Doanh nghiệp thắc mắc chuyện xác định trị giá hải quan
Các doanh nghiệp châu Âu bày tỏ sự lo lắng, quan ngại về công tác xác định trị giá hải quan của ngành hải quan trong thời gian qua. Lãnh đạo ngành hải quan hướng dẫn, trong trường hợp bị xác định giá bất hợp lý, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khởi kiện.
Cùng một mặt hàng nhưng bị áp giá khác nhau
Tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM diễn ra hôm 30-8, bà Almut Roessner, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, cuộc khảo sát do tổ chức này thực hiện từ 22 đến 28-8 vừa qua với 141 doanh nghiệp (66% là doanh nghiệp vừa và nhỏ) cho thấy, các doanh nghiệp bày tỏ sự quan ngại với công tác xác định trị giá hải quan.
Theo đó, có đến 25% doanh nghiệp cho biết đã từng bị cơ quan hải quan xác định lại trị giá hàng hóa nhập khẩu. Trong số này, phân nửa doanh nghiệp cho biết giá mới cao hơn giá khai báo 20%. Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp lại không hiểu lý do của việc bị xác định lại trị giá; công việc kinh doanh bị ảnh hưởng do thời gian kéo dài… Thậm chí, có không ít doannh nghiệp nói rằng việc xác định lại trị giá hải quan của cơ quan chức năng được dựa vào nguồn dữ liệu không khách quan (giá trên internet)…
Cũng liên quan đến công tác này, các doanh nghiệp còn gửi trước hàng loạt câu hỏi, thắc mắc đề nghị được cơ quan hải quan giải đáp. Có doanh nghiệp phản ánh, nhập khẩu cùng một mặt hàng nhưng hai thời điểm khác nhau lại bị xác định giá khác nhau. Việc này, dường như phụ thuộc vào từng cán bộ hải quan phụ trách.
Có doanh nghiệp cho rằng, cơ sở dữ liệu của hải quan là thông tin nội bộ, doanh nghiệp không thể biết dẫn tới việc xây dựng giá không minh bạch, rõ ràng. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đặt vấn đề, phải chăng áp lực tăng thu ngân sách nhà nước khiến cơ quan hải quan tăng cường xây dựng giá như thời gian qua?
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TPHCM cho biết, số liệu thống kê của Cục Hải quan TPHCM cho thấy, chỉ 2-3% số tờ khai mỗi năm phải xác định lại trị giá tính thuế. Vì vậy, con số 25% như khảo sát của EuroCham có thể rơi vào hàng phi mậu dịch, quà biếu, quà tặng...
Ông cũng khẳng định, việc xác định trị giá khai báo đang được thực hiện theo các quy định hiện hành như Nghị định 08/2015, Thông tư 39/2015. Theo đó, cơ quan hải quan sẽ đặt nghi vấn khi giá khai báo của doanh nghiệp thấp hơn cơ sở dữ liệu của hải quan. Từ đây, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác định lại trị giá với 6 phương pháp khác nhau, dựa vào cơ sở dữ liệu của ngành.
Bộ dữ liệu này được lập nên bởi nhiều nguồn thông tin như trị giá giao dịch được chấp nhận; giá chào bán tại các thị trường xuất khẩu; thông tin do các phòng thương mại, tham tán tại Việt Nam hoặc tham tán Việt Nam tại các nước cung cấp; Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan; Bộ Công Thương và các ngành liên quan cung cấp. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu này hoàn toàn không sử dụng để ấn định giá tính thuế mà chỉ là căn cứ nghi vấn ban đầu.
Trên thực tế hoạt động, có rất nhiều trường hợp có thể xảy ra. Ví dụ như cùng một mặt hàng nhưng được xác định giá khác nhau. Điều này là rất bình thương bởi giá có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố như giá trị đơn hàng, thời điểm, tỷ giá…
Do vậy, điều quan trọng nhất, theo ông Toản, là việc công chức hải quan có tuân thủ đúng các quy định đã có. Và nguyên tắc của Cục Hải quan là sẽ xử lý các cán bộ vi phạm. Đồng thời, bản thân doanh nghiệp khi thấy giá do hải quan xác định bất hợp lý thì phản ánh ngay với lãnh đạo chi cục để xem xét.
Doanh nghiệp có quyền kiện
Bình luận về phần chia sẻ của ông Toản, đại diện một doanh nghiệp cho biết, trên thực tế, khi tham vấn giá, dù doanh nghiệp chứng minh, giải trình được giá khai báo nhưng cán bộ hải quan không chấp nhận vì giá này thấp hơn giá trên danh mục hàng hóa có rủi ro về giá tính thuế. “Vậy thì, giá trên danh mục là giá tham khảo hay áp đặt?”, đại diện này đặt vấn đề.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan khẳng định, danh mục hàng hóa có rủi ro về giá tính thuế là công cụ để cơ quan hải quan xác định nghi vấn. Lúc này, doanh nghiệp phải chứng minh bằng các chứng từ kèm theo (các lần đàm phán mua bán, hợp đồng…).
Nếu cơ quan hải quan không phát hiện được sai phạm thì không được ấn định giá. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp bị ấn định giá thì có quyền khiếu nại (theo đường hành chính) và khởi kiện ra tòa (đường tố tụng). Doanh nghiệp có quyền bảo vệ những gì mình làm và khiếu nại những gì cho là bất hợp lý. Lâu nay, nhiều doanh nghiệp thường không cung cấp thông tin chi tiết để chứng minh vì sợ lộ bí mật thương mại. Tuy nhiên, không nên lo lắng điều này vì cơ quan hải quan có trách nhiệm phải giữ kín các thông tin này.
Cũng theo ông Hùng, doanh nghiệp cũng cần lưu ý thêm rằng, khi khai báo giá thấp, có thể cơ quan hải quan không chứng minh được sự bất hợp lý nhưng còn có nhiều luật khác có thể chỉ ra. Ví dụ như Luật cạnh tranh, quyết định áp thuế chống bán phá giá… Trong trường hợp này, có thể chính doanh nghiệp sẽ bị khởi kiện.
Liên quan đến việc doanh nghiệp cho rằng áp lực tăng thu ngân sách khiến cơ quan hải quan tăng cường xác định lại trị giá, ông Hùng cho rằng, không có cơ sở để nói điều này. Bởi lẽ, số thu từ kiểm tra sau thông quan hiện chỉ chiểm khoang 1% tổng thu hàng năm. Việc tăng cường công tác xác định trị giá nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, theo ông Hùng, số nợ thuế lớn nhất hiện nay là phát sinh do ấn định trị giá tính thuế, không phải là nợ phát sinh trong quá trình thông qua (vì từ năm 2013, cơ quan hải quan đã áp dụng quy định nộp thuế ngay khi thông quan hàng hóa - pv).
Cũng trong khuôn khổ của buổi đối thoại, Tổng cục Hải quan đã trao chứng nhận doanh nghiệp ưu tiên cho Công ty TNHH Saigon Precision (nằm tại Khu công nghiệp cao, quận 9, TPHCM) và Công ty Đại Tân Việt (nhập khẩu thực phẩm từ châu Âu).
|
http://www.thesaigontimes.vn/164187/Doanh-nghiep-thac-mac-chuyen-xac-dinh-tri-gia-hai-quan.html
|