiệm tham gia hoạt động trong ngành này trong gần 20 năm qua, chiều 31-7 tại buổi họp báo liên quan đến triển lãm của ngành diễn ra tại TPHCM.
Mức độ đổ bộ mạnh của doanh nghiệp ngoại hoạt động trong ngành thực phẩm trong thời gian gần đây, theo bà Chi, cho thấy thị trường này tại Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn. Do vậy, các đơn vị nước ngoài vẫn mua và nắm giữ cổ phần của phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đang cần vốn đầu tư. Không những thế, một số thương hiệu mạnh của doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn trong nước cũng đã rơi vào tay doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
"Thực tế này là điều rất đáng tiếc cho doanh nghiệp thuần Việt", người đứng đầu Hội lương thực thực phẩm TPHCM chia sẻ nỗi niềm khi một số thương hiệu thực phẩm trong nước rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Chi cho rằng, không hẳn năng lực của doanh nghiệp nội địa hoạt động trong ngành này có sức cạnh tranh kém trong bối cảnh hội nhập dẫn đến các ông chủ quyết định bán đi, mà một phần nguyên nhân là các doanh nghiệp mua lại với giá tốt hơn khá nhiều so với giá trị thực.
Tuy nhiên, theo bà Chi, sự điều tiết của thị trường là tất yếu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Không chỉ doanh nghiệp có vốn nhà nước bán cổ phần mà ngay cả doanh nghiệp tư nhân cũng đang nằm trong tầm ngắm này của nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài. Bà Chi dự báo tình hình có thể sẽ tiếp tục trong tương lai gần.
Để doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam cạnh tranh tốt, bà Chi cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ của nhà nước về các giải pháp, chính sách...
Về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm trong nước thì hiện rất tốt nhưng mức và sức cạnh tranh vẫn chưa thể cân đối với doanh nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN vì họ được hưởng nhiều ưu đãi liên quan đến thuế, lãi suất ngân hàng và các công cụ khác, bà Chi nhận định.
Không chỉ riêng ngành chế biến thực phẩm mà các doanh nghiệp đồ uống, nước giải khát trong nước cũng thu hút sự chú ý của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế ổn định, quy mô dân số trẻ với hơn 90 triệu người cũng tăng tính hấp dẫn của ngành thực phẩm và đồ uống. Theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế ổn định là nền tảng cho sự phát triển của ngành thực phẩm và đồ uống khi ngành này chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và đang có xu hướng tăng lên.
Một số ý kiến cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mua bán, sáp nhập với doanh nghiệp trong nước là xu hướng phát triển bình thường. Việc tìm kiếm đối tác ngoại của doanh nghiệp trong nước là để bổ sung nội lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm,... để gia tăng tính cạnh tranh.
Trên 500 doanh nghiệp tham gia Vietfood & Beverage - ProPack 2017
Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm - Đồ uống & Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm và đồ uống (Vietfood & Beverage - ProPack) thu hút trên 500 doanh nghiệp tham gia sẽ diễn ra từ ngày 9-8 đến 12-8-2017 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM.
Theo Ban tổ chức, triển lãm chuyên ngành lần thứ 21 này thu hút doanh nghiệp của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trưng bày với quy mô gần 600 gian hàng, trong đó có các Khu gian hàng chung của Việt Nam, Đài Loan, Ba Lan, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Sự kiện sẽ xúc tiến thương mại 2 chuyên ngành có thế mạnh lớn là thực phẩm - đồ uống bao gồm 5 lĩnh vực trưng bày (thực phẩm; nông - thổ - thủy - hải sản; đồ uống; thực phẩm dinh dưỡng - thực phẩm thuốc; nguyên liệu - phụ gia thực phẩm); và máy móc thiết bị sản xuất - đóng gói - bảo quản thực phẩm; nhượng quyền thương hiệu.
Bên cạnh đó là một loạt các hoạt động bên lề được phối hợp với các hiệp hội (Hiệp hội bán lẻ Việt nam (AVR); Hiệp hội lương thực thực phẩm TPHCM (FFA); Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA); và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA).
|
http://www.thesaigontimes.vn/163131/Doanh-nghiep-thuc-pham-vao-tam-ngam-nha-dau-tu-ngoai.html
|